1. Thời tiết Âu Châu vào tháng 5 rất đẹp và bầu trời của nước Ý thường được cho là “xanh nhất châu Âu”. Thế nhưng hôm chúng tôi về lại Milano thì trời mưa tầm tã và những ngày sau, rả rích. Màu trời xám xịt, u ám như giữa mùa thu. Mệt và buồn, hai ngày đầu tôi chỉ nằm nhà, và chỉ ra ngoài khi thật cần thiết.
Cũng như mọi lần, mỗi khi về lại Ý, việc đầu tiên của chúng tôi là đến nghĩa trang Lambrate để thăm mộ của mẹ Elena. Gọi là “mộ” nhưng thực ra chỉ là một trong rất nhiều chiếc hộc nhỏ đựng tro của bà hoả thiêu hơn mười năm trước.
Buổi sáng đó khôngmưa nhưng bầu trời vẫn còn u ám.Gió se se lạnh.
Elena cẩn thận lau bụi trước khung ảnh của mẹ nàng rồi thắp một nén nhang.
Đứng một lát rồi chúng tôi đem bó hoa ra rửa bụi. Vắng chỉ mấy phút, nhưng khi trở lại chúng tôi thấy đã có một bó hoa khác đã được đặt vào bình. Nhìn quanh, chẳng thấy ai quen. Phải đi quanh một đỗi thì Elena mới nhìn thấy ông cụ, lúc trước ở gần nhà nàng. Vụt chạy đến, hai người ôm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Ông nói vừa đi thăm mộ con gái, bạn học cũ của Elena, đã mất nhiều năm trước vì bệnh ung thư máu. Thấy bình hoa trống trước mộ mẹ nàng, tưởng bọn trẻ phá phách, ông đã chia phần hoa và cắm vào bình để bà bớt trống trải.
Hai người nhắc lại chuyện xưa, nét mặt ai nấy đều buồn. Lát sau thì ông cụ chia tay.
Chờ chonhang tàn, chúng tôi cũng chuẩn bị ra về. Khi đi ra gần cổng, chúng tôi thấy một ông lão khác đang loay hoay với một chiếc thang. Tôi hỏi ông có cần gì không thì ông nhờ tôi leo lên để cắm hoa cho vợ mình, mới mất, nhưng hộc tro của bà bị đặt trên cao.
Trông còn tráng kiện nhưng ông cho biết là năm nay đã 95 tuổi! Ông còn kể là đời mình đã trải qua mấy cuộc chiến tranh: Liên Xô, Albania, Hy lạp. Nhiều lần suýt chết nhưng các “Thánh” đã bảo vệ ông. Ông kể, là con chiên ngoan đạo nên lúc nào trong người ông cũng mang theo tranh các Thánh do toà thánh Vatican in. Những lúc nguy khốn, ông đã được các ngài giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Tuần nào ông cũng đến thăm mộ vợ. Ngày xưa bà là người cung cấp cho ông nhiều tranh Thánh. Thời chiến tranh và bị lạc ở Liên Xô, nhờ những bức tranh này mà ông được một nông dân Nga giúp đỡ và cung cấp thực phẩm. Nông dân này theo đạo Thiên Chúa và tranh Thánh ở Nga thời đó rất quý và hiếm.
Do chiến cuộc, không học hành gì nhiều, trình độ chỉ lớp 5 tiểu học. Sau khi giải ngũ, tuy phải làm nhiều nghề để sống nhưng nhờ tính năng động và có nhiều sáng kiến, cuối cùng ông xây dựng được một nhà máy sản xuất giày, có trên 100 công nhân và điều hành cho đến lúc về hưu.
Tôi nhìn ông, khâm phục. Đúng là lớp người thuộc thế hệ vàngcủa nước Ý, sau những năm tháng khó khăn và loạn lạc họ đã xắn tay áo, cật lực làm việc để thoát khỏi cảnh nghèo và gầy dựng lại đất nước .
