ĐỌC TIỂU THUYẾT NƯỚC MẮT MỘT THỜI CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN KHOA ĐĂNG – Bài của Hoàng Thị Giao



     Toàn bộ tiểu thuyết Nước mắt một thời nổi bật lên các nhân vật: lão Kền, Đội Khoảnh, ông Khán Vĩnh, Én, nhân vật “tôi”, ông bà Lân, chị Nghiệm và một số nhân vật khác…trong cái làng nhỏ bên đê sông Hồng…sau cải cách ruộng đất đầu 1955…trở về sau.

Lão Kền (anh trai Én) và đội Khoảnh đại diện cho chính quyền và chi bộ. Nhưng tiếc thay, họ là những con nguời không xứng đáng, tàn bạo. Cấp trên đã sai lầm khi đề cử họ.
Én đại diện cho đoàn thanh niên cứu quốc. Cô gái có nỗi đau về một cuộc tình không hóa giải...


Ông Khán Vĩnh và Én đại diện cho tầng lớp nông dân nghèo.
Ông bà Lân đại diện cho giai cấp địa chủ sau cải cách ruộng đất.
“Tôi” con trai ông bà Lân, đại diện cho người thanh niên có tư tưởng tiến bộ, nhưng chỉ vì có một cái lý lịch không tốt: con em gia đình địa chủ nên không có điều kiện vươn lên... đường đi của anh luôn bị bế tắc, triệt tiêu vì những cú đạp, ngáng chân của Kền và Đội Khoảnh.

Đội về xã là một hy vọng biết bao cho người dân sau ngày giải phóng miền Bắc. Đội về xã là nhân danh công lý được thiết lập về làng… Song ở cái làng ven sông Hồng ấy có mấy ai biết được Đội ấy đã thực sự làm gì? Nhân danh như thế nào? Để thi hành nhiệm vụ mà chính quyền và chi bộ giao phó?

Thực chất Đội Khoảnh và lão Kền chỉ là những kẻ cơ hội, “đục nước béo cò", “lộng quyền’, chứ chả làm được cái gì nhân danh cho chính nghĩa cả. Đọc mà tức anh ách … Sao chính quyền và chi bộ thực chất ở đâu mà để hai gã này tự tung tự tác đến như vậy? Họ là kẻ bênh vực cho người nghèo ư? Không dám…Những hành động của họ đều không đủ tư cách làm người gọi là đi giáo dục “lập trường giai cấp”…Cấp trên thật sai lầm nghiêm trọng khi giao quyền hành vào tay họ, ở họ làm gì có đạo đức cách mạng, mà họ chính là kẻ thù trong lòng người, kẻ thù của nhân dân, kẻ thù của những con người chân chính... là ô danh, là ô nhục…

Cách mạng là phải khoan hồng và dung nạp, ưu ái, luôn tìm lối đi cho cả kẻ thù nay muốn hoàn lương, hợp tác…chứ không chặt đứt những khát vọng làm người, không nguyên tắc cứng nhắc “chỉ đâu đánh đấy”. Không "ném đá dấu tay”, phải “cần kiệm liêm chính chí công vô tư"  như Bác Hồ. Lão Kền và Đội Khoảnh làm điều xằng bậy, phản lại con đường đi mà Bác Hồ đã vạch ra. Nhưng tiếc thay những con người ở cái làng bên đê sông Hồng ấy duờng như chả có sự phản kháng nào với một cái Đội vô lý cỡ ấy? Người ta không nhận ra... sự thật, hay người ta làm lơ? Thật là nguy hại cho uy tín và niềm tin của các mạng Việt Nam! Và sự việc phơi bày đã quá muộn sau cái chết “tức tưởi” của ông Cả Lân

Ông bà Lân và gia đình đã bị Kền và đội Khoảnh chà đạp đến tận cùng…? Nếu có là địa chủ chăng nữa thì nhà nước chân chính cũng không thể đối xử với họ như vậy. Họ cũng là người, cũng còn có thể “quay đầu về núi”… Một sự bất công phi lý xảy ra cả một thời mà không có sự can thiệp nào của một chính quyền chân chính thì thật nguy hại…
May thay, ở cuối tiêu thuyết, người ta đã nhận ra chân tướng của Kền và Đội Khoảnh.

