Ba đi rồi tôi chạy ra hè nhà, nơi có đám rẫy của cô Liêu, tôi muốn nhìn thấy chuyến đò chở ba đi. Tới đầu rẫy tôi gặp chú Tại đang đứng xớ rớ. Chú giật mình bởi bước chân tôi, quay lại. Thấy tôi, chú nở một nụ cười gượng:
- Đi đâu mà gấp vậy nhỏ?
- Ba con mới đi. Tôi chỉ tay về hướng bến đò.
- Đi đâu?
- Đi Cà Mau. Đi đám ma bà dì. Ba hứa sẽ mua về một đôi chiếu Cà Mau.
- Chú...
Chú ấp úng tại đó nhưng tôi không bận tâm. Tôi hỏi cho có vậy thôi chớ cũng biết chú đứng đó nhìn cô Liêu. Nhà chú nuôi rất nhiều bò. Ngày nào cũng vậy, trước khi vác cái bao đi cắt cỏ bắp cho bò ăn chú đều đội cái nón lên đầu đứng bên bờ mẫu này nhìn mút mắt về rẫy ớt của cô Liêu.
Nhà văn Võ Diệu Thanh
Người ta đồn ầm chú mê cô Liêu nhưng cô Liêu đã thương người khác mất rồi, người nào được cô thương thật may mắn. Chú Tại đi cưới vợ cách đây hai tháng. Chú Lương tận cuối cồn đi hỏi cưới cô hồi năm ngoái cũng mới cưới vợ hôm kia. Nhưng chú Tại chưa quên được cô, ngày ngày vẫn len lén nhìn cô từ sau lưng, nhìn một chút rồi đi.
Hôm nay chắc cũng vậy. Tôi bỏ chú sau lưng chạy ra hướng rẫy. Cô Liêu đang vô chưn mấy cây cà tím trồng quanh rẫy ớt. Những lá cà tím xòe tròn phơn phớt lớp lông tơ, xòe che mất cả bàn tay nhỏ rám nắng của cô. Tôi dừng lại đứng bên cô, mắt hướng về phía bến phà. Nơi đó một chiếc phà cũ kỹ cục mịch đang lù lù tách bến. Chắc ba đi chuyến phà này, chắc chắn như thế, tôi hình như có nhìn thấy cái áo sơ mi màu kem của ba đang giũ phành phạch trong đám hành khách. Tôi nói như reo:
- Cô Liêu ơi, ba con đi chuyến phà này nè.
Cô Liêu hơi ngẩng đầu lên, nhìn theo hướng tay tôi hỏi “vậy hả” rất nhanh rồi cúi xuống những bụi cà, sắn chét bật lên những khối đất nhỏ xốp xộp vương vướng vài sợi rễ cỏ. Tôi chờ cô hỏi ba đi đâu để khoe với cô mai mốt ba về sẽ mua cho tôi đôi chiếu Cà Mau. Ba đã hứa vậy khi từ chối cho tôi đi theo “đường xa lắm, con muốn ba mua cho cái gì, khi về ba mua?”. Tôi không biết Cà Mau có gì nhưng một lần nghe má nói ước gì có đôi chiếu Cà Mau để nằm. Tôi nghĩ chắc là đôi chiếu ấy đẹp lắm, nhiều màu sắc và hoa lá, hay là nằm lên êm lắm hay là ngủ trên đó sẽ mơ thấy bà tiên, bà sẽ ban phép cho ba và má không gây gổ nhau nữa. Nhưng tôi biết má sẽ không bao giờ nói với ba ý muốn đó vì má và ba thường xuyên giận nhau. Tôi ôm cánh tay ba nũng nịu “Ba mua cho con đôi chiếu Cà Mau”. Ba nhìn tôi không giấu được ngạc nhiên, tôi lắc tay ba: “Nghe ba!”, ba cười: “Ừ, thiệt tình!”. Ba thương tôi nhất, ba nói thương cái miệng rộng giống ba của tôi. Ba rất ít tiền và cũng ít đi đâu, nhưng đi đâu cũng không bao giờ quên quà cho tôi, chỉ mình tôi.
Đợi hoài không thấy cô Liêu hỏi gì, mất hứng tôi ngồi xuống vuốt tay vào mặt nham nhám của lá cà. Không cần cô hỏi, tôi vẫn kể:
- Ba đi Cà Mau đám ma bà dì. Ba sẽ mua đôi chiếu Cà Mau. Chắc là gặp đôi chiếu má mừng lắm vì má thích mà. Con cũng thích nữa. Mà cô có thích không?
