ĐÃ LIÊN LẠC ĐƯỢC – Truyện ngắn Lê Đình Danh



                                                     Lê Đình Danh

       Trời xâm xẩm tối Hoàn mới về đến nhà. Trong nhà tối om mà con anh vẫn chưa bật điện. Nghe mùi kho nấu và tiếng nước chảy rả rích, Hoàn biết hai đứa con mình đang nấu ăn và giặt đồ ở nhà sau. Thằng Thủ học lớp 9, giặt đồ. Con Út học lớp 5, nấu ăn. Chắc chắn thế. Đó là sự phân công của vợ anh khi đi làm ca hai từ hai giờ chiều đến mười giờ đêm. Vừa bước vào nhà Hoàn vừa gọi:
       - Sao không bật điện cho sáng, hả con?
       Thằng Thủ đóng vòi nước, nói vọng ra:
       - Con còn thấy mà ba. Mẹ dặn thật tối mới bật đèn để tiết kiệm điện ba à!
       Vói tay bật công tắt đèn, giọng Hoàn trìu mến:
       - Đã tối lắm rồi con ạ. Mà này, con đã mở nguồn điện thoại chưa?
       Con Út nấu ăn vừa xong, nó bước lên nhà trước và trả lời thay cho thằng Thủ:
       - Anh Thủ chưa chịu mở nguồn điện thoại ba à.
       - Thủ, để đồ đó lát ba giặt cho. Con đến ngồi cạnh đây ba bảo.
       Thằng Thủ chùi hai bàn tay ướt vào vạt áo cho khô, nó vừa ngồi xuống chiếc ghế đối diện vừa móc trong túi ra cái điện thoại Iphone và ngửa bàn tay để trên bàn trước mặt ba nó. Nhìn đôi bàn tay bé nhỏ luyến tiếc mân mê chiếc điện thoại, lòng Hoàn chợt ngùn ngụt dâng lên niềm thương xót. Anh thương con vô hạn. Anh biết nó tiếc cái điện thoại nên không muốn mở nguồn. Nó mở nguồn đồng nghĩa với việc nó sẽ đánh mất cái điện thoại này. Cái điện thoại thứ ba. Nó đã mất hai cái rồi. Hai cái điện thoại nó đã mất chỉ đáng giá vài trăm ngàn đồng một cái. Vợ chồng Hoàn mỗi khi đi làm vắng nhà chỉ liên lạc được với hai đứa con nhỏ bằng cái điện thoại rẻ tiền ấy mà thôi.
       Rẻ tiền thế mà mỗi lần thằng Thủ làm rơi điện thoại, anh liền lấy máy của mình gọi vào số của thằng Thủ thì chỉ nghe câu trả lời: “Số máy quý khách hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Hai lần mất điện thoại đều như thế, và thằng Thủ đều lí nhí như người phạm tội:
       - Người ta nhặt được, họ muốn lấy luôn nên đã tắt nguồn để mình không liên lạc được, ba à!
       - Thật vô lương tâm!- Nghe ba mình lầm bầm, giọng thằng Thủ thắc mắc:
       - Họ nhặt được sao ba lại bảo là họ vô lương tâm hở ba?
        - Nhặt được thì phải để máy liên lạc trả lại cho người ta chứ!
       Nếu không phải là người phạm tội vì đã đánh mất điện thoại, chắc thằng Thủ phải bật cười bởi ý nghĩ kỳ quặc của ba nó. Nó ôn tồn giải thích:
       - Con thấy từ trước đến giờ bất kỳ ai nhặt được điện thoại đều tắt nguồn và lấy làm của riêng hết cả mà ba. Bạn con bị mất điện thoại thì người ta cũng tắt nguồn. Ngược lại, bạn con hay bấy kỳ người nào mà con quen biết khi nhặt được điện thoại cũng đều tắt nguồn cả ba à.
      - Đó là việc của người ta. Nếu con nhặt được điện thoại thì đừng tắt nguồn để liên lạc trả lại cho họ nghen con.
       Đồng bạc chưa rớt khỏi túi. Thằng Thủ chưa nhặt được điện thoại rơi nên nó chứng tỏ sự ngưỡng mộ ba nó bằng một tiếng rõ to: “Dạ”.
       Mới hồi trưa này, khoảng nửa tháng sau cái ngày mất điện thoại thứ hai; nó đã nhặt được điện thoại. Chiếc điện thoại Iphone này tuy hơi cũ nhưng cũng đáng vài triệu đồng. Nó hân hoan đem về khoe với ba nó mà quên bẵng đi cái tiếng dạ rõ to hôm nọ:
       - Ba ơi, con nhặt được chiếc điện thoại này. Con đã tắt nguồn rồi. Ba mua cho con cái sim khác là con liên lạc được với ba mẹ mỗi lúc vắng nhà rồi.
       Thằng Thủ biết mình mừng hụt khi nghe ba nó bảo:
