“ Văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Biết thế. Hầu hết những người cầm bút đều biết thế. Song thật sự thấu đáo giá trị ngôn ngữ trong thế giới nghệ thuật với những chức năng, sự tương quan, những giá trị hàm ẩn …trong ngôn ngữ nghệ thuật để có những “ứng xử” quyết đoán hơn với con chữ thì hình như đốt đuốc giữa ban ngày tìm kiếm chẳng được mấy người.
Hầu hết những người cầm bút đều xem tiêu điểm của văn chương vẫn là những cuộc rong chơi chữ nghĩa, hoặc việc mổ xẻ, tìm hiểu về các giá trị kia là công việc của nhà lý luận phê bình. Thậm chí, trong nhiều tiểu luận của các cây bút đàn anh đã chẳng từng khuyên “cứ nhảy xuống nước và bơi đi…đừng sợ chết hụt”. Và lớp lớp đàn em cứ ùm xuống nước và bì bõm bơi. Có người hì hục trong đại dương chữ nghĩa, có người quay lại giữa cuộc chơi và có người …chết chìm tận đáy. Cứ thế, hết đời này đến đời khác chẳng bao giờ ta có nổi một Cao Hành Kiện. Có lẽ bàn đến Nobel văn chương là đụng đến cái mặc cảm tự tôn của gần một ngàn nhà văn Việt Nam đang giữ tấm thẻ như một thứ giấy thông hành trong cuộc rong chơi
CUỘC RONG CHƠI VỀ PHÍA CÁI ĐƯỢC BIỂU ĐẠT
Chỉ riêng thế giới của tín hiệu ngôn ngữ giao tiếp đã phân rõ những mối quan hệ phức tạp: giữa tín hiệu với tín hiệu, giữa tín hiệu với thực tế và giữa tín hiệu với nhân vật giao tiếp. Chính thế nó hình thành ba khái niệm: Cú học ,nghĩa học và dụng học. Các tín hiệu ngôn ngữ trong giao tiếp chỉ nhằm chuyển tải thông tin đến người tiếp nhận. Nó đơn thuần mang giá trị thông tin, giá trị ngữ nghĩa. Trong tiếp nhận văn chương thì khác, người đọc có quyền đòi hỏi nhiều hơn. Không chỉ những giá trị ngữ nghĩa mà còn những giá trị thẩm mĩ trong cấu trúc ngôn ngữ với những giá trị hàm ẩn, mối tương quan giữa CÁI BIỂU ĐẠT và CÁI ĐƯỢC BIỂU ĐẠT, tầng tầng lớp lớp những biến thể, những giá trị được mã hoá. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa báo chí và văn học, giữa văn bản thông tấn và văn bản nghệ thuật
Một tín hiệu ngôn ngữ nói chung muốn trở thành tín hiệu ngôn ngữ thẩm mĩ thì chúng buộc phải đứng trong “ hàng ngũ”các tín hiệu trong văn bản nghệ thuật. Nói cách khác, muốn tạo nghĩa mới cho tín hiệu ngôn ngữ thẩm mĩ thì bản thân chúng phải là các yếu tố ngôn ngữ đứng trong một tác phẩm văn học, cũng gắn bó qua lại với nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ chung, phải phù hợp với nhau, phải cùng giải thích cho nhau, cùng hổ trợ nhau để cùng hướng tới các mục tiêu sau đây: Thứ nhất là đạt hiệu quả diễn đạt hay nhất về phía người sáng tạo. Thứ hai là tạo nên sự cảm thụ tinh tế nhất về phía người đọc, người nghiên cứu, người nghe. Thứ ba là xác lập hiệu lực giao tiếp theo hướng hàm ẩn mang tính nghệ thuật từ phía người tiếp nhận. Thứ tư là tạo nên sự hiểu nhau tốt nhất giữa tác giả và bạn đọc (1)
Cái cấu trúc kép của tín hiệu ngôn ngữ thẩm mĩ là gía trị của CÁI BIỂU ĐẠT – cái hiển ngôn, cái hình thức và CÁI ĐƯỢC BIỂU ĐẠT – cái hàm ngôn, cái nội dung, là sự tương tác, không thể tách rời của ngôn ngữ. Phối hợp được cái cấu trúc kép ấy mới chính là nghệ thuật ngôn từ.