Ngay từ thuở nhỏ tôi đã thích nói chuyện với người già. Ở họ tôi học được rất nhiều điều mà các bạn cùng tuổi cho là vớ vẩn. Lúc chia tay tôi dặn ông mỗi lần đến nên nhờ người nào thay hoa cho vợ chứ đừng leo thang, sợ té ngã. Ông gật đầu nắm chặt lấy tay tôi để nói cảm ơn rồi chúc vợ chồng tôi luôn gặp bình an và may mắn.
Trên đường về, tôi và Elena cứ nhắc mãi về tình yêu son sắt và bền vững của hai ông bà. Thật khác với lớp trẻ hiện nay, lấy nhau chưa đầy 2 năm đã ly dị. Đây đúng là một nét đẹp của giáo dục Ý ảnh hưởng từ nền văn minh Thiên Chúa Giáo.
2.
Giải quyết xong một số việc nhà tôi gọi điện thăm Thiện. Chuyến về Ý lần này tôi có hai chương trình thăm bạn bè nhưng chưa quyết định: Qua Dresden (Đức) thăm bạn thơ Nguyễn Đức Minh, hay qua thăm bác sĩ Nguyễn Chí Thiện ở Paris. Thiện nói gọi cả Minh cùng qua đi: “Tao rảnh, có thời gian để tha hồ tán dóc và đi chơi.”
Buổi tối gọi điện rủ Minh nhưng rất tiếc Minh không qua Paris được. Anh nhắc tôi gửi 10 quyển tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” để phát hành qua bạn bè và gây quỹ.
Sáng thứ bảy tôi và Elena có hẹn với Trần Minh Châu, chủ tịch Hội Tương Trợ Ý Việt, và các bạn. Tôi đã ký tặng hội 10 quyển BTNDM (Ninh ở Ivrea cũng đã mang trước 5 quyển) để bán gây quỹ cấp phát học bỗng cho các em nghèo tại Việt Nam. Các bạn Châu, Lến, Hà, Vũ... đã sốt sắng ủng hộ.
3.
Đến Paris, trời trong và đẹp. Thật là may mắn. Thiện nói mấy ngày trước Paris cũng mưa và lạnh.
Vào nhà Thiện. Mở cửa sổ nhìn xuống vườn, sườn dốc một màu xanh, thoai thoải. Chợt nhớ những đêm đốt lửa sưởi ấm mùa đông ở Đà Lạt, trong lễ ra mắt giới thiệu tập thơ của nhà thơ Phạm Cao Hoàng, đang sống ở nước ngoài và đến lúc ấy tôi chưa từng gặp mặt.
Đây là căn nhà của Thiện. Là nơi tổ chức “summit” họp mặt bạn bè cũ một thời du học, nay tản mạn khắp Âu Châu: Thuỵ Sĩ, Pháp, Ý, Bỉ, Đức, Canada, Mỹ...
Nhà Thiện cũng là nơi hội tụ của văn nhân và nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước mỗi khi họ có dịp ghé đến Paris. Là bác sĩ y khoa nhưng Thiện rất am hiểu nghệ thuật và yêu văn nghệ sĩ. Bước vào nhà là nhìn thấy ngay những tủ sách đầy nhóc và những bức tranh của các hoạ sĩ tên tuổi trên tường: Bửu Ý, Đinh Cường. Phía trên lò sưởi còn có chân dung Trịnh Công Sơn do Công Thế Cường vẽ...
Căn nhà của anh đã có nhiều người từng ghé lại: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hoạ sĩ Đinh Cường, Hoạ sĩ Trịnh Cung, Nhà nghiên cứu Bửu Chỉ; Những nhà văn, phê bình nhà nghiên cứu tên tuổi như Đặng Tiến, Nguyễn Xuân Hoàng, Bửu Ý...
Hiếu khách, thân tình, Thiện dành thời gian đưa đón, hướng dẫn đi thăm thành phố, thăm viếng những khu di tích. Tuy sống “độc thân” nhưng Thiện khá chu đáo, thu xếp nơi ăn chốn ở, có khi đến vài chục người...
