Tại Hội thảo nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử (22.9.1912 - 22.9.2012), chủ nhiệm CLB Văn học Xuân Diệu, thạc sĩ Trần Hà Nam đã đọc tham luận Hàn Mặc Tử, hành trình Thơ, hành trình Sống nhận diện Hàn Mặc Tử trong mối quan hệ với mảnh đất và con người Quy Nhơn, xin trận trọng giới thiệu cùng bạn đọc
Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) xuất hiện trên thi đàn lãng mạn Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, tuy nhiên thơ của ông vẫn tiếp tục khơi dậy nhiều cảm xúc và sự mê say cho nhiều thế hệ, từ những bài thơ đầu tiên viết theo lối thơ truyền thống, cho đến những bài thơ mang dáng dấp siêu thực, tượng trưng sau này. Nhà phê bình Hoài Thanh ngay từ thời viết “Thi nhân Việt Nam” đã từng thốt lên: “Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử, ta không hiểu và không ai hiểu nổi” để cảm nhận về không gian thơ Hàn Mặc Tử theo lối phê bình ấn tượng nổi tiếng của mình, để cảm nhận về một “vườn thơ rộng rinh và ớn lạnh”. Các công trình nghiên cứu về Hàn Mặc Tử thường bàn nhiều về tập “Thơ Điên” – nơi dấu ấn sáng tạo của Hàn đã thật sự bùng nổ. Xu hướng nghiên cứu thi pháp học cũng đã từng bàn về không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử… Các hướng nghiên cứu hàn lâm và kinh điển xin không bàn đến ở đây, mà người viết chỉ muốn cảm nhận những ám ảnh trong thơ Hàn bằng tình yêu rất riêng của mình mà thôi.
Thời gian của một người hối hả giành giật lấy sự sống, tình yêu như Hàn có lẽ đạt đến độ hối hả, gấp gáp, riết róng cao nhất. Thậm chí Hàn cũng đã từng tuyên ngôn hẳn trong một bài thơ có nhan đề Thời gian trong phần “Hương thơm” của tập thơ “Đau thương” (tức Thơ điên):
Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh
Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất
Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm
Hồn xưa tự ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm
Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì khác nữa thảy đi qua
Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi
Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?
Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé
Xin đừng luân chuyển để thời gian
Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu
Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân.
Quan niệm về thời gian trong bài thơ này đối nghịch hẳn với truyền thống, không phải là thời gian tuần hoàn mà là một dòng chảy gấp gáp, hòa quyện với nỗi thống khổ, tâm trạng cô đơn của cái tôi cá nhân cá thể. Cách nhìn thời gian ấy dung chứa cả một quan niệm sống, quan niệm nghệ thuật nhất quán của Hàn Mặc Tử.
Trong lời tuyên ngôn cho “Trường thơ Loạn” mà Hàn Mặc Tử làm chủ soái, Chế Lan Viên viết: “Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai.” Tất nhiên, khi xác định một tuyên ngôn cho “trường thơ Loạn”, cả Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên đã định hướng cho một cuộc nổi loạn, đảo lộn thời gian, không gian, cảm xúc cảm giác để hướng tới những vẻ đẹp mới. Nhưng như vậy không có nghĩa là để hình thành một thứ xa lạ, tách rời khỏi Cái Đẹp – theo nghĩa mĩ học trọn vẹn nhất của nó. Thơ, với Hàn Mặc Tử, cũng chính là Sống, như tuyên ngôn nổi tiếng của ông: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của Tình Yêu. Tôi đã vui, buồn, giận hờn đến gần đứt cả Sự Sống”. Khi đã tự nhận thức như vậy, tất yếu con người ấy càng ý thức rõ thời gian như là một cuộc chạy đua gấp gáp để sống, để yêu và bám víu vào từng khoảnh khắc được sống của mình để phát triển đến tận cùng tâm hồn. Ta có thể nhận ra điều này trong thơ Hàn Mặc Tử trong nhiều chặng đường khác nhau của thơ ông. Nhiều lần Hàn Mặc Tử tự nhận mình là điên, nhưng cũng như một nghịch lý mang màu sắc triết học, đó là lúc Hàn tỉnh táo nhất để nhận diện chính mình. Hãy nghe lời thú nhận của Hàn khi đón nhận sự quan tâm của Mai Đình, trong phút bình tâm và sự xúc động trước chân tình của người thiếu nữ đã đồng cảm với nỗi đau và cái đẹp trong thơ Hàn:
Anh điên anh nói như người dại
Van lạy không gian xóa những ngày…
Khoảnh khắc “trút linh hồn” cũng là khi mở lòng để lắng nghe, để đợi chờ và được sống cùng những khát vọng khắc khoải. Nhưng rồi cũng là lúc nhà thơ tự cảm được nỗi thất vọng vì đón đợi một tấm lòng mà không gặp. Khi ấy hồn thơ như cạn kiệt sinh khí thành “lời thảm thương rền giữa nẻo mơ”, giữa lúc “máu đã khô rồi, thơ cũng khô”:
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
- Còn em sao chẳng hay gì cả?
Xin để tang anh đến vạn ngày
Thường trực trong Hàn là nỗi ám ảnh của Hư Vô, không phải nỗi ám ảnh kiểu Xuân Diệu mà hiện lên “sượng sần”, “tê điếng” từng giác quan, trong chính cuộc sống phải đấu tranh với bệnh tật để giành giật sự sống của thi nhân. Đi tìm sự hiện hữu của Hồn trong khi phải vượt lên nỗi đau của Xác, đó chẳng phải là ý nghĩa thiêng liêng làm nên giá trị đời người sao, cớ sao phải phủ nhận nó để đi tìm một cái thi học tột cùng xa lạ nào? Với Hàn, thơ là điểm tựa duy nhất để chống chọi nỗi cô đơn, nhưng có khi thơ lại là hiện hữu của nỗi đau dày vò, của sự bất lực:
Này đây lời ngọc song song,
Xin dâng muôn sóng tơ đồng vơi vơi.
Xin dâng này máu đang tươi,
Này đây nước mắt, giọng cười theo nhau.
Tất nhiên, phẩm chất của một loại thơ như thế đều phải bắt nguồn từ chân cảm trăm phần trăm, không thể là thứ thơ nhập đồng, lên đồng giả hiệu! Người đọc đến với thơ Hàn vì lẽ đó, tự nhiên như hơi thở, như khí trời chứ không phải để đi tìm những thuyết lý xa lạ, những kiểu làm màu cho thơ. Người đọc chứng kiến nỗi đau rất thật, hạnh phúc rất thật nhưng lại không phải là cái thật như đếm có sao nói vậy, để cùng trửng giỡn với trăng, no nê khoái lạc và thậm chí bị cuốn vào cả cái điên cuồng, đớn đau, tuyệt vọng của Hàn, lòng rỉ máu theo những lời thơ “đau thương”, nỗi “sầu vạn cổ” đọng thành “những giọt lệ”:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
Nỗi đau tình duyên, cảm giác lỡ làng, hụt hẫng nuối tiếc vốn dĩ nhan nhản thường trực trong Thơ mới thời bấy giờ, nhưng khi đọc Hàn Mặc Tử, tất cả vụt hiện lên như một nỗi ám ảnh về ranh giới sống – chết, hiện hữu – hư vô, được cụ thể hóa từ xác thân để hồn thăng hoa về một bến Hàn giang trong nỗi cô đơn rợn ngợp. Trăng vừa là “trăng vàng trăng ngọc” đấy, vụt đã tan tành, vỡ vụn trong nỗi nhớ thương đứt ruột “Hôm nay có một nửa trăng thôi/ Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi/ Ta nhớ mình xa thương đứt ruột/ gió làm nên tội buổi chia phôi”. Ánh trăng ấy vừa gần gũi, vừa khác xa với nỗi bịn rịn của Truyện Kiều “vầng trăng ai xẻ làm đôi…” – một bên là cái nhìn khách thể, một bên là sự chuyển hóa vào tâm trạng chủ thể, hiện rõ bóng dáng cô đơn của Hàn. Hóa ra ngay cả “trăng sao” cũng không “bất diệt” như Hàn tưởng, không phải là một giá trị bất biến tròn đầy, vĩnh hằng mà càng về sau càng trở nên khác thường, biến ảo theo từng cung bậc, nhịp điệu, sắc thái của hồn người. Trăng nhập vào châu thân, cùng Hàn làm những cuộc hành trình trong thơ không giống bất kì ai: có lúc hiện lên trong sự hài hòa “tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”, có lúc lại biến ảo thành “bóng nàng yêu tinh/ nhịp cười như vỡ tiếng pha lê”, lúc lảo đảo “gió rít tần cao trăng ngã ngửa”… Trăng trở thành đại lượng thời gian, không gian của riêng Hàn, “vui, buồn, giận hờn” cùng Hàn trong những “cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế”. Cuối cùng trăng cũng xuất hiện trong lời thơ của Hàn tiên tri về cái chết của chính mình:
