Đèn màu cam vừa phụt tắt, đèn đỏ ở chốt giao thông bật lên. Vậy mà một phụ nữ vẫn phóng xe ngoặc qua bên trái trước sự kinh hãi lẫn bực tức của người đi đường. Đúng lúc đó, tiếng còi của Cảnh sát giao thông vang lên, kềm hãm được ngay tốc độ của người như ma đuổi. Người phụ nữ tắp xe vô lề, kéo chiếc khẩu trang xuống và…bật khóc. Thật bất ngờ! Đó là My, con dâu của mẹ!
Cảnh sát giao thông lập biên bản tạm giữ xe vì My không mang theo giấy chủ quyền xe và bằng lái. Khi vợ con lấy đồ trên xe xuống, mẹ mới để ý. Có quá nhiều thứ cồng kềnh. Một túi vải to mà vợ con nhận về may gia công. Một bịch thức ăn, một bịch lúa để con nuôi gà Thái, hai bịch sữa đậu nành, loại thức uống con vốn rất thích. Một bịch cá cảnh, một cái hộp đồ chơi trong đó là chiếc máy bay mà bé Tuấn hằng ao ước.
Con ơi! Lòng mẹ bỗng tràn ngập niềm thương cảm. Trên chuyến xe ấy chở đầy yêu thương My dành cho chồng con. Khi mẹ chở My về nhà lấy giấy tờ, mẹ càng thương hơn. Về tới cửa, vợ con đã gọi vang: “Tuấn yêu của mẹ đâu rồi!” Thằng bé lon ton chạy ra, nhoẻn cười: “Thưa mẹ mới về!”. My ôm ghì thằng bé, thơm lên trán con mấy cái rồi tất tả chạy ra nhà sau rửa nồi, vo gạo, bắc lên bếp điện. Vừa làm, My vừa phân bua: “Mẹ chờ con chút xíu nhe. Sợ lát nữa chồng con về chưa có cơm, anh ấy sẽ đói bụng lắm”. Rồi My lại chạy vào phòng ngủ lấy giấy tờ. Mẹ đứng lặng nhìn người phụ nữ quần áo xốc xếch, tóc tai rũ rượi chạy tới, chạy lui như con thoi trên khung cửi. Hình ảnh cô gái xinh xắn, tươi vui ngày xưa đã chóng phai nhạt. Gái một con mà sao đã ra nông nổi! Có phải vì áp lực cuộc sống? Mẹ nghĩ chắc chắn do vật chất lẫn tinh thần. Mà con cũng có phần trách nhiệm.
Mẹ nghe nói trưa đó, con về đã quát vợ một trận ra trò.Con hài ra rất nhiều tội. Nào là phóng xe vượt ẩu, chạy nhanh để làm gì chứ? Vừa mất toi hai trăm nghìn nộp phạt vừa làm xấu mặt chồng. Bữa ăn trưa đó lại chẳng có món gì được chế biến ra trò. Đã vậy, ba chồng phải giữ bé Tuấn tới mặt trời đứng bóng mới đi câu, đồ giặt rồi còn nằm ườn trong máy, chưa phơi cho kịp nắng…Mẹ thật ngạc nhiên! Trước một