Vị trí nhà không xa trung tâm thành phố là bao nhưng nơi đây có một màu xanh bắt mắt, một sự yên tĩnh đến lạ lùng. Tuy sống một mình nhưng căn nhà khá ngăn nắp và sạch sẽ. Thì ra từ ba năm có cô cháu gái Bảo Châu qua Pháp làm việc. Cô bé vui tính, chăm chỉ nên cuối tuần quét dọn, làm vệ sinh và tranh thủ nấu mấy món ăn khoai khẩu để trong tủ lạnh để cậu Thiện ăn dần.
Khi nghe tôi hỏi, đời sống phương Tây bận rộn thế này sao bạn lại có nhiều thời gian rảnh rổi để đưa đón, tiếp đãi nhiều người..., Thiện đáp: “Trước đây cũng khá bận, nhưng từ vài năm nay thì cũng do mầy mà tao rảnh rổi!” Nhìn ánh mắt dọ hỏi của tôi, Thiện cười và tiếp: “Khi đọc truyện ngắn “Một áng mây bay” của mầy, câu “Một người thông minh sao lại chọn một lối sống không mấy thông minh như thế?” và “Bận rộn, tao chỉ nhìn mà không thấy”đã làm tao ấn tượng nên sau đó phải thu xếp lại công việc.”Anh còn nhắc thêm lời của một người bạn là nghệ sĩ Camille Huyền: “Bận một ngày nhưng mất đến hai ngày; mất ngày đó đã đành nhưng còn mất một ngày để vui chơi. Lỗ nặng!”
Từ đó mỗi tuần Thiện chỉ đến phòng khám có ba ngày rưỡi, còn lại anh dành thời gian chơi với bạn bè, tiếp xúc giới văn nghệ, đọc sách, nhìn trời đất, chăm sóc vườn tược, cây cỏ và... nhìn mây bay, suy nghĩ chuyện đời.
4.
Vừa đến nhà, bỏ hành lý, tôi lấy quyển “Nghệ thuật Pham văn Hạng” và mấy số Quán Văn đem ra tặng bạn. Tôi rất vui vì thấy Thiện thích. Lật qua, anh nói sẽ đọc kỹ và giới thiệu với bạn bè Pháp về ông bạn điêu khắc đã từng nghe tên này. Tôi cũng đưa cho bạn 6 quyển tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”.
Chúng tôi đáp “không” khi Thiện hỏi có cần nghỉ ngơi, nên anh bảo lên xe và chở đến Giverny, nơi có căn nhà vườn của Claude Monet, một trong những hoạ sĩ thành lập trường phái ấn tượng (impressionism). Thị trấn cách Paris chừng 75 km. Elena rất vui vì tuy đến Paris nhiều lần nhưng vì phương tiện công cộng không mấy thuận tiện nên chưa có dịp đến đây.
Hàn Lâm Viện Mỹ Thuật của Pháp hiện là chủ nhân và quản lý căn nhà vườn- bảo tàng. Giá vé vào cửa 9 Euro/người. Căn nhà được giữ sạch sẽ, nhà bếp thân thiện sơn màu xanh da trời... các dụng cụ bằng đồng ấm áp.Trong phòng khách có chưng bày tượng và những bức tranh nổi tiếng của ông. Phòng ngủ của vợ chồng ông, giường chiếu, các chậu hoa vẫn y nguyên như khi họ còn còn sống.
Vườn của Monet ở Giverny là một trong những vườn hoa đẹp nhất thế giới.Vườn được chia làm 2 phần: một Vườn hoa và một Vườn Ao giống như những Vườn Nhật trong tranh ảnh mà Monet rất thích.
Trong Vườn hoa được trồng nhiều bông hoa chia nhau nở từ tháng 4 đến tháng 10. Hoa không thành hàng mà trồng xen kẽ để tạo một bức tranh màu sắc tuyệt vời, rất lạ mắt.
Trong Vườn Nhật có một ao lớn, xung quanh có những con đường nhỏ quanh co uốn lượn, trồng rất nhiều cây cỏ Á Châu rất đẹp và thơ mộng. Nổi tiếng nhất là bông súng dưới ao, xung quanh ao có nhiều cây liễu rủ và đặc biệt một cây cầu Nhật bao phủ bởi nhiều dàn đậu tía. Khách dạo xem gặp rất nhiều cầu, núp bóng dưới những cây liễu rủ hay lấp loáng sau các lùm tre. Được đặc biệt chú ý là chiếc cầu vồng Nhật Bản màu lục hòa mình với những cành hoa glycine (dây đậu tía) tim tím nổi bật trên nền xanh cây lá xung quanh.
Không khí nơi đây thật thanh bình. Khách đi dạo sẽ tưởng mình đang chìm trong một thế giới khác
5.
Mạng lưới xe điện ngầm (metro) ở Paris rất tiện lợi, phủ khắp thành phố. Buổi sáng Thiện đi làm nên cả ngày tôi và Elena cầm bản đồ trên tay và “làm du khách”. Điểm đến đầu tiên trong ngày là toà tháp biểu tượng của kinh đô ánh sáng: Tháp Eiffel.
Có lẽ đây là nơi được chụp hình nhiều nhất thế giới. Khi chúng tôi đến quảng trường Troccadero, có rất nhiều nhiều pullman chở du khách, học sinh đến đây. Bước mấy bậc tam cấp để lên Palaise de Chaillot, có hai vòng cung và các bức tượng mạ vàng. Nhánh bên phải có nhà bảo tàng về con người (Musée de l’Homme): Mặt trước có khắc hàng chữ làm tôi rất ấn tượng: Mọi người sinh ra đều thở, chỉ có văn hoá mới làm người này khác người kia.
Đây là nơi nhìn rõ toàn cảnh, và trước mặt tôi sừng sững toà tháp Eiffel.
Elena nói, khi viếng thăm Tháp Eiffel nhà phát minh người Mỹ Thomas Edison đã viết vào sổ vàng lưu niệm những lời lẽ thật trân trọng “Xin gửi tới Ngài Gustave Eiffel, Công Trình Sư dũng cảm đã xây dựng nên mô hình khổng lồ và kỳ diệu của công nghệ hiện đại, lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ cao nhất của tôi”. Sự trân trọng đó hoàn toàn xứng đáng với một con người không chỉ tạo ra một Tháp Eiffel huyền thoại, mà còn là đồng tác giả của Tượng Nữ Thần Tự Do ở Mỹ, và là tác giả của hàng chục công trình sắt thép khổng lồ nổi tiếng khác trên khắp thế giới, trong đó có cầu Long Biên ở Hà nội, cầu Tràng Tiền ở Huế và Nhà Bưu Điện Sài Gòn.
Gustave Eiffel đã kiêu hãnh lấy tên mình để đặt cho ngọn tháp, nhưng về sau ân hận vì chứng kiến đám đông nườm nượp kéo đến chiêm ngưỡng tháp Eiffel. Ông đã phải thốt lên: "Tôi phát ghen, vì nó còn nổi tiếng hơn tôi!". Huyền thoại đó đã cản trở công chúng biết đến ông như một kỹ sư và nhà nghiên cứu tài ba.
Lịch sử kể rằng, việc xây dựng Tháp lúc đầu bị công chúng phản đối dữ dội, bị coi là chướng mắt, kỳ quái, phá hỏng vẻ đẹp truyền thống cổ kính của Paris. Một trong những người phản đối mạnh nhất là nhà văn Guy de Maupassant. Ông này tuyên bố sẽ thường xuyên leo lên Tháp Eiffel để ăn trưa, làm mọi người sửng sốt. Khi được hỏi tại sao, Maupassant trả lời: "Vì đó là chỗ tốt nhất để không nhìn thấy nó". Thế nhưng giờ đây thì người Pháp rất tự hào vì nó: "Đến
Paris mà chưa đến Tháp Eiffel thì cũng như chưa đến!".
Trong lịch sử chỉ có một kẻ muốn đánh sập Tháp Eiffel, đó là Adolf Hitler!
Tháng 08-1944, liệu sẽ phải rút khỏi Paris vì các mũi tấn công của đồng minh, Hitler ra lệnh cho Dietrich von Choltitz, tổng chỉ huy quân đội Đức tại Paris:"Không được để Paris rơi vào tay kẻ thù, trừ khi nó đã hoàn toàn trở thành một đống gạch vụn!". Nhưng không hiểu sao, Choltitz không tuân lệnh sếp, rút lui khỏi Paris mà không phá huỷ. Tại sao? Có nhiều giải thích trái chiều. Đến nay vẫn là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ của lịch sử.
Tháng 08-1944, liệu sẽ phải rút khỏi Paris vì các mũi tấn công của đồng minh, Hitler ra lệnh cho Dietrich von Choltitz, tổng chỉ huy quân đội Đức tại Paris:"Không được để Paris rơi vào tay kẻ thù, trừ khi nó đã hoàn toàn trở thành một đống gạch vụn!". Nhưng không hiểu sao, Choltitz không tuân lệnh sếp, rút lui khỏi Paris mà không phá huỷ. Tại sao? Có nhiều giải thích trái chiều. Đến nay vẫn là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ của lịch sử.
Nghĩa trang Père-Lachaise (Cimetière du Père-Lachaise) là nghĩa trang lớn nhất ở của thành phố Paris và là một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất thế giới. Các ngôi mộ quý tộc và danh nhân. Nếu khi sống người ta ăn mặc nhiều kiểu cọ thì lúc chết cũng có những ngôi mộ không giống nhau. Đủ hình. Đủ kiểu. Những pho tượng tiếc thương. Cầu nguyện. Người quỳ gối, kẻ ngửa mặt nhìn trời. Mộ đơn độc. Mộ gia đình. Những nhà nguyện.
Đây là một bảo tàng về nghệ thuật và một trong những địa điểm thu hút khá nhiều khách du lịch tại Paris. Hằng năm hàng trăm ngàn lượt người đã đến đây để thăm viếng những ngôi mộ có từ 200 năm qua và mộ các danh nhân. Có thể kể tên một vài nhân vật tiêu biểu:
Nhà thơ Guillaume Apollinaire; Nhà văn Honoré de Balzac, nhạc sĩ viết nhạc cổ điển, tác giả vở nhạc kịch Carmen nổi tiếng: Georges Bizet; Nhà soạn nhạc vĩ đại người Ba Lan: Frédéric Chopin; Thi sĩ nổi tiếng, tác giả của ngụ ngôn La Fontaine: Jean de La Fontaine, mộ được đặt cạnh mộ của nhà soạn kịch nổi tiếng cùng thời Molière; Nhà văn và nhà biên kịch người Ireland-Oscar Wilde(1854-1900)...
Cathédrale Notre-Dame de Paris: là một nhà thờ tiêu biểu cho phong cách kiến trúc gothic trên đảo Île de la Cité (nằm giữa dòng sông Seine) trung tâm thành phố Paris.
Gần 30 năm rồi tôi mới có dịp quay lại nơi đây. Thuở đó mình chỉ là một chàng trai với nhiều mơ ước mà giờ đây mái tóc đã điểm sương. Nhìn lại, lòng bỗng bồi hồi. Xúc động.
Dạo quanh nhà thờ dưới ánh nắng không gay gắt lắm để ghi lại vài tấm hình kỷ niệm rồi chúng tôi thả bộ về phía bờ sông. Khi qua chiếc cầu đá Pont de l’Archevêque... tôi nhìn thấy có rất nhiều những ổ khoá khoá chặt trên thành cầu. Đó là những lời hẹn thể sắt son để tình yêu bền chặt. Bây giờ đã thành “mode”, mô phỏng theo hai cuốn phim của Ý: “Tre metri sopra il cielo” và phim “Ho voglia di te ”
Sau khi phim “Ho voglia di te ” được chiếu ở Ý, nhiều cặp tình nhân đã phỏng theo nhân vật trong phim và đem ổ khoá lên cầu Milvio ở Roma, quấn dây xích vào chân cột đèn ở giữa cầu,khóa ổ khóa lại rồi quay lưng ném chìa khoá xuống sông Tevere. Sức nặng của hàng vạn ổ khoá sau đó đã làm gãy trụ đèn và gây ra nhiều tranh luận trên chính trường Ý: Người muốn giữ ổ khoá để thu hút du khách tình yêu, kẻ lo sợ sẽ làm sụp đổ cây cầu lịch sử, xây dựng từ 2000 năm trước!!!
Những ổ khóa ấy được gọi là amorchetto, một cái tên rất sáng tạo, ghép từ tiếng Ý: amore (tình yêu) và luchetto (ổ khóa) để thay cho chữ luchetto d´amore quá dài.
Từ Ý, trào lưu này lan tỏa ra khắp châu Âu và thế giới, đồng thời cũng đẻ ra lắm “dị bản”. Xin nhắc đến cây cầu ổ khoá Hohenzollern tại Cologne Đức hay những chiếc khóa tình yêu ở Moscow, ở Anh, Ba Lan... Mỗi địa danh gắn liền với một câu chuyện từ xa xưa tới hiện đại.Trào lưu ổ khóa cũng tràn sang châu Á: Từ Trung Quốc đến Nhật Bản, Hàn Quốc những chiếc khóa tình yêu với đủ màu sắc, kích thước và cách khóa. Ở Việt Nam người ta cũng thấy nhiều ổ khoá trên cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế), cầu Thuận Phước (Đà Nẵng)...
Với những người yêu nhau, chiếc khóa tình yêu được khóa lại và treo vĩnh viễn trên một cây cầu, minh chứng cho tình yêu mãi mãi. Đằng sau mỗi ổ khóa ấy luôn có một câu chuyện tình lãng mạn và lời thề vĩnh cửu để hai người yêu nhau có thể tay trong tay, dắt tay nhau đi nốt quãng đường còn lại trên cõi trần gian.
Có cung, có cầu và những kẻ trục lợi chuyện tình lãng mạn cũng không hề thiếu! Nhiều người bán khoá ngồi quanh. Dịch vụ. Giá khá đắt. Chúng tôi không mua khoá nhưng Elena lấy trong túi xách một giải lụa màu cam. Cô cột chặt vào thành cầu và cẩn thận thắt thành 7 nốt gút. Tình yêu của chúng tôi sẽ thử thách gió mưa, băng tuyết, và về sau khi có dịp quay lại, dải lụa có còn không? Có lẽ không! Nhưng tôi tin là lúc đó chúng tôi sẽ thay bằng một dải lụa khác. Tình yêu lúc nào cũng phải biết “cảm thông”, “chia sẻ” và “làm mới” thì mới tránh được những xung đột, nhàm chán và đổ vỡ.
Điện Pantheon: Ở phía trước ngôi điện có khắc dòng chữ “Aux grands hommes, la patrie reconnaissante” (Tổ quốc nhớ ơn những con người vĩ đại): là nơi chôn cất và tôn vinh những nhân vật lịch sử và những người đã làm rạng danh cho nước Pháp như Voltair, Victor Hugo, Pieer Curie, Andre Malreau…
Thế nhưng để vào thăm phải mua vé vào cửa và giá khá cao. Đành rằng những sinh hoạt văn hoá đều có chi phí và cần kinh phí trùng tu, bảo quản... nhưng người khắp nơi ngưỡng mộ và đến viếng danh nhân nước mình mà buộc họ phải trả tiền cao... tôi thấy cách làm này dường như chưa hay lắm.
Cạnh điện có phân khoa Luật: Mặt trước có khắc nổi hàng chữ: Liberté, Égalité, Fraternité. Đó là thông điệp tự do bác ái bình đẳng mà nước Pháp đã gửi đi từ cuộc cách mạng 1789 và giá trị tinh thần to lớn của nó đã vượt biên giới, được nhiều quốc gia chấp nhận và hiện nay là nền tảng của các chế độ Tây phương.
Trên đường về chúng tôi đi ngang qua Đại học Sorbonne (Nhân Văn). Tò mò tôi đứng lại ngắm dịch vụ mát sa chân cho du khách mệt mỏi sau nhiều giờ đi dạo.
6.
Khi chúng tôi về đến nhà thì Thiện vẫn còn ở phòng mạch. Cô cháu gái cũng chưa về nên nằm nghỉ một lát rồi Elena xuống bếp chuẩn bị bữa ăn chiều. Một đĩa spaghetti đơn giản và một ít rau trộn dấm dầu ô-liu chế biến theo kiểu Ý nhưng Thiện nói rất ngon, có lẽ do lạ miệng.
Ăn xong thì Minh ở Đức gọi điện sang, hẹn lần tới phải gặp nhau, nếu không Paris thì cũng phải Dresden.
Chiều hôm đó Paris không nóng. Đã hơn 8h tối mà bầu trời vẫn còn sáng. Bên chiếc bàn dài đặt ở giữa vườn tôi và Thiện ngồi uống rượu vang và ôn chuyện cũ. Chúng tôi kể cho nhau nghe bao chuyện thăng trầm, từ công việc đến chuyện riêng tư. Đêm nay anh mở lòng kể nhiều chuyện về mình. Tôi im lặng lắng nghe.
Trong ánh sáng lờ mờ, tôi quan sát bạn. Khuôn mặt Thiện hiền từ, tánh tình anh vui nhộn, nhưng nhìn kỹ thì phảng phất có nét buồn.
Bốn mươi năm, chúng tôi đã quen nhau. Gặp nhau cười cười nói nói, trao đổi công việc, thoáng lướt qua chuyện văn chương... nhưng có lẽ đây mới là lần đầu tôi và Thiện có thời gian gần tuần lễ ở gần nhau, chia sẻ với nhau những tâm sự mà chỉ khi thân tình lắm người ta mới nắm tay nhau để cùng đi vào những ngõ ngách ẩn khuất.
7.
Sáng hôm sau Thiện đưa chúng tôi thăm cung điện Versailles, nơi ở của các vua Pháp Louis XIII, Louis XIV, Louis XV và Louis XVI. Nằm ở phía Tây Paris, cung vàng điện ngọc này là biểu tượng của quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp với một diện tích và các công trình kiến trúc cực kì đồ sộ và lộng lẫy. Rộng 67.000 mét vuông gồm trên 2000 phòng, một công viêncó diện tích 815 héc ta, Versailles là một trong các lâu đài đẹp nhất và lớn nhất châu Âu, năm 1979 nó đã được Unesco đưa vào danh sách di sản thế giới.
Bên trong cung điện có nhiều phòng lớn (Grand Appartement) như Phòng lớn của Đức vua, Phòng lớn của Hoàng hậu hay Phòng Gương (Galerie des Glaces) là gian phòng xa hoa nhất.. Các phòng lớn này được thông nhau bằng các dãy hành lang trang trí lộng lẫy từ sàn nhà đến trần, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
8.
Khởi hành từ sáng sớm, Thiện lái xe đi theo con đường độc đạo và có thể đậu xe ngay dưới chân nhà thờ Thánh Tâm(Sacré-Cœur) ở Montmartre: ( sau 9h thì con đường bị cấm cho xe chạy và phải đậu xe khá xa, dưới chân đồi). Bạn đúng là thổ địa và là người thường chở bạn bè đến thăm viếng nơi đây.
Montmartrelà một khu phố của Paris, nằm trên quả đồi lớn thuộc Quận 18. Từng là nơi tập trung của nhiều họa sĩ nổi tiếng, vương cung thánh đường Sacré-Cœur (Basilique du Sacré-Cœur) là một nhà thờ Công giáo nổi tiếng, các con phố nhỏ, quán cà phê, nhà hàng... Nơi đây là một trong những địa điểm thu hút du khách và thuận lợi để nhìn toàn cảnh Paris.
Năm 1870, chiến tranh Pháp - Phổ nổ ra. Nước Pháp thua trận, Quân Đức chiếm một phần lãnh thổ. Ý định xây dựng nhà thờ Sacré-Cœur xuất phát từ hai nhà tư sản Paris, cũng là hai anh em cột chèo Alexandre Legentil và Hubert Rohault de Fleury, vốn rất sùng đạo, họ cho rằng nước Pháp thua trận vì đã mang tội lỗi. Do vậy, cần phải xây một nhà thờ để tỏ lòng thành tâm.
Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã từng có rất nhiều nghệ sĩ danh tiếng đã từng sống tại Montmartre. Khu phố nghệ sĩ thường là điểm đến của những họa sĩ nổi tiếng bậc nhất với các trường phái Ấn tượng, Lập thể, Dã thú…
Hiện nay Montmartre vẫn giữ được không khí nghệ sĩ, tập trung nhiều nhà hàng, quán cà phê, phòng tranh, cửa hàng đồ lưu niệm... Trên quảng trường Tertre, có các họa sĩ vẽ chân dung và tranh biếm họa cho du khách.
9.
Buổi chiều họp mặt các bạn ở sân vườn nhà Thiện. Hiện diện có các bạn Nghĩa, Hương Hưng, Quang và Thuỷ. Cả bọn nướng thịt vừa uống rượu vang vừa nhắc lại chuyện học hành và sinh sống ở Âu châu. Sau đó chuyển qua đề tài văn học. Thiện giới thiệu tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của tôi và tặng sách cho các bạn.
Hai bạn Kiên và Khải có gọi điện nói không đến được và hẹn ngày khác nhưng hôm sau tôi phải về lại Milano rồi! Tôi cũng rất tiếc là chuyến này không gặp được nhà phê bình văn học Đặng Tiến.
Tối đó tôi hỏi Thiện sau này có định về VN ở hẳn không? “Có chứ! Nhưng phải vài năm nữa! Trước khi về cần thu xếp để có kinh tế ổn định. Tao chưa dám liều mạng bỏ việc hơn 10 năm để chờ hưu như vợ chồng mầy”.
Nhấp một hớp rượu, Thiện tiếp: “Nhiều năm sống ở đây nhưng tao vẫn thấy đời sống xa lạ sao sao ấy! Áp lực vô hình cứ đè nặng. Có lẽ xã hội Việt Nam sau này cũng sẽ như thế, nhưng mình già rồi, về sớm để sống lại thời thơ ấu trước khi nó bị Tây phương hoá.”. Im lặng một lát như suy nghĩ điều gì rồi một lát anh mới nói: “Đời sống càng ngày càng vô nghĩa. Thế giới có cả núi thông tin, nhưng chẳng có mấy ai suy nghĩ về những điều mình biết. Nhịp sống thay đổi, nếp sống văn hoá quay cuồng. Tao cũng rất muốn được hoà mình trong thi ca, văn học, âm nhạc, mỹ thuật… để sống chậm lại, bình yên trong ngôi nhà nhỏ, ngẫm nghĩ về những điều từng trải trong đời. Tao rất sợ mình cứ hồn nhiên đánh mất linh hồn rồi cứ loay hoay nhìn quanh tìm kiếm nó!”
Tối đó Thiện nhờ tôi cầm về Ý để đưa cho Châu 300 Euro, để đóng góp vào Quỹ của Hội Tương Trợ Ý Việt. Anh còn đưa tôi 120 Euro nói là tiền cho 6 quyển sách nhưng tôi nhất quyết không nhận. Thiện nghiêm mặt “Mầy đã bỏ việc, viết lách thì không giàu, in sách tốn kém, nếu không nhận là tao giận”. Biết khó thuyết phục bạn, tôi nói giữ “tạm”, nhưng tháng 7 tới, lúc Thiện về Việt Nam, sẽ cùng giao tặng số tiền này cho một bạn văn đang có hoàn cảnh rất khó khăn ở Việt Nam.
Sáng, chia tay ở sân bay. Chúng tôi ôm lấy nhau không muốn rời, hẹn sẽ gặp lại ở Sài Gòn và mời “Quán Văn” sang thăm nước Pháp.
Milano, 30.05.2012
T.V.D
Bài viết rất tuyệt, xin anh cho mượn bài này để làm một production nhé, Xuân Phong
Trả lờiXóaChào anh Xuân Phong,
XóaNhư vậy là vui lắm rồi! Chúc anh sức khoẻ! Thân mến!