- Ừ thích, chắc đẹp lắm...
Thấy chưa? Cô Liêu cũng nói đẹp. Nhưng sao cô không nói gì thêm, tay xới liên tục chỉ một gốc cà, mớ đất đã bị cô vằm nhừ nát. Cô Liêu vốn ít nói vậy nhưng cô thương tôi lắm. Ngày nào đi rẫy về cô cũng hái cho tôi những trái thù lù chín, mỗi kỳ bán ớt cô mua cho tôi cây kẹp, cô nói thương cái miệng rộng của tôi “cái miệng gì đâu mà cười là thấy hết tấm lòng”. Những khi rảnh tôi hay chạy ra rẫy để nói chuyện cùng cô, nghe cô kể về những ngày xưa khi cồn Châu Ma còn hoang vắng, cỏ mọc huốt đầu người, đế sậy tràn lan, ông nội cô và ông cố tôi về đây lập nghiệp. Cô kể những ngày còn nhỏ hay cùng những người bạn ra bãi mò hến mò trai, hồi đó bến này chưa lở. Cô nhìn chăm chăm vào bến lở, ánh mắt cô hụt mất bên bờ vực thì thầm: “Có những kỷ niệm đẹp mà mình không thể quên”. Vậy cô có kỷ niệm nào với chú Tại không? “Không có”. Có chớ, những ngày chú đứng nhìn lưng cô. Cô cười: “Con nhỏ này”. Tôi không ngạc nhiên khi thấy chú Tại mê cô.
Tôi cũng như chú, thích nhìn cô. Thích cái dáng gòn gọn lưng áo bà ba bạc màu, bước chân nhẹ như bước chân mèo, mái tóc dài suôn mượt kẹp ngang sau gáy. Cô hiền như những thửa đất trên cồn này, hiền nhất là đôi mắt, nhìn vào thấy cả vùng đất cồn hoang vu nào đó thật xa không tiếng động, chỉ có hương đất cồn thoang thoảng. Tôi cũng bắt chước cái nhìn của cô, để tóc dài thường hay túm mớ tóc mỏng manh lấy cái kẹp nhựa nhỏ xíu kẹp ngang, bắt chước cô từng động tác, từng câu nói.
Má không rầy không khen. Ngày ngày má chỉ chăm bẵm vào rẫy bắp, vào những bao bắp vừa thu hoạch sợ ướt sợ khô, ướt quá thì bắp hư mà khô quá thì nhẹ ký. Khi cân bắp cho thương lái xong má ngồi tỉ mẩn đếm từng tấm tiền, sợ bạn hàng đưa nhầm, sợ kẻ trộm vào nhà, sợ ba tôi lấy cắp tiêu xài hay cho ai đó. Má lo xa quá, cả đời ba chỉ có hai cái áo màu kem giống hệt nhau, ai không biết tưởng ba ở dơ độc một cái áo không tắm không giặt, ba không mua sắm gì thêm cho mình, không nghiện bất cứ chất kích thích nào, thỉnh thoảng ba có cần tiền cũng là để mua quà cho tôi, mà tôi thì không phải người lạ. Má có một mối lo gì đó.
Ba về, mối lo nổ đùng ra. Nguyên nhân không phải đến từ đôi chiếu dù nó không đẹp như tưởng tượng của tôi nhưng má tôi rất thích. Mọi chuyện bắt đầu từ chỗ ngoài món quà cho tôi, ba còn mua một xấp vải cho cô Liêu may áo bà ba. Má tôi bắt gặp ngay đúng lúc ba nhắn gởi vào tấm áo cái nhìn tha thiết. Ồn ào nhất trong cuộc cãi vã là tiếng chửi lạc giọng của má, từ miệng má từng tràng những từ ngữ ngứa ngáy lăng loàn dâm ô nhất được nhắm thẳng vào người đàn bà ba đang tơ tưởng. Má nói căm hờn những giọt nước mắt cô Liêu rơi khi nhìn ba gục đầu bên hiên nhà sau mỗi lần ba má gây nhau. Có những giọt nước mắt đó sao?