       - Con hãy mở nguồn điện thoại để người ta liên lạc mà trả lại cho họ nghen con!
       Lần này nó không dạ một tiếng rõ to nữa, mà nằng nặc nài nỉ ba nó cho nó được giữ cái điện thoại. Nó lặp đi lặp lại cái lý do chính đáng: “Chung quanh nó mọi người đều làm như vậy”.
       Anh Hoàn biết con mình nói đúng. Chính trong tất cả những mối quan hệ của anh cũng vậy. Từ bà con hàng xóm đến bạn học cùng lớp với thằng Thủ, đến đồng nghiệp cùng cơ quan với anh…đều xem đó là việc hết sức bình thường, một điều tất nhiên và không mảy may áy náy.
       Đôi lúc Hoàn tự hỏi, mọi người đều làm vậy họ có phải không tốt chăng? Rồi Hoàn tự trả lời bằng lý luận ngược: “Nhặt của rơi trả lại là tốt, còn không trả lại tất nhiên là không tốt rồi”. Tại sao mọi người quanh ta lại đến mức làm việc không tốt như một bản năng sinh tồn khiến hành động đã trở thành phản xạ?  Không mảy may đắn đo áy náy? Không mảy may vướng bận tâm hồn? Hoàn tự hỏi và lần này Hoàn không thể tự trả lời. Suốt buổi trưa nghe thằng con trai nài nỉ mãi, cuối cùng Hoàn khuyên nó bằng một câu mệnh lệnh:
       - Ba đã từng nói với con rằng đừng làm cho người khác những gì mà mình không muốn kẻ khác làm cho mình. Hãy mở nguồn điện thoại liên lạc trả lại cho người mất nghen con.
       Vậy mà đến tối khi đi làm về, con anh vẫn không mở nguồn điện thoại. Giờ này thăng Thủ con anh, đang ngồi trước mặt anh. Bàn tay nó mân mê chiếc điện thoại. Ngón tay cái của nó đặt lên nút mở nguồn rồi lại bỏ ra. Hay nói đúng hơn nó chỉ lướt ngón tay cái của nó ngang qua chiếc nút mở nguồn. Hoàn vẫn khuyên con bằng một câu mệnh lệnh:
       - Hãy nhấn xuống đi con! Con trả cái điện thoại này cho người mất là con đã liên lạc được với ba mẹ rồi đó!
       Tuy mới học lớp 9 nhưng thằng Thủ cũng đủ khôn để nhận ra ẩn ý trong câu nói của ba nó. Ngón tay cái của thằng Thủ nhấn xuống. Màn hình điện thoại bật sáng lên chứ không tối om như nhìn vào cửa căn nhà của mình lúc Hoàn đi làm về mà con mình chưa bật điện. Vài giây sau điện thoại rung lên. Chuông đổ. Như thể có người đang chờ sẵn để gọi vào số máy này vậy. Hoàn trả lời khi thấy thằng Thủ đưa mắt hỏi mình:
       - Con hãy liên lạc đi!
       Cầm điện thoại lên, thấy trên màn hình hiện lên dãy số có 555 ở sau cùng; thằng Thủ hơi ngờ ngợ. Số máy này quen quen. “A-lô”! Giọng nói đầu bên kia cũng quen quen:
      - Dạ! Xin hỏi… là… má cháu đánh rơi điện thoại… chú cho cháu xin lại được không ạ?
       Giọng nói này, số máy này không thể sai vào đâu được. Giọng thẳng Thủ mừng thảng thốt:
       - Hương Ba  Số Năm phải không?
       - Ủa ?Ai đấy?
       - Tui nè! Thủ nè! Té ra đây là điện thoại của má bạn à? Tui nhặt được trên đường. Để tui đem trả nghen…
       - Trời ơi, may quá! Tui gọi cầu may, cứ nghĩ chắc chắn là mất rồi. Trước giờ ai xí được điện thoại cũng tắt nguồn mà. Hèn gì bạn bè trong lớp đặt ông biệt danh là “Thủ trưởng tốt bụng”…
       Thằng Thủ tắt máy ngay dù con Hương Ba Số Năm nói chưa hết câu. Hình như cũng là một phản xạ tự nhiên. Nó xấu hổ với ba nó khi nghe câu biệt danh là “ Thủ trưởng tốt bụng, nên tự nhiên nó bấm nút tắt máy, như một phản xạ. Để kết thúc câu chuyện, thằng Thủ quay sang anh Hoàn; nó nói như đang nói chuyện với bạn của nó:
       - Hóa ra điện thoại này của má con Hương. Số máy của nó có ba số năm ở sau nên bạn bè con đặt nó tên là Hương Ba Số Năm. Nhà nó còn nghèo hơn mình nữa ba à! Con đem trả cho má nó nghen ba. Con đã liên lạc được ba à! 