Cô thiếu nữ tên Én xinh đẹp, thánh thiện, yêu nhân vật “tôi”nhưng luôn bị lão Khoảnh gạ gẫm và dùng quyền để gây áp lực về tình cảm. Én nhận lời lấy tên Phổng để Phổng bắn trượt ông Lân. Không ngờ lại khiến cho lão Kền tức tối bổ cuốc vào ông Lân…đến chết. Không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau này cho gia đình ông Lân. Thà bị oan về một thân thế địa chủ, thà bắn một nhát cho xong, cái kiểu xử án này, cái chết quằn quại này, thì cả một đời một kiếp vợ con ông Lân phải đau, phải rớm máu.

Mối tình đẹp của cô Én với nhân vật “tôi” đã phải đi vào ly biệt…để rồi nay…cô phải chết trong chùa mà vẫn chưa được hàm oan, vẫn bị mang tiếng với “tôi” là một người phản trắc... Khi nhân vật “tôi” gần 70 tuổi về dự đám tang của cô, đọc được bức thư cô viết mới bàng hoàng vì tấm chân tình của cô đựoc giâu kín không ai hay…
Toàn bô tác phẩm phản ánh cuộc sống cần lao, đớn đau, tủi nhục của gia đình ông bà Lân và một số người khác sau cải cách ruộng đất (đầu năm 1955 trở về sau). Có thể nói là bất công…

Cái chết của ông Cả Lân thật đau thương. Phần này làm cho người đọc "tức tưởi "vì cái tố khổ, vì cái án, vì sự thi hành án bằng những nhát cuốc bổ vào đầu...cho đến chết... Ôi cái đấu trường xử án chết tiệt kiểu này cũng tàn bạo khác chi thời trung cổ. Tôi căm thù lão Kền và Đội Khoảnh...
Tình của Én thật cảm động.

Lão Kên và Khỏanh đã tự lột mặt nạ. Gia đình ông Cả Lân đã bị xử oan, cái chết của ông để lại nỗi đau tột cùng cho dân lành. Cái tàn bạo của Kền và đội Khoảnh không bút nào tả hết. Chúng trước sau cũng bị người đời xét xử.
Theo tôi  thì đây có thể chính là câu chuyện về gia đình tác giả thời bấy giờ…mà chính sự nghiệp của tác giả đã bị liên lụy bởi một cái lý lịch “gia đình địa chủ, bóc lột” đã không cho ông được thi đại học…

Nhưng bằng ý chí của một thanh niên đầy hoài bão chính đáng, bằng lòng nhân từ và tư chất ưu ái với con người, ông đã tự vượt qua mọi rào cản của thân thế để chính thức trở thành một nhà văn của đất nước, đứng về phía nhân dân, những con người lao động, và là nguồn chia sẻ thâm tình của những số phận mọi miền …khi cần đến ông.
Ông... với nụ cười hồn hậu, chất phác thân tình…bao dung, độ lượng, chả có giọt máu “địa chủ” nào hiện hữu hoặc rơi rớt trong ông cả…

Nguyễn Khoa Đăng có một phong cách viết thoáng, rộng, giàu chi tiết, thể hiện phần hồn nhân vật sống động. Đúc kết được ý tưởng và tinh hoa của thời đại. Để từ đó cái gì về thực chất bộc lộ tự nhiên như tự thân của nó... Tôi cũng thích ngôn ngữ của ông. Gần gũi, chan hòa, cảm xúc, lột tả được những bức chân dung cuộc sống trọn vẹn và thỏa đáng... Đọc ngôn từ của ông vừa thân thương, vừa đau xót, vừa nao nao, vừa tận hưởng, vừa thấy mình lớn lên thêm... vừa thấy đời cần thiết... phải sống...