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Không có một nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm
Theo những lời kể của bạn bè Hàn, thi nhân từng có tâm nguyện khi chết đi sẽ hóa thân cùng tập “Đau Thương” của mình, phải chăng đó cũng là một kiểu sám hối trước giờ về Nước Chúa:
Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng
Nhưng cũng có thể có một cách lí giải khác, tuy rằng võ đoán nhưng cũng có lí riêng của nó, để cắt nghĩa cho mong muốn thiêu hủy đứa con tinh thần: trong thời điểm sáng tạo nhạy cảm sẽ dễ khiến nhiều người ngộ nhận, bắt chước để đem lại những tiếng rên siết, sầu bi cho đời chăng? Hành trình “hương thơm” – “mật đắng” – “máu cuồng và hồn điên” dường như Hàn đã trải qua mấy kiếp người, với những vần thơ máu lệ. Cái ranh giới Đạo – Đời đôi khi không thể đem ra cắt nghĩa ở đây. Nhưng khi thơ Hàn đã thật sự đem lại cho người đọc những yêu thương và đau khổ cõi người của chính nhà thơ một cách trọn vẹn, thì Thơ ấy là Đời, cũng là Đạo – vì đó là sản phẩm của một tâm hồn trong veo và thánh thiện. Bởi vậy, thơ ấy sẽ mãi đồng hành trong những vui buồn nhân thế, mãi mãi đến muôn sau…
Có bao nhiêu học giả đã gọi Hàn bằng những định danh khác nhau: “thi sĩ đồng trinh”, “thi sĩ của đội quân Thánh giá”… và vô vàn những danh xưng khác. Nhưng với những người yêu Hàn đến với mảnh đất Quy Nhơn, Bình Định này, chưa bao giờ thi nhân xa lạ cách biệt với mọi người. Mọi người yêu Hàn một cách bình dân, mỗi người một cách, nhưng cứ đến dịp ngày sinh ngày giỗ của Hàn lại tập trung về Gành Ráng đốt nén hương thơm, uống ly rượu nhạt, để nhớ về Hàn, say cùng Hàn – “cho ta say chết đêm nào, đêm nay”. Họ hát bên nhau, đọc thơ cho nhau, lẵng lẽ ngắm Vầng trăng – Hàn Mặc Tử, để nguồn thơ đất Bình Định này không bao giờ vơi cạn, như ước ao của Hàn:
Tôi ước ao là tôi ước ao
Tình tôi vô lượng sẽ dâng cao
Như bông trăng nở, bông trăng nở
Những cánh bông thơ trắng ngạt ngào…
Người Thơ ấy đã sống trong thơ, và thơ sẽ tiếp tục rong ruổi hành trình sống của Hàn giữa cuộc đời này!
Th.s T.H.N
Rất cám ơn tác giả bài viết. Đọc bài viết này xong, tôi càng yêu thơ Hàn Mạc Tử.
Trả lờiXóaRất vui khi bài viết của tôi có những sự đồng cảm và sẻ chia từ những người thật sự yêu thơ Hàn. Cảm ơn anh Nguyễn Hữu Duyên đã đem chút Hương quê nhà đến bạn đọc gần xa!
Trả lờiXóa