Có người nhớ và cũng có người sẽ quên, có người nhìn về phía ấy bằng đôi mắt cảm thương và bằng trái tim bất lực. Dẫu ai nhìn về quá khứ bằng cách nào đi chăng nữa thì quá khứ vẫn là quá khứ mà thôi.
Nhưng con đường tôi đã đi qua, những bến phà nhộn nhịp, những người dân một thời với tiếng tăm chẳng mấy hay ho rằng đã từng nhảy xe, đã từng dầm mưa dãi nắng, từng chanh chua, đanh đá, mắng nhiếc, sỉ vả nhau chỉ vì một người khách qua đường, vì dăm ba đồng lẻ cho một bịch trà đá, một thỏi kẹo hay vài ba điếu thuốc lá… Một vài đồng lẻ ấy có thể là số tiền không đáng cho một lữ khách nào nó đi ngang đây, không đáng với một người được mệnh danh là “dân thành phố”. Nhưng với một đồng lẻ ấy, người phụ nữ gầy guộc đen đúa kia đã mạo hiểm đeo theo xe khách bằng một cánh tay co vào cửa sổ, hai chân chị cách mặt đường chỉ vài xăng ti mét, chị đã làm thế một đoạn đường thật xa khi bờ Hậu Giang đang kẹt bến về Sài Gòn. Một đồng lẻ ấy có thể chiều nay chị góp lại, vuốt phẳng phiu và đong được dăm ba lon gạo,vài cọng rau muống.
Những hình ảnh ấy rồi đây cũng có thể chỉ còn là quá khứ. Vì mai đây, khi nhịp cầu cuối cùng hợp long, khi vệt bánh xe đầu tiên được lăn trên cây cầu nối liền hai bờ sông Hậu thì có nghĩa là không còn những thúng hàng rong chất đầy đậu luộc, trứng cút, kẹo, thuốc lá… Những món hàng rẻ tiền đã nhiều năm oằn vai các dì, các chị nơi đây. Những tập vé số định đoạt tương lai bằng trò chơi may rủi…Tất cả chỉ còn là quá khứ!
Tôi đã từng đi suốt đoạn đường về miền tây, tôi có thể không thuộc lòng từng cột mốc km trên quốc lộ 1A nhưng tôi đã từng đi ngang qua nhiều đoạn đường được mệnh danh là “quá khứ”. Mỗi bận về đến thị xã Tân An, tôi không thích đi bằng con đường tránh thị xã dành cho ô tô. Nếu thả rong vào thị xã nhiều lần ta sẽ thấy được cuộc sống của người dân nơi đây khi con đường không còn nhộn nhịp. Bình yên hơn, cuộc sống dường như chậm hơn, dòng chảy thời gian cũng có lẽ gần như lười hơn. Quá khứ! Có mấy ai lăn xe trên đường cao tốc lại nghĩ về đoạn đường quanh co đã lấy đi quá nhiều thời gian của họ?
Rồi mới đây thôi, khi về đến ngã tư Lương Phú thuộc ấp Thân Cửu Nghĩa huyện Châu Thành, Tiền Giang, có một con đường mới toanh đi tắt ra xã Long Đinh, gần hơn đoạn đường cũ rất nhiều nếu đi đường ấy, và dĩ nhiên vòng xoay Trung Lương cũng sẽ trở thành quá khứ cho những ai đi thẳng về Cái Bè và các tỉnh miền tây khác.
Tôi thích về quê mẹ, tôi thích được mỗi buổi sáng thả bộ ra chợ Cầu Bắc, chợ mới thành lập sau ngày cầu Mỹ Thuận thông xe. Gọi một đĩa cơm, một ly café đen và mỏi cổ chờ. Có lẽ họ cũng chẳng thiết tha gì chuyện tiền nong, cơm áo kể ngày đoạn đường từ cầu Mỹ Hưng đến bến phà trở thành quá khứ. Ai đã từng xem bộ phim hoạt hình nổi tiếng: “Cars” chắc sẽ hiểu cuộc sống con người trên những con đường được mệnh danh là “Quá khứ” như thế này nhiều hơn. Khi con người muốn rút ngắn đoạn đường trước mặt thì đồng nghĩa với việc đoạn đường đã từng đi qua sẽ trôi vào quên lãng. Ở nơi đó có những con người chưa từng biết nghỉ ngơi, chưa từng biết sống sao cho qua hết một ngày yên ả. Ở nơi đó bây giờ bình yên quá đỗi…
Buổi tối trên cầu Mỹ Thuận, tôi muốn ôm cả phù sa bạt ngàn vào lòng mình, ấp ủ quê hương từ trên phía cao nhất bên bờ sông Tiền. Và cũng từ nơi đó, tôi hướng về bến phà cũ không đèn, hoang sơ, cô quạnh. Tôi hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ, tôi cũng có thể nhìn về quê nội ở bờ bên kia. Từ nơi đó tôi nhìn ra cuộc sống quanh tôi, rằng quê hương và mỗi con người đã được gắn kết đời nhau từ nhiều nơi, nhiều chỗ. Để rồi một ngày như hôm nay, có một “tôi” đang muốn dang tay ôm cả hai miền quê nội, ngoại vào lòng.
Quá khứ sắp hình thành!
Có thể ai đó luôn nghĩ khi xây xong một cây cầu nối liền hai bờ sông Hậu là để đón chờ điều gì đó. Nhưng đối với tôi thì cầu Mỹ Thuận hay cầu Cần Thơ cũng như vậy cả. Có thể rút ngắn mười lăm hai mươi phút qua sông, có thể rút ngắn một vài giờ chờ đợi ở hai bờ bến vì kẹt phà, nhưng có lẽ khi sang được bờ bên kia nhanh hơn thì mấy ai là người chịu ghé lại? Có thể có nhưng rồi liệu con đường cũ dẫn về bến bắc có còn được nhớ đến hay lại được đặt tên thành đường “Quá Khứ”?
Quá khứ sắp hình thành cho những con đường đang nhộn nhịp, bình yên sắp đến cho cuộc sống các chị, các mẹ, các dì. Họ không còn phải ruổi rong xô đẩy, không phải chen lấn nhau, mắng nhiếc nhau chỉ vì một thỏi kẹo hay vài ba điếu thuốc lá. Những người phụ nữ ấy rồi đây sẽ sống ra sao? Người có tuổi sẽ ở lại với công việc vặt vãnh như giặt đồ thuê, rửa chén. Người trẻ lại tìm đến nơi phồn hoa nào đó có thể mang lại cho họ đời sống kinh tế tốt hơn. Và những con đường đưa tôi ra bến phà sẽ được lãng quên.
V.T.N.P
Em oi, người ta bảo người già thích sống với quá khứ. Quá khứ trong bài khiên tim chị nhói đau và bỗng rưng rưng. Điều đó chứng tỏ em viết thành công lắm.
Trả lờiXóaem cảm ơn chị ạ.
Xóa