Đọc Nước mắt một thời, một niềm hy vọng lóe lên trong tôi. Tôi đã bị thu phục bởi câu chuyện của ông. Điều đáng chú ý nhất ở cách viết của ông vẫn là vấn đề "chi tiết". Phải nói là "chi tiết"của ông khá giàu có. Dày đặc chi tiết, biểu hiện vốn sống quá ư tiềm tàng, biểu hiện con người quá ư trọng đức, lẽ phải và công bằng, biểu hiện một tâm hồn nồng hậu, một trái tim vì sự sống, một tình yêu không gì sánh kịp. Tôi không giấu được lòng ngưỡng mộ khi đọc... Một lối viết rất độc đáo và sáng tạo. Từ cách tả cảnh, thiên nhiên luôn dào dạt sức sống trong ông. Chim muông được ông coi trọng như người... Cảnh chiến tranh và chết chóc...thể hiện được nỗi đau và mất mát của chính ông và gia đình... Ông còn có biệt tài tả tình rất xúc động, đặc biệt là tả về vẻ đẹp của cô Én, một vẻ đẹp không cầm được nước mắt, thể hiện sự tận cùng cái đẹp từ trong ra ngoài của người thiếu nữ mà tạo hóa ban cho... Ở ông không có sự phân biệt đẳng cấp giàu nghèo. Ông tôn vinh cái chất con người toát lên từ sinh khí... Tình yêu với Én, người con gái chỉ có manh áo rách che không đủ kín da thịt...là một bằng chứng... Ông luôn ưu ái những con người lao đông cần lao. Cụ thể bố của Én, ông Khán Vĩnh có cách bẫy chim tuyệt chiêu làm ông thán phục. Xin thưa, đây chính là những câu chuyện thật về ông mới làm tôi rung động đến thế. Nhân vật "tôi" chính là tác giả đó thôi. Đọc chuyện như thế này tôi hiểu được điều đó lắm.... Cái chuyện đầu năm 1955 ông đã đóng vai quan tòa với mẹ ông để biết về nguồn gốc gia đình, và những lần sau này nữa, mấy chục năm sau, ông đã làm luật sư bào chữa cho 216 phiên tòa để bảo vệ những con người gặp chuyện không may, tôi càng hiểu chuyện là có thật về ông. Những chuyện xảy ra với gia đình ông sau cải cách là tất cả những gì ông đã thể hiện ở Nước mắt một thời, đáng được quan tâm. Tôi nghĩ toàn tập quá nhiều chi tiết đáng nhớ, thể hiện đầy đủ một nhân vật "tôi"mang tình yêu cuộc sống tràn đầy, một sinh khí sống mạnh mẽ...
Phong tục tập quán là điều khó rời bỏ. Dù biết là vô lý mà người ta vẫn phải tuân theo. Người ta thường ưu tiên lòng thành kính cho người đã chết, nhưng lại quên nỗi đau của người đang sống. Sống thì bỏ bê không ngó ngàng, còn nặng nhẹ nọ kia. Khi mất rồi mới cuống lên lo làm sao để đẹp lòng người chết... Gia đình nhân vật chính xưng là "tôi" đã bị quy vào tầng lớp địa chủ thời kháng chiến chống Pháp, sau chiến thắng 1954, cải cách ruộng đất, nhà ông đã bị tịch thu hết ruộng đất. Tôi không hiểu về luật thời bấy giờ... nên không biết phân giải chuyện thành phần nhà ông có phải địa chủ hay không. Có thể oan...gia lắm. Nhưng xét cho cùng cứ cho là gia đình ông là địa chủ đi, thì khi đã tịch thu hết ruộng đất thóc lúa, tài sản, đất đai nhà cửa rồi thì mọi chuyện kể như đã được san bằng. Gia đình ông từ đó kể như đã được hòa nhập cùng cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Thành phần địa chủ ư? Đã phải lưu lại ngàn đời trên lý lịch? Để cả dòng họ phải mang tấm bia ấy đi theo suốt cuộc đời? Ý kiến riêng của tôi là điều đó có thể gọi là bất công... Bởi lẽ nó đã tước quyền làm lại cuộc đời của một số thành phần…muốn vươn lên cống hiến tài năng cho CNXH... Sống cùng một xã hội thì dù trước đây là gì đi nữa mà nay đã biết sống có ích và thành tâm thì họ vẫn xứng đáng là một con người, xứng đáng được trân trọng... Vài lời cảm nghĩ cho tiểu thuyết Nước mắt một thời là để chia sẻ với nhân vật chính, cũng là vì muốn cho sự công bằng xã hội, xưa cũng như nay...