Ông Bổng sang thăm. Ông nói: “Bà ấy cú xoay ngang xoay dọc trên giường như thế này thì gay go lắm đấy”. Lại hỏi: “Chị ơi! Chị có nhận ra em không?” Mẹ tôi bảo: “Có”. Lại hỏi: “Thế em là ai?”Mẹ tôi bảo: “ Là người”…(Tướng về hưu-Nguyễn Huy Thiệp)
Đoạn thoại trên khiến người đọc có thể dừng lại, tự hỏi: Trong cuộc đời có ai gặp trường hợp tương tự thế không nhỉ? Lời thoại ấy của người lú lẩn hay là thật sự minh triết, tỉnh táo. Nội hàm của CÁI BIỂU ĐẠT cũng chính là cái hàm ngôn, cái nội dung của CÁI ĐƯỢC BIỂU ĐẠT, nó không chỉ mang giá trị ngữ nghĩa, giá trị thông tin. Nó mang một thông điệp – chi tiết trong cả cái thông điệp chung của toàn truyện
“Thế là chị thương em nhất . Cả làng, cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”
Cái biến thể giữa lú lẫn và sáng suốt, giữa minh triết và u mê như không còn ranh giới. Sự tương tác giữa CÁI BIỂU ĐẠT và CÁI ĐƯỢC BIỂU ĐẠT là những hằng số biến thiên, vô cùng: Dù có đê tiện, khốn nạn đến đâu thì đấy vẫn là CON NGƯỜI
Không thể nói Nguyễn Trãi đã sống thanh thản dưới triều vua Lê Thái Tôn. Vị vua trẻ sớm nắm quyền lực, lại ít kinh nghiệm sống, chỉ thích chiều nịnh hơn lời nói thẳng. Những cột trụ nhà nước như bọn Lê Ngân, Lê Sát, Lê Văn Linh, Lê Hy… đều là những chính khách xuất thân giang hồ, trị nước bằng mưu mẹo chứ không xuất phát từ đạo và luật . Thêm nữa bọn Lương Đăng và Hạ Đăng Đắc xúm lại phò nịnh, đẩy lòng kiêu ngạo nên ngừời có thế lực lên tột bực. Giới quí tộc cung đình mới qua được một đời còn hết sức quê mùa về lối sống, chưa có được đời sống tinh thần vương giả, luôn nhầm lẫn giả thật, thực hư. Hơn nữa, ý thức xây dựng một tập đoàn quyền lực dựa trên đạo nghĩa, kỷ cương không được củng cố. Cung đình giống như nơi tụ họp các anh hùng lục lâm, chỗ nhóm lửa, chỗ thổi cơm, chỗ múa giáo, chế được đặt ra do vui chuyện mà định. Trên các chân dung chính khách chỉ nhìn thấy các cơ mặt bất động hoàn toàn, biểu thị tinh thần chính trị tù đọng tột cùng. Số trẻ trung hơn, dễ thấy trên gương mặt họ những nét chối bỏ thẳng thừng học vấn, chỉ chờ đón tiếp nhận cãm giác lạc thú …(Nguyễn Thị Lộ-Nguyễn Huy Thiệp )
Những đoạn trích cho thấy sự nén chặt của con chữ, cái hình thức biểu đạt được chưng cất, được mã hoá có sức chứa của một nguyên tử. Cái nội dung, cái hàm ngôn không chỉ là hiện thực, không gian, thời gian của triều Lê và Nguyễn Trãi. Tất cả sự gợi mở tuỳ thuộc vào khả năng chuyển mã của người đọc. Toàn bộ các chức năng thẩm mĩ, phối hợp tạo hiệu ứng, tương tác hai chiều. Trên các trang văn hiện hữu ta không thể tìm thấy cái tương tác hai chiều ấy. Hầu như toàn bộ các văn bản chỉ mang lại giá trị ngữ nghĩa, giá trị thông tin, kể lại một câu chuyện nào đấy hoặc nhiều lắm là những luận đề gán ghép như một chú giải mà câu chuyện là một minh hoạ.
