BÀN TRÒN VĂN NGHỆ THÁNG 10/2012 (Chuyên mục đăng bài định kỳ vào thứ 7 hàng tuần)
Thật tình mà nói, đến nay tôi chưa hề gặp Trương Lan Anh (TLA), nghĩa là chưa hề được giao tiếp với con người thật của nhà thơ. Có biết loáng thoáng: TLA quê gốc ở Hà Tĩnh, quê chồng Quảng Trị, và hiện là Phó Hiệu trưởng trường THCS Lương Thế Vinh, thị xã Quảng Trị. Nhưng đọc thơ cô thì nhiều. Ngoài tập thơ Người đàn bà mặc áo choàng, tôi thường đọc thơ cô được cập nhật trên hai blog: Truong Lan Anh’ weblog (thotruonglananh.vnweblogs.com) và Sông xanh (thotruonglananh.blogtiengviet.net).
Cầm trên tay tập thơ Người đàn bà mặc áo choàng do TLA gửi tặng, tôi đã thấy choáng: tập thơ dày 300 trang giấy tốt, với lời bình, giới thiệu của các tiến sỹ, thạc sỹ, nhà thơ. Sách in đẹp, trình bày trang nhã với nhiều phụ bản câu thơ TLA viết bằng chữ thảo, 2 bài thơ TLA được phổ nhạc. Hiếm nhà thơ nào có tác phẩm đầu tay được in cả 1.000 bản, với tầm cỡ như thế!
Qua giao tiếp trên mạng, tôi thấy TLA làm thơ rất nhanh, đối đáp rất nhanh. Đối đáp nhanh thì tốt rồi, nó thể hiện sự nhanh nhạy, lanh lẹ của người thông minh, tuy dễ có lỗi. Còn làm thơ rất nhanh, thì cũng có ở các bậc thiên tài, nhưng với người thường thì làm thơ khó nhọc vô cùng. Tìm tứ, lựa từ, cân nhắc cách thức thể hiện…những việc làm đó rất đau đầu, tốn kém thì giờ. Tất nhiên cũng có trường hợp nhà thơ viết rất đạt một bài thơ dài trong một thời gian ngắn (như Hoàng Cầm viết bài “Bên kia sông Đuống”), nhưng chuyện đó rất hiếm. Thơ TLA nhiều, nhưng tìm ra một bài hay để ca ngợi, phẩm bình (Đó cũng là ý định ban đầu của tôi) thì thật khó. Nhưng cái được của TLA là viết nhiều nhưng ít vấp, các bài đều đọc được, đâu đó có thể lượm lặt những câu thơ khá, có thể nói là hay. Tôi nghĩ điều ấy cũng đủ cho một nhà thơ mới tập tễnh bước chân vào thế giới thơ ca vốn mênh mông như trời cao, biển rộng!
Bài “Cho anh làm giọt nắng” khá hay:
Mưa rơi!
Mưa rơi trên sân trường
Hạt nào rơi hạt nào vương tà áo
Hạt nào vương vào mắt em
Cho lóng lánh lòng anh!
………………………..
Mưa rơi!
Mưa rơi trên sân trường
Và em ơi anh sẽ là giọt nắng
Để cho em hồng sắc thắm sáng mai nay
Mưa rơi!
Mưa rơi trên sân trường
Hạt nào rơi hạt nào vương tà áo
Có anh về làm gió thổi hong khô!
…………………………..
Cũng thế, bài “Có đủ” rất khá:
Biết em có đủ?
Nỗi nhớ một đời
Nơi anh còn thiếu
Yêu thương của người!
………………
Biết em có đủ?
Anh thiếu một đời
Vì sao em hỡi
Hai người hai nơi!
Thơ TLA có những từ ý rất mới, được diễn đạt khá hay, nhưng ngay trong những bài hay cũng có chỗ trùng lặp ý tứ (chắc cô không sử dụng trùng lặp như một biện pháp nghệ thuật), và ở bài này bài kia, chỗ trùng lắp ấy khá nhiều. Do cô đọc nhiều, và làm thơ nhiều, nhanh, nên thiếu sự cân nhắc cẩn trọng chăng?
Với giọng anh, cô nói “Anh khát”
Vắng em
Nắng đổ lửa
Đá khô mồ hôi
Sương không đủ rơi
Cây khát
…………….
Em là
Một cơn mưa
Giữa mùa hạ cháy!
Và trong bài “Sao em nỡ”, ý thơ trên lặp lại ở khổ cuối:
Anh đợi chờ em
một cơn mưa
giữa mùa hạ cháy!
Thơ là tiếng nói của tâm hồn. Đối diện với hiện thực của đời sống ở một thời điểm nhất định, con người thấy xúc động mãnh liệt và thể hiện, giãi bày bằng câu chữ nghệ thuật, thế là thành lời thơ. Tôi nghĩ người làm thơ phải thực sự rung động trước cảnh sắc, sự vật, con người, để khi nói thành lời thơ, tạo được sự đồng cảm nơi người đọc, khiến người ta phải nhớ, phải thao thức vì những câu thơ ấy. Hơn thế nữa, "Thơ là mở ra được một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị phong kín" (Nguyễn Tuân). Có vẻ những bài thơ tình của Trương Lan Anh là tâm tư rất thực của cô. Lời yêu nồng nàn, tỏ bày trung thực những tình cảm sâu kín trong tâm hồn.