Ở tiểu thuyết này là một loạt những chi tiết đời sống nông dân những năm sau cải cách ruộng đất. Nó phản ánh lịch sử cách mạng Việt Nam trong những năm đầu giải phóng miền Bắc để tiến lên CNXH. Thể hiện cụ thể ở gia đình nhân vật chính và những người liên quan trong làng, xã... Đây là giai đọan khá quan trọng. Những trang viết này rất có giá trị cho bạn đọc. Nhân vật lão Kền không thể tượng trưng cho lực lượng cách mạng tiến bộ, cho nhân danh nhà nước được, tuy hắn không phải là địa chủ... Hắn tượng trưng cho một lớp người nịnh bợ xun xoe quen việc làm càn, ném đá dấu tay, ba phải, nghiêng theo chiều gió, thời nào cũng có. Hắn là nhân vật phản diện về tư cách XHCN... chỉ làm xã hội xấu đi thêm. Hành động của hắn tự tố cáo hắn... Bằng cách tường thuật lại các sự việc bằng những sự kiện chính xác đến từng chi tiết, từng con số, tác giả đã đem đến cho người đọc những tư liệu có giá…

Tôi đã đọc xong tiểu thuyết Nước mắt một thời của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Đã được nghe nhà văn nhắc đến tiểu thuyết này khi còn trên bản thảo, khi đó nhà văn có đọc cho tôi nghe một đọan một cách rất hồ hởi. Vì lúc đó vội về, tôi không chú ý lắm... Hôm nay bất ngờ thấy Nước mắt một thời đủ bộ trên trang web của Lê Thiếu Nhơn và 4 kỳ đăng trên Newvietart, tôi mới nghiêm túc bắt tay vào đọc. Không hiểu được vì sao mỗi dòng mỗi đoạn đều làm tôi không thể thờ ơ hoặc đọc cho qua được. Tôi thấy cần phải đọc, nó làm lung lay tôi... Những tập truyện ngắn mà tôi từng đọc của Nguyễn Khoa Đăng vào loại đọc được, không đặc sắc lắm. Nhưng tiểu thuyết này, tôi đã phải nghĩ khác đi rồi. Hình như đây là câu chuyện thật của tác giả, ông mới có thể viết được những chi tiết đặc thù như vậy. Hình như ông viết tiểu thuyết hợp hơn truyện ngắn. Ngôn ngữ tiểu thuyết của ông thuyết phục hơn nhiều. Không thể phủ nhận là Nước mắt một thờiđã lôi cuốn tôi vào dòng chảy của mạch chuyện... len lỏi vào phần hồn của nhân vật Én và người xưng "tôi". Tâm trạng tôi không thoát ra khỏi mớ lòng nhân vật đang nghiệm trải, hay nói cách khác là của chính tác giả. Quả thực tôi câm lặng trước những dòng chữ thư bị thôi miên...

Hoàng Thị Giao
(Nguồn: phongdiep.net)



Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

1 nhận xét:

  1. Chúc mừng Hương Quê Nhà thay đổi hương sắc...Chúc thành công.

    Trả lờiXóa