CUỘC RONG CHƠI VỀ PHÍA CÁI BIỂU ĐẠT
Nếu như hầu hết những tác phẩm văn xuôi là cuộc rong chơi về phía CÁI ĐƯỢC BIỂU ĐẠT, thì ở thơ lại đi theo chiều ngược lai. Khuynh hướng xé đôi CÁI BIỂU ĐẠT và CÁI ĐƯỢC BIỂU ĐẠT để đi về hai phía giống như hai thế giới HƯƠNG và SẮC chẳng bao giờ sóng đôi. Có lần tôi nói đùa với vị khách tham quan Hội Hoa Xuân Bình Dương, cái Hội Hoa Xuân đầu tiên mà tôi đứng chân trong BCN. Vị khách nhón chân, hít thật sâu để nghe mùi hương của cây Cattleya thật đẹp. Tôi nói: “ Cô sẽ không bao giờ nghe được mùi hương của nó, bởi qui luật bù trừ của tạo hoá chỉ cho hương chứ không sắc, cho sắc thì không hương”. Chỉ đùa thôi chứ thật tôi không tin hoàn toàn vào điều mình nói. Song với văn chương thì thế thật. Tình trạng của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam cứ liều mình nhảy ùm xuống nước …tử vì đạo là một thực tế. Ít khi tìm thấy trên trang thơ cái bình dị, mộc mạc, chân chất như Nguyễn Thế Hoàng Linh
Giá mà được chết đi một lúc
Chắc bình yên hơn một giấc ngủ dài
Giá mà xuống địa ngục thì càng tốt
Lên thiên đàng sợ chẳng gặp ai
Giá mà được chết đi một lúc
Để thử xem người ta khóc hay cười
Và xem thử mình sẽ cười hay khóc
Làm ma có sướng hơn làm người
Giá mà được chết đi một lúc
Nằm im nghe cuộc sống nhỏ tuôn trào
Nếu người ta ném ngay vào nhà xác
Cứ thế mà chết cóng cũng chẳng sao
(Giá mà được chết đi một lúc-Nguyễn Thế Hoàng Linh )
Ở Nguyễn Thế Hoàng Linh, CÁI BIỂU ĐẠT có vẻ như chỉ cần đủ để chuyển tải giá trị ngữ nghĩa, giá trị thông tin, song cái giá trị tìm ẩn không chỉ dừng ở chức năng giao tiếp, mà người đọc có thể chuyển mã, tuỳ thuộc vào năng lực tiếp nhận, sự chiêm nghiệm SỐNG và CHẾT, sự phân thân, sự thấu hiểu cái thế giới đầy mặc cảm giai cấp. Phần nhiều các nhà thơ rong chơi trong lớp vỏ hình thức với những con chữ lấp lánh, nhiều màu sắc rực rỡ. Thơ giống như thứ hàng trang sức, thiếu sự chiêm nghiệm.
Có thể diễn đạt hai hướng đi của văn xuôi và thơ. Đó là: Nếu như văn xuôi cố thực hiện cái nhiệm vụ nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh, cố chọn góc độ, ánh sáng, kể cả kỹ xảo photoshop thì nhà thơ đang làm nhiệm vụ của hội họa siêu thực với đường nét, màu sắc lập dị, kỳ quái. Tất cả đều quên đi một điều đơn giản “ Văn chưong là nghệ thuật ngôn từ”.
K.N
(1)Tín hiệu thẩm mỹ trong ngôn ngữ văn học –TS Mai Thị Kiều Phượng –NXB Khoa Học Xã Hội 2008.
Cảm ơn tác giả đã giới thiệu cho người đọc cảm nhận được một góc độ của văn chương.
Trả lờiXóa