Đó là khát vọng níu giữ:
Ước chi ôm trọn được cuộc đời
Biển dầu dài rộng đến không thôi
Hai ta níu cả vòng dương thế
Níu lại trong ta níu cuối trời
(Níu)
Trong một “Phong thư tình”, cô nói cả trời yêu thương:
Em nghe trong tiếng gió
Thầm thì lời yêu thương
Và nụ hôn anh gửi
Về em cuối chân trời!
Gió mang lời của sóng
Ngã vào lòng yêu thương
Khát khao và cháy bỏng
Trái tim hát thành lời!
Có thể dễ dàng nhận ra điều lạ này trong thơ tình TLA. Cô thường mượn vai anh để nói tình. Thường thường trong thơ trữ tình, nhân vật trữ tình là tác giả. Trong tập thơ, “Lời em” cũng có, nhưng một bộ phận lớn hơn là “Lời anh”. Nhà thơ có thể đóng thế vai, nói hộ tâm tình người khác, nhưng với mật độ không dày. Có vẻ TLA thấu hiểu tấm lòng của anh, nên nói hộ anh tình yêu, nỗi khắc khoải của anh dành cho em. Theo tôi điều ấy là chủ quan, vì nó không thật, hay khó kiểm nghiệm chất thực. Nhưng cái giỏi của cô, là nói được tâm tình của anh, ghi lại lời anh nồng cháy yêu thương, sâu đậm và như là rất thật.
Anh có thể nói về “Người thứ ba”:
Giữa ba người
em là người thứ ba
Một người thứ ba
không thể nào thiếu đươc!
Bởi không có em
vầng mặt trời tắt lửa
Có rất nhiều bài thơ như thế: Suối tóc mềm, Một khoảng trời, Vương nét mơ huyền, Khát vọng tháng ba, Chiều phương xa….
Do không có điều kiện đọc kỹ tập thơ, nên tôi không dám nói nhiều, cũng chỉ vài cảm nhận ban đầu vậy thôi, có gì mong nhà thơ lượng thứ. Nhưng tôi tin rằng TLA đã có những bước đi vững chắc ban đầu, và cô sẽ tiến xa hơn nữa để trở thành một tên tuổi sáng giá, một nhà thơ đích thực. Nghe đâu TLA sắp xuất bản tập thơ thứ hai. Nếu nói về số lượng, thì tập thơ đầu Người đàn bà mặc áo choàng bằng ba, bốn tập thơ của người khác. Tập thơ thứ hai của TLA không biết có bao nhiêu bài, nhưng chắc sẽ khá nhiều. Chỗ thân tình, tôi xin mượn câu nói của người xưa để nhắn nhủ TLA: “Văn quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Văn đã thế, thơ lại càng nên thế. Những cuốn tiểu thuyết 500, 700 trang chưa hẳn đã có giá trị bằng một truyện ngắn một, hai nghìn chữ. Có những nhà thơ đi vào văn học sử chỉ bằng một bài thơ rất ngắn đó thôi! (như Lý Thường Kiệt chẳng hạn).
5. 10. 12
H.N
Tôi là một người thường xuyên bình luận thơ của TLA trên Blog Tiếng Việt và tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến sau đây của tác giả bài viết:
Trả lờiXóaThơ TLA nhiều, nhưng tìm ra một bài hay để ca ngợi, phẩm bình (Đó cũng là ý định ban đầu của tôi) thì thật khó. Nhưng cái được của TLA là viết nhiều nhưng ít vấp, các bài đều đọc được, đâu đó có thể lượm lặt những câu thơ khá, có thể nói là hay. Tôi nghĩ điều ấy cũng đủ cho một nhà thơ mới tập tễnh bước chân vào thế giới thơ ca vốn mênh mông như trời cao, biển rộng!
Chào anh Jeffrey Thai,
XóaChiều nay mở hộp thư thấy comment của anh trên HQN, tôi rất vui, và thấy mình cũng có lỗi với anh. Rất mong anh thông cảm. Vào trang anh rồi, nếu chỉ lớt phớt xem qua thì sẽ viết được gì, mà tôi thì không dám mạo muội viết càn. Có lẽ độ này tôi tập trung nhiều cho sự nâng lên một bước của HQN nên có nhiều công đoạn bận bịu, kể cả chuyện áo cơm. Rất mong anh góp ý thẳng thắn, giúp tôi xây dựng HQN ngày càng đa dạng và phong phú hơn! Chúc anh sức khỏe! Thân mến!
Cam on Jeffrey Thai da co su dong cam voi y kien cua toi (nhu trong doan trich). Mong duoc thuong xuyen gap nhau, trao doi!
Xóa