Lê Đình Danh (Quy Nhơn)

       
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

8 nhận xét:

  1. Cốt truyện nhẹ nhàng mà đầy ắp ý nghĩa. Trong đời thường, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những con người như thế : nghèo vật chất nhưng giàu đạo đức, biết sống vì người khác.

    Trả lờiXóa
  2. Từ những chuyện xảy ra thường ngày mà viết nên những truyện để người xem phải suy nghĩ.Thú vị đấy anh Danh ạ. Tôi là người trước đã viết bài đả kích anh Danh khi sở VHTT Bình định gởi công văn ra bộ văn hóa đề nghị thu hôi quyển Tây Sơn bi hùng. Lúc ấy tôi bị kích động.Sau đọc tác phẩm mới biết mình vội vàng võ đoán. Chuyện đã qua đối với tôi cũng là một bài học. Cũng không nên biết tôi là ai anh Danh nhé.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn (phải gọi là cô hay chị hay bạn văn đây?)Tạ Hoa đã chia sẻ.Anh Duyên hối Danh gửi truyện ngắn cho HQN, Danh chả biết làm sao, nhìn những chuyện quanh mình lấy đầu nọ ráp đuôi kia thành truyện ngắn đọc cho vui. Chúc cô Hoa vui khỏe.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn bạn NẶC DANH.Bạn có phải là người phê phán hư cấu của tôi là "giẻ rách" không? Đối với tôi người phê bình cũng là độc giả. Độc giả có quyền tối thượng. Họ có quyền gối đầu giường và cũng có quyền quăng sọt rác (nếu cho đó là giẻ rách).Cũng may lúc ấy bộ Văn Hóa Thông Tin thành lập ra hội đồng thẩm định và tôi không sai gì cả nên không bị thu hồi. Càng may nữa là nhờ sở VHTT BĐ đè nghị thu hồi nên quyển Tây Sơn Bi Hùng Truyện lập tức được độc giả cả nước biết đến.Thật là "Ngựa Tái ông họa phúc biết là đâu". Chuyện đã qua, nhưng nếu biết bạn là ai, thì Danh vẫn xem bạn là người bạn văn.

    Trả lờiXóa
  5. Hoàn và Thủ. Một sự thật đáng buồn của đất nước ta. Mấy ai đủ cao thượng để hoàn trả lại. Mấy ai đủ can đảm để chỉ trích người giữ của bởi đơn giản nó đã là một thói quen trong xã hội mà bản năng sinh tồn tạo nên. Tác giả đã vẽ nên một bức tranh mà chỉ có thể xóa khi đất nước không còn nghèo đói nữa!

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn các bạn đã chia sẻ. Tính chất có vẻ đơn giản, nhưng bản chất không đơn giản chút nào. Giá trị đạo đức của đất nước bốn ngàn năm văn hiến đang ở mức suy đồi. Nguyên nhân xảy ra? Hướng khắc phục? Người viết văn thấy sao nói vậy. Tôi chỉ có thể tự hỏi mà không thể tự trả lời(như đã viết trong truyện). Mình không thể làm kinh tế để thoát nghèo, thì mình làm văn mong cho giàu đạo đức vậy. Rất mong các bạn yêu văn hưởng ứng.

    Trả lờiXóa
  7. tôi cũng có lần nhặt được điện thoại và cũng tắt nguồn. Đọc truyện này tự thấy thèn thẹn. Cám ơn tác giả cho tôi nhìn lại mình.

    Trả lờiXóa