Nắng cuối ngày hối hả tuôn trên những chóp mái nhà cao tầng phía xa. Không có khói thổi cơm chiều cuống quýt bay lên. Vòm mây rực sáng màu lửa đượm. Hàng cây vẫn lặng im thả vài chiếc lá vàng rơi trên lối đi qua ngõ nhà Yên. Có một chú chim lạ bay lạc vào khu vườn hoa của mẹ. Nó ngơ ngác kêu lên mấy tiếng rồi vút lên không mất dạng. Yên tiếc nuối ngóng theo, chợt lo lắng khi nắng phụt tắt, bầu trời tím dần. Chẳng biết con chim có kịp tìm thấy tổ ấm trước khi đêm về? Yên chắp hai bàn tay nhỏ xinh, lẩm bẩm: “Ước gì thời gian dừng lại!”
Có tiếng huýt sáo mồm trượt dài trên đường. Yên bật cười. Hắn đúng giờ như một cái đồng hồ điện tử. Chiều nào hắn cũng gò lưng trên chiếc xe cà tàng lướt ngang qua ngõ nhà Yên với âm thanh rộn rã của…tiếng huýt gió. Hình như hắn ở trọ gần đây. Chắc tự nấu ăn vì trên giỏ xe đạp của hắn có một bó rau muống to đùng. Có gì vui mà hắn chu miệng thổi nên giai điệu hồ hởi đến thế? Khu phố nầy vốn yên tĩnh đến…buồn thiu. Vậy mà mấy ngày nay xuất hiện một gã đen nhẽm tới lui, đi về đều đều như cây kim đồng hồ. Hắn khuấy động cuộc sống, tạo nên một nỗi xao xuyến lạ lẫm mà Yên không sao giải thích được. Mấy ngày nay, chiều nào Yên cũng đứng bên cửa sổ phòng tận lầu ba để…chờ hắn ngang qua, để mỉm cười một mình, để nghĩ vẩn vơ một chút. Ngày mai, chắc Yên không còn rảnh rang để mơ mộng. Mẹ bảo có mời một gia sư đến nhà kèm cặp Yên học văn. Mẹ bảo người Việt mà để yếu tiếng Việt thì thật đáng xấu hổ. Yên không đồng ý như vậy. Chẳng lẽ môn học nào Yên cũng phải giỏi! Nếu có yếu Văn chút đỉnh cũng có sao đâu. Điểm thi môn Tiếng Việt của Yên cũng trên trung bình kia mà. Nhưng mẹ nói sắc gọn: “Không!” Vậy là Yên hiểu mình phải giỏi văn thì mẹ mới vui lòng. Dầu sao, Yên cũng không muốn mẹ khổ hơn nữa.
Lâu lắm rồi, mẹ Yên lặng thầm như chiếc bóng trong căn nhà thênh thang, lạnh lẽo. Bà chỉ mỉm cười khi nhìn thấy Yên. Lúc đó, mắt mẹ long lanh, ngời sáng như có ai thắp lửa trong đáy tim của mẹ. Yên biết mình chính là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi còn sót lại trong đời mẹ. Từ lúc Yên bắt gặp mẹ quì gối trước mặt ba, khóc lóc, van xin: “Anh ơi, em xin anh đừng bỏ mẹ con em. Con cần có anh!” Ba đã lạnh lùng bảo: “Đừng hòng dùng nó làm chiếc phao để …” Yên bước vào phòng, quì xuống, ôm chầm lấy mẹ. Nó thét lên: “Hãy để ông ta đi!”