Chiều nay, cơn mưa đầu mùa như trút hết nước xối xả xuống lòng thành phố. Tôi dựng xe và ghé vào một quán cháo lòng nhỏ bên đường. Chợt thấy ánh lửa lập loè từ những tổ than đá dùng giữ nóng cho cháo, tôi cảm thấy lòng nhớ thương man mác. Ánh lửa đỏ ấy kéo tôi trở về những ngày xa xưa. Hình ảnh của bà bên chiếc cà ràng cũ kỹ hiện ra như in trong tâm trí của tôi.
Nhớ hồi còn tí xíu, cứ vào 4, 5 giờ sáng, bà tôi thường thức dậy sớm để nấu bữa sáng cho cả nhà. Hình ảnh của chiếc bếp lửa đỏ rực đã thành thân quen đối với tôi. Cái chái bếp của bà tôi nhỏ đơn sơ, mái lá sẫm màu khói đen sì, bên dưới kê hai chiếc cà ràng cũ kỹ, nhưng trông khuôn bếp thật ngăn nắp, trật tự.
Hình ảnh bà bên bếp lửa đỏ đã đi sâu vào ký ức của tuổi thơ tôi. Mái tóc bạc phơ của bà cứ thấp thoáng bên bếp lửa bập bùng. Bà bắc nồi cơm lên cà ràng. Bà dùng một thanh củi nhỏ đùa tro ra hai bên, khéo léo đặt củi vào, rồi vớ một nắm lá dừa khô mồi lửa. Thỉnh thoảng, lửa không cháy. Bà dùng một chiếc ống trút rỗng ruột làm ống thổi. Tôi hay chạy đến giúp bà thổi lửa, mỗi lần như vậy là khói, bụi bay mịt mù làm mắt tôi cay xè. Bà nhìn tôi mỉm cười nhỏ nhẻ hạnh phúc.
Công việc bếp núc của bà thật khéo léo. Dù là rơm, lá hay củi mục gì thì bà cũng đốt cháy hết một cách gọn gàng. Tôi nhớ như in lời dạy của bà về nghệ thuật nấu cơm: phải đun lửa sao cho thật khéo, để lửa không đi ra đằng sau nồi, khi đã chín rồi thì để lửa liu riu như thế nào mà không bị khét, không bị khô nước, hay hôi khói... Khi ở cạnh bà trong bếp, tôi rất thích nghe tiếng nổ lách tách rất vui tai của những thanh củi cháy dở dang. Tôi còn hay dùng mấy thanh củi đang cháy đỏ rực làm kiếm nô đùa thật thích - và mỗi lần như vậy tôi thường hay bị bà la rầy, có lẽ vì bà sợ tàn củi làm tôi bị phỏng hay cháy quần áo chăng?. Tôi còn nhớ, mỗi lần nấu cơm, bà tôi thường lùi vào lớp than đỏ rực vài củ khoai, củ mì... để một lát sau, tôi có món khoai nướng thơm phức, ngon tuyệt.
Vào những buổi chiều mưa rả rích. Tôi hay ngồi bên bếp lửa đỏ với bà. Tôi đưa tay ra huơ huơ trước bếp. Hơi nóng từ bếp làm lòng tôi ấm lạ. Lúc ấy, tôi không thể thốt lên được nên lời. Những làn khói trắng tỏa ra. Chúng luồn xiên qua mái lá, sau một lúc nhảy nhót, cuối cùng chúng bay vút lên bầu trời sâu thẳm. Tôi thường thả hồn mình theo những làn khói trắng đến miên man...
Thế rồi, quê tôi dần dần đổi mới. Nhiều ngôi nhà tường lần lượt mọc lên. Điện thắp sáng cũng tìm về. Nhiều gia đình trong xóm thi nhau mua bếp gas, nồi cơm điện, ấm điện... Họ không còn nấu bếp củi nữa vì nó vừa bất tiện về thời gian, mặt khác khói bếp sẽ làm những bức tường, mái tôn đen kịt. Vì vậy, cái cà ràng dần dần bị mai một, lãng quên. Thấy bà tôi già yếu, các cô chú đòi mua bếp điện cho bà dùng. Bà nhai trầu, bỏm bẻm nói vui: "Củi đuốc của vườn nhiều quá chừng, bỏ uổng, vả lại, nấu cơm điện ăn không ngon bằng bếp củi..."
Lớn lên, tôi vào đại học sống xa nhà. Nơi tôi ở trọ chỉ nấu toàn bằng bếp dầu, bếp gas mi-ni. Công việc nấu nướng thuận tiện và bảo đảm thời gian hơn. Nhưng có đôi lúc, tôi lại khát khao và thèm nghe những tiếng nổ lép bép của bếp lửa, thèm được nhìn những làn khói trắng tỏa ra từ những mái lá và thèm được nếm một củ khoai nướng biết dường nào...
Lúc nào, tôi cũng tự nhủ với lòng: “Mình sẽ không bao giờ có thể quên công ơn to lớn của bà, không quên món nợ nghĩa tình với chiếc cà ràng ngày xưa...”
Vĩnh Sơn (Tiền Giang)
Bài viết hay, tiếc rằng hình ảnh không đúng là chiếc cà ràng của người Nam bộ.
Trả lờiXóaChào bạn,
XóaRất vui vì bạn đã góp ý. Thực ra mình cũng không rành về cà ràng của người Nam bộ. Nhưng đây là hình ảnh của người viết bài này gửi kèm nên mình sử dụng luôn. Và qua góp ý của bạn thì mình đã nhờ nhà thơ Lâm Trúc lên Google để tìm, mới thấy hình cà ràng như đã được thay. Bạn xem thử có đúng không nhé! Cảm ơn bạn nhiều!
Chào Hoa Thủy Tiên ! Cảm ơn nhận xét của bạn. Nhưng mình xin nói rõ hơn tí: Nhiều người cho rằng, "cà ràng" bắt nguồn từ tiếng Khmer là "kran", lâu dần dân gian gọi thành cà ràng cho dễ nhớ. Bếp lò cà ràng không giống như bếp kiềng (ba chân) bằng sắt như người ta vẫn thấy ở miền Bắc, hay miền Trung. Bếp cà ràng được làm bằng đất nung cấu trúc khá đặc biệt có thành cao hình số 8 để chắn gió, chứa tro và cây củi chụm lửa. Mục đích là không để tro văng vải ra ngoài lại giữ nhiệt tốt hơn.
Trả lờiXóaChào anh Vĩnh Sơn!
Trả lờiXóaBài tùy bút của anh khiến LT nhớ bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt ghê đi!
Cảm ơn anh đã giữ lại nét văn hóa truyền thống của người VN qua tác phẩm này!
Cảm ơn bạn Lâm Trúc ! Mình rất thích nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ (nhất là miền Tây). Chính cà ràng đã gắn với cuộc sống khẩn hoang của cha ông và văn minh sông rạch miệt vườn, cũng là nét độc đáo của cư dân miền Nam Bộ từ hàng trăm năm trước.
Trả lờiXóa