Từ sau ngày đó, khi nào buồn, khi nào ba không thân thiện với má, má ghim thẳng cái nhìn, ghim thẳng lời nguyền rủa qua nhà đối diện. Má không muốn gì cả, chỉ muốn cô Liêu lập tức biến mất trước mắt má.
Dường như đòn khủng bố có tác dụng. Cô Liêu sang nhà tôi cười thật tươi: “Vài hôm nữa em lấy chồng mời anh chị qua dùng ly rượu nhạt, chúc em hạnh phúc trăm năm”. Cô lấy ai? Người thương cô bền bỉ và tốt như chú Tại đã có vợ rồi, chú Lương cũng thế. Cô Liêu ưng ngay một người đàn ông lạ nào đó ở cuối cồn, nghe nói ông ta hơi bị lảng tai, có lần còn co giật. Má tôi yên lòng. Nhưng chiều đó dông bão đổ xuống nhà tôi.
Tiếng gào thét đinh tai của má dội ầm giữa xóm cồn còn hơn cả âm thanh cuồng nộ của dông bão. Tôi tưởng má bị ba đánh nên hớt hải chạy qua. Má đang nắm tóc cô Liêu, ba đang gỡ từng ngón tay quếu chặt của má.
- Đồ ngựa, giựt chồng tao. Ngựa nè. Ngựa nè.
Sau mỗi từ nè má giật ngang mái tóc cô Liêu, vả bốp vào mặt cô. Mặt cô đỏ nhừ, mắt cũng đỏ, nước mắt chảy. Cái áo bà ba bạc màu trên người cô nhăn nhúm lệch lạc. Mái tóc dài rũ xuống rối tơi bời. Cô trợn mắt nhìn ba. Ba né cái nhìn của cô, gào to hơn má:
- Bà muốn chửi, muốn đánh, muốn giết nhắm ngay tôi nè. Tại tôi, tôi là đồ dã thú chớ không phải tại người ta.
- Ông hay quá hé. Tôi bắt được tại trận còn vênh mặt bênh vực nó. Được... được... Má nghiến ngầm kéo dài từng tiếng nói, nhào tới cây chét làm cỏ cô vắt bên vách nhà lao đến bổ thẳng vào cô Liêu. Ba chặn lại bằng chính người ba. Máu đỏ tràn ra đầy mặt ba, chảy ròng xuống ngực áo, nhểu xuống nền ván. Má hoảng loạn dừng tay. Tôi òa khóc.
Ba tôi không chết, chỉ bị một vết thương lớn ở trán và rời khỏi nhà, rời khỏi cồn từ sau ngày đó, không biết vết thương của ba đã lành lặn chưa. Khi mọi chuyện dần phai, tôi thường xuyên nhận được những món tiền ba gửi về với những lời nhắn “Con ráng học!”. Số tiền ba gửi hằng tháng không nhiều lắm, giúp má con tôi sống qua ngày khi rẫy bắp nhà tôi teo dần do bị con sông Tiền ngoạm từng miếng lớn. Và món tiền níu kéo má lây lất với hy vọng ba còn nghĩ tới má con tôi, ba sẽ trở về.
Đám cưới cô Liêu không thành, không phải vì chuyện lùm xùm với ba (ông ta vốn lãng tai mà). Khi ngày cưới gần kề, ông ta đi tắm sông và bị co giật đến chết đuối. Cô Liêu vẫn ra rẫy nhà mình trồng ớt, trồng cà, bước những bước nhẹ như bước chân mèo.
***
Tôi đi tìm bãi bồi lại chạm phải một người đang ngồi thu lu bên bến nước, gió bạt ngang cái áo màu kem sờn rách mỏng manh, lật run rẩy những sợi tóc chớm phai màu. Tôi không biết khi đứng bên cồn nhìn thấy bóng trắng bên này là cái áo hay mái tóc.
Ba tôi khóc, không thấy nước mắt nhưng cái miệng rộng của ba mếu méo xệch. “Ba có lỗi với con, ba không dám trở về xóm cồn dù rất nhớ con”. Tôi hiểu, nếu là tôi, sau sự việc ấy tôi cũng sẽ lặn sâu vào nơi nào đó của dòng sông cuộc đời để không còn nghe ai nhắc đến tên mình.