. Ba Yên thoáng ngỡ ngàng rồi nhanh chóng trấn tĩnh. Ông đi như chạy ra khỏi ngôi nhà, kết thúc những ngày tháng khoắc khoải bên Yên và mẹ. Những ngày đầu vắng ba, ngôi nhà bỗng dưng trống trải kỳ lạ. Dù gần đây, ông cũng thường xuyên vắng nhà. Sáng nào ba Yên cũng đi làm thật sớm và trở về lúc nửa đêm với hơi men nồng nặc. Ban đầu, mẹ cằn nhằn nhưng ba phản ứng bằng cách văng tục và ném vỡ vụn bất kỳ thứ gì trong tầm tay, khiến mẹ và Yên hoảng sợ. Lạ một điều, những ngày sau đó, khi nghe tiếng xe máy của ba ngừng trước ngõ, mẹ lặng yên ra mở cửa rồi mời ba dùng cơm, nhưng ông vẫn nổi nóng, vẫn gào thét, mắng nhiếc… Ông làm cho láng giềng cũng hoang mang theo. Họ lân la hỏi han nhưng mẹ chỉ tìm cách rút êm vào nhà. Bây giờ thì cuộc sống của mẹ và Yên êm đềm, ổn định. Mẹ không còn ru rú trong nhà, ủ dột chờ đến giờ ăn mới rời khỏi phòng. Bà đã tìm được một việc làm phù hợp với năng khiếu vốn có là viết văn và gửi đến các báo. Tác phẩm của mẹ được giới văn nghệ khen ngợi Nhờ vậy, mẹ như được hồi sinh và Yên cũng cảm thấy mình như có thêm sức sống mới. Ngoài giờ sáng tác, mẹ chăm chút vườn hoa trước nhà và dành hết tình yêu thương cho Yên. Yên hiểu mình phải ngoan ngoãn, vâng lời mẹ. Đó là cách tốt nhất để hai người có niềm vui sống.
Thật bất ngờ, người thầy mẹ mời kèm cặp môn văn cho Yên là….hắn! Một gã trai…hơn Yên một tuổi và…một cái đầu. Điều nầy có lẽ đúng ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì hắn cao lêu nghêu như cây tre miễu. Mối lần nói chuyện với hắn, Yên phát mỏi cổ. Đã vậy, điều đó lại rất thuận lợi cho việc hắn có thể dễ dàng cốc vào đầu Yên khi Yên…bướng. Và cái đầu của hắn thì đầy chất xám. Hắn học giỏi đều các môn. Đã vậy, hắn còn biết tự kiếm việc làm để lo chi phí ăn học và tự…nấu cơm. Nghe đâu, ba hắn bệnh liên miên sau khi mẹ hắn bỏ nhà theo người đàn ông khác. Một mình hắn bôn ba lên thành phố ôn thi và đỗ đại học. Mẹ Yên rất quí hắn vì hắn là một cây bút trẻ đầy tiềm năng. Bà mong với sự “dạy dỗ” của hắn, Yên cũng khấm khá lên đôi chút. Đúng như mẹ mong đợi, điểm thi tốt nghiệp môn văn của Yên vọt lên loại khá. Và Yên đỗ đại học.
Mẹ tổ chức một bữa tiệc mừng Yên bước vào ngưỡng cửa đại học, đồng thời cũng để tạ ơn hắn. Giữa lúc mọi người đang vui, ba về, ông mang theo một bó hoa. Nhưng vừa chạm mặt hắn, ông sững sờ giây lâu rồi bỗng quay lưng, đi như chạy ra khỏi nhà. Yên thảng thốt hỏi: “Ủa, Sao lạ vậy, mẹ?” Mẹ lặng im lắc đầu. Hắn mỉm cười chua chát: “Có gì đâu, chẳng qua ông ta trông thấy tôi, người đã bị ông ta cướp mất người mẹ” Mẹ và tôi bàng hoàng nhìn hắn trân trối, chẳng biết phải làm sao. Nhưng hắn mỉm cười, thản nhiên bảo: “Chúng ta đều là nạn nhân. Đồng cảnh tương liên mà, phải không Yên?” Yên bỗng hiểu ra nhiều điều và thấy yêu đời hơn. Đâu phải ai gặp nghịch cảnh cũng trở thành người xấu, phải không anh?
N.T.M (Trà Vinh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét