Nàng vẫn vậy! Đã gần ba mươi năm qua mà nàng vẫn giữ được nét thanh xuân ngày nào. Vẫn dáng dấp thanh mảnh, làn da trắng mịn màng và khuôn mặt xinh xắn. Nhưng ánh mắt buồn vời vợi, lạnh lùng khiến tim anh nhói đau. Chắc nàng không hạnh phúc. Hình như con trai anh cũng kinh ngạc, nó thì thầm: “Woo! Không lẽ đây là mẹ của bạn gái con sao? Đẹp quá!”. Thoáng thấy anh, nàng sửng người giây lâu. Anh cũng lúng ta lúng túng chưa biết làm sao. Thật may! Cô con gái từ trong nhà chạy ra, reo lên:
- Bác và anh tới rồi! Đi đường có mệt lắm không ạ? Mời vào, mời vào…!
Anh bước qua ngưỡng cửa nhà nàng. Điều ngày xưa đã từng là mơ ước ám ảnh anh ngày đêm. Năm cuối cấp ba anh và nàng học chung lớp. Anh giỏi Toán nên thầy phân công kèm cho các bạn yếu. Trong đó có nàng và hai đứa đã phải lòng nhau. Thế nhưng giữa hai người có một khoảng cách rất lớn. Bởi anh nghèo! Nghèo nhất vùng. Ba mẹ chuyên nghề cấy gặt thuê. Chỗ ở chỉ là một mái lá xiêu vẹo tận cuối xóm có mặt hậu chồm ra bờ sông mấp mé mí nước. Cứ đến con nước lớn, nước tràn lên sàn nhà, có khi còn luồn lõi ra tận cửa trước. Vì vậy, ba anh làm một cái bếp treo. Nhìn cứ như mấy ông Táo đang xích đu. Mỗi lần có giông bão, mấy cái nồi cũng run bần bật theo nhịp run của kèo cột. Nhà có mỗi một cái bàn gỗ tạp và bốn cái ghế đẩu đặt giữa gian trước để tiếp khách. Nhưng lâu lâu mới có bạn của ba anh đến chơi. Họ lại thích ngồi bệt trên sàn ván nhà bếp để hóng gió sông cho mát nên cái bàn trở thành chỗ học tập của anh. Trong nhà chẳng có lấy một cái tủ. Mỗi người đều có một cái thùng giấy để đựng quần áo, đặt dưới chân giường. Riêng anh ưu tiên có thêm một thùng ván thông đựng sách vở. Nó cũng được ưu tiên nằm chễm chệ trên một cái giá treo toòng teng bên vách lá. Tuy nhà trống huơ trống hoác nhưng ấm áp, tràn đầy tình yêu thương. Những bữa cơm đạm bạc được chia đều. Những món ngon bao giờ anh cũng được ba mẹ sớt bớt cho. Rồi anh cũng lại gắp những món ấy đưa về chén của mẹ. Cứ thế mà bữa ăn rộn tiếng cười. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý, hay ho gì đối với gia đình nàng. Họ giàu nổi tiếng, ruộng vườn cò bay thẳng cánh mà vẫn còn thòm thèm có thêm vài ba mẫu nữa khi gã con gái duy nhất của mình. Vì vậy, giữa anh và nàng khoảng cách ngày càng mênh mông. Cái nghèo dạy cho anh phấn đấu trở thành trò giỏi con ngoan, ngoài giờ học còn chăm chỉ lao động giúp ba mẹ. Nhưng cái nghèo lại đè đầu, cỡi cổ anh, biến anh thành một kẻ nhút nhát, tự ti, bé mọn trong tình yêu. Anh không dám bước qua cái cổng hoa vàng hoặc lén nhảy ngang hàng rào dâm bụt chỉ cao ngang thắt lưng để đến gần cái cửa sổ có tấm màn voan màu nắng phai quyến rũ. Anh luôn đứng nép bên này cột đèn rồi chu môi huýt sáo làm ám hiệu. Chỉ chờ có vậy, nàng len lén vòng ngã sau chạy ra rồi cùng nhau đến bờ sông, chỗ có cây dừa nằm ưỡn ẹo sát mặt nước, ngọn cong chỉa lên trời. Hai đứa ngồi trên ấy, thòng chân xuống vừa nghịch nước vừa tán tỉnh nhau rôm rả. Anh hay ghẹo nàng bằng lời của một nhà thơ nào đó:
“Bao giờ núi Ấn hết tranh
Sông Trà hết nước anh đành xa em"
Chuyện anh và nàng yêu nhau đến tai người lớn. Ba mẹ anh hoảng hốt, lo lắng, thường khuyên nhủ anh:
Thế gian chuộng của, chuộng công
Nào ai có chuộng người không bao giờ.
Hay là:
Gối rơm theo phận gối rơm
Có đâu dưới thấp mà chồm lên cao.
Còn ba nàng đơn giản hơn, chỉ chém gọn mấy câu:
Đĩamà đòi đeo chân hạc.
Đũa mốc mà chòi mâm son.
Mẹ nàng tìm gặp anh chỉ nói một câu:
- Dù nghèo kiết xác cũng phải có chút lòng tự trọng chớ!
Câu nói ngắn gọn vậy mà biến thành một bức tường đồng ngăn lối vào cái cổng rực rỡ sắc hoa vàng. Chẳng biết làm gì hơn. Anh gầm đầu trên cánh đồng chữ. Và cuối cùng anh gặt được ước mơ là bước vào cái cổng của trường Đại học Sư phạm với kết quả không ngờ là tờ giấy báo điểm đỗ thủ khoa. Anh được cấp học bổng. Con đường dưới chân anh quang đãng làm sao! Nàng thi rớt Đại học, ngoan ngoãn đi theo con đường của ba mẹ chọn là lấy chồng. Đó là con trai duy nhất của phú hộ làng bên. Ngày đàn trai rước dâu lại trùng khớp với ngày anh nhập học. Gia đình nàng tổ chức nhóm họ hai ngày đêm rình rang chưa từng thấy. Lòng anh bị xé toang hoác ra nghìn vạn mảnh. Anh dùng dằng chưa muốn rời quê lên thành phố mà cứ lẩn quẩn đàng xa nhìn về phía rộn ràng tiếng cười nói huyên thiên. Vầng trăng lê từng bước lên cao rồi uể oải chếch về một phía, soi cái dáng thất thểu của kẻ thua cuộc ngã sóng soài trên đường mòn vắng lặng. Bỗng có tiếng chân chạy đuổi theo. Nàng hiện ra, ôm chầm lấy anh, òa khóc. Anh bàng hoàng, vỗ nhè nhẹ tấm lưng thon “Nín đi em. Mai rước dâu rồi. Em khóc như thế mắt sẽ sưng, không đẹp đâu”. Nàng đấm thùm thụp vào ngực anh: “Giờ này mà anh còn đùa à? Anh có yêu em thật lòng không?” Anh nhìn vào mắt nàng “Anh yêu em thật lòng. Nhưng yêu thì sao chứ. Mãi mãi là giấc mơ của anh thôi. Em về đi, kẻo sương đêm lạnh lắm, ba mẹ biết được sẽ la mắng đó.” Nàng lắc đầu: “Em không sợ nữa. Nếu anh thật lòng yêu em, vậy anh lấy em đi”. Anh chưa kịp hiểu ý nàng muốn nói gì thì nàng tự mở những chiếc cúc áo, kéo tuột xuống đất, để lộ đôi gò ngực vun cao và nửa người đẫm ánh trăng lấp loáng như tượng thần vệ nữ tuyệt đẹp trước mắt anh. Anh cảm thấy các dây thần kinh căng ra như dây đàn. Toàn thân run rẩy. Anh ôm chầm lấy nàng, hôn ngấu nghiến đôi môi mềm mại nhưng đúng lúc đó anh chợt nhớ ra anh nghèo, nhớ lòng tự trọng, nhớ cái bỉu môi khinh bỉ của mẹ nàng và nhớ nàng sắp về với một người giàu có. Anh không thể chiếm đoạt nàng như thế. Bởi anh thật sự yêu và mong nàng hạnh phúc. Nếu bây giờ anh đỡ nàng nằm xuống vệ cỏ ven sông, rồi khám phá từng vùng trên thân thể, biến nàng thành người của anh thì sau đó sẽ ra sao? Nàng dám bỏ nhà theo anh không hay quay về để lên xe hoa? Như thế đêm tân hôn sẽ là đêm bi kịch của đời nàng. Nàng sống thế nào khi chồng biết nàng không còn trinh tiết? Chắc chắn hắn sẽ hành hạ nàng và cuộc sống hôn nhân khác nào địa ngục trần gian.
Anh vội buông nàng ra, giúp nàng mặc lại áo rồi âu yếm bảo:
- Anh đưa em về một đoạn nghen.
Nàng òa khóc, bỏ chạy sau khi hét lên:
- Tôi hận anh, tôi hận anh!
Anh lầm lũi quay về nhà, trời chưa sáng rõ anh đã chào ba mẹ, ra bến xe để lên thành phố học. Hành trang nhẹ tênh chỉ có mấy bộ đồ đã cũ nhưng trái tim oằn nặng nỗi đau.
Sau đó không lâu, ba mẹ anh cũng lên thành phố làm thuê. Nhờ cần cù, siêng năng, họ dần dần cũng đủ tiền mua được một căn nhà nhỏ ở một hẻm cụt. Anh không có dịp quay lại làng xưa lần nào nữa nên tin tức về nàng loáng thoáng rằng nàng khá hạnh phúc dù người chồng có tính trăng hoa.
Anh ra trường rồi lấy vợ. Vợ anh là bạn học cùng khóa, là con một gia đình vừa giàu vừa có địa vị. Nhưng họ không phân biệt giai cấp với anh. Trái lại còn quí trọng anh bởi họ cho rằng giá trị con người do chính con người tạo ra chứ không phải do vật chất bao quanh làm cho con người thành có giá trị. Vợ anh đẹp người, đẹp nết, hết lòng vì chồng con mà còn hiếu thảo đối với ba mẹ chồng. Khi ba mẹ anh bệnh nặng cũng một tay vợ chăm sóc chu đáo để anh an tâm lo sự nghiệp. Ông bà lần lượt mãn phần, cũng chính vợ cùng anh lo mộ phần tươm tất. Vợ anh đã tạo một môi trường sống hạnh phúc quanh anh, khiến anh quên khuấy quá khứ chua xót tự lúc nào không hay. Khi con trai anh tốt nghiệp Đại học Tài chính Ngân hàng rồi học tiếp để lấy bằng Thạc sĩ thì nó biết yêu và hay đưa bạn gái về nhà chơi. Con bé cũng xinh đẹp và hiền hậu nên vợ anh vừa ý lắm, hứa sau khi con và bạn gái học xong sẽ trầu cau xuống nhà xin cưới. Nhưng vợ anh chưa kịp thực hiện lời hứa thì nàng mất do tai nạn giao thông. Anh lao đao, khổ sở một thời gian dài. Cũng may, con bé bạn gái của con trai cuối tuần hay đến nhà nấu nướng, trò chuyện nên nhà cũng bớt quạnh quẽ. Anh thương con bé như con gái ruột khi nghe nó kể về hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc. Mẹ đã ly hôn với ba từ khi nó mới ba tuổi, vì không chịu nổi tính vũ phu, hay ghen tuông bóng gió của chồng trong khi chính ông ta mới là người hay tìm của lạ. Điều làm con bé không còn yêu ba ruột vì ông đã tìm cách làm giấy chứng nhận rằng cái nhà và ruộng vườn mà cha mẹ hai bên cho khi kết hôn là của riêng ông thôi. Ông đem giấy tờ ấy trình cho Tòa án. Tài sản chung không có nên mẹ ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng và đứa con gái nhỏ. Mẹ con bé quay về nương tựa cha mẹ ruột. Khi ông ngoại mất, mẹ con bé đứng ra lo chuyện cai quản ruộng vườn nhà mình và phụng dưỡng người mẹ mắc bệnh mất trí nhớ.
Bây giờ, anh bật ngửa khi nhận ra mẹ của con bé ấy là nàng. Biết xử sự sao đây? Chẳng lẽ nói huỵt toẹt ra cho hai đứa nhỏ biết rằng ngày xưa ba và mẹ chúng từng yêu nhau và đã chia tay vì rào cản của sang hèn. Bây giờ chúng mày cũng…chia tay luôn giùm.
- Anh định ngày tháng nào cho chúng thành hôn vậy …anh sui.
Anh đỏ mặt tía tai với hai chữ “anh sui”, nhưng đồng thời cũng hân hoan hết biết. Anh thấy mình vậy mà thua nàng quá đỗi. Chỉ với một câu đơn giản của nàng, anh hiểu mình phải làm gì, vị trí của mình trong cuộc trớ trêu nầy phải như thế thôi. Anh bật cười:
- Dạ, tui tính xin chị sui cho ngày mai chúng cưới nhau được không ạ.
Cả nhà bò ra cười. Anh cũng cười. Tuy nhiên anh thoáng thấy nàng lấy khăn lau mắt. Có lẽ nàng muốn giấu những giọt nước mắt hạnh phúc của một người làm mẹ khi thấy con hạnh phúc. Bỗng dưng anh cũng muốn khóc!
Anh đi ra sân, ngẩn nhìn cái cổng hoa vàng lung linh trong nắng.
B.Đ.A (TP. HCM)
Trả lờiXóaHoa Hoàng Anh vẫn rực vàng trên cánh cổng
Dáng em gầy vẫn giữ nét thanh tao
Gặp lại nhau anh ngỡ giấc chiêm bao
Lòng nghẹn ngào gởi tình riêng vào niềm vui con trẻ!
CỔNG HOA VÀNG nhẹ nhàng dẫn dắt người đọc qua câu chuyện tình dang dở đầy nỗi niềm và hấp dẫn với đoạn kết rất thơ và để ngõ!
Chúc tác giả vui vẻ và hạnh phúc!
Chào Minh Nguyên,
XóaCảm ơn bạn đã đồng cảm và chia sẻ. Thân!
Mây thích truyện ngắn này lắm! Nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Bùi Đức Ánh kiêm luôn nhà văn à? Chúc anh tài hoa mãi nhe.
Trả lờiXóaChào nhà văn Trà Vinh,
XóaCảm ơn cô em đã động viên. Nhà nào cũng nghèo cả mà! Chúc vui nhé! Hẹn gặp tại SG!