Rồi ba kể. Ba và cô ấy thân nhau từ khi cô mới hơn năm tuổi. Ba không ngờ cô thương ba. Sau những trục trặc với má, ba rất buồn và buồn hơn khi thấy cô ấy không chịu lấy chồng. Những trận ghen của má đã đẩy cô đến một người đàn ông dị tật. Ba không nỡ nhìn thấy cô ấy cam khổ cả đời nên rủ cô đi. Cô ấy lắc đầu. Ba làm liều nghĩ rằng sẽ cưỡng bức đặt vào tay cô ấy một gia đình hạnh phúc. Nhưng sau chuyện đó cô ấy vẫn không đi. Cô nói, thương ba nhưng cô không thể để vì cô mà ba bỏ gia đình. Cô muốn chứng minh cho tôi thấy cô không phải là người gieo dông gió vào gia đình tôi? Ba tôi thất bại trong tất cả đã mải miết đi. Nhưng ba không thể nào quên được cái lưng áo bạc màu của cô Liêu và không yên tâm cuộc sống của tôi khi rẫy cồn lở từng mảng lớn. Ba quay về nơi này ngày ngày nhìn qua bến lở của cồn, nơi đó có tôi, có cô Liêu trong hai ngôi nhà đối diện...
- Cô có biết ba ở đây không?
- Có khi biết, có khi không,... Hồi đó cô ấy nói thương bến lở nhưng thích bãi bồi. Nhìn bãi bồi nhìn thấy cả tương lai rộng mở. Ba dành tiền mua bãi đất này định đưa cô ấy về đây sống. Nói hết câu đó ba ho khù khụ. Tôi nhìn nơi cổ họng ba, trái cấm đàn ông nhô ra nhọn liễu có cảm giác nó có thể rọc thủng làn da mỏng nhăn nheo của ba rồi lòi ra ngoài đốt xương trắng hếu, vầng trán nhiều nếp nhăn đẩy đùn cái sẹo lồi thêm to như con sâu vắt ngang giữa trán. Tôi nhìn quanh căn chòi, thấy những hũ chao rỗng nằm đủ kiểu, ám đầy bụi chỏng chơ với mớ củi điên điển ở góc chòi. Trên cái giàn nhỏ bằng tre, mấy đọt rau muống nằm vắt vẻo, héo queo...
Tôi đi tìm thuốc trị bệnh mất ngủ cho má và ghé lại nơi cô Liêu làm cỏ ớt. Nghe tôi nói chuyện, nghe tôi xin lỗi tay cô vẫn làm y như mười mấy năm về trước nhưng tay run, môi cũng run. “Con nhỏ này bày đặt không hà!”. Cô không nhìn thẳng tôi mà nhìn chăm chăm vào những bụi cỏ, sắn chét liên tục bật lên những gốc cỏ, một lúc ngước lên nhìn tôi cười. Miệng cô cười, mắt cô cũng cười nhưng tay không rời cây chét. Hình như cây chét là nơi để cô bám víu cho khỏi ngã suốt mười mấy năm qua, sống thản nhiên bên bến lở.
Tôi hỏi sông Tiền bao lâu nữa bến mới lại bồi. Vì sao mỗi lần đem đất bên này bồi đắp bên kia, lòng sông lại cuộn sóng sục sôi, lại oằn mình ngầu đỏ? Sông Tiền lặng lờ trôi như người vô tư không màng thế cuộc, nó đã trong trẻo rồi khi làm đúng sứ mạng một con sông. Tôi cũng muốn mình trong trẻo hơn. Bất chợt tôi hỏi cô:
- Cô còn thương con không?
Cô nhìn tôi nhưng không hỏi. Cô biết tôi còn một yêu sách nào đó trên nền tảng tấm lòng cô.
- Nếu còn thương con, hãy giúp con chăm sóc ba để... con an tâm chăm sóc má.
Cô bỏ dở bàn tay đang túm bụi cỏ ngước nhìn tôi, mắt cô ngân ngấn. Hình ảnh cô trước mắt tôi cũng sắp nhòe ra nhưng tôi không cho nó làm tròn điều đó.
Ngoài xa kia sông Tiền vào hạn, nước trong veo như có thể nhìn thấy được tận đáy sông.
V.D.T
Rất cám ơn anh Duyên đã đăng bài và ảnh. Chúc anh vui. Mong Hương Quê Nhà có thêm nhiều bè bạn
Trả lờiXóaThanh ơi, em ghé thăm là anh vui rồi! Chúc em vui, khỏe, và có nhiều truyện ngắn mới, hay! Thân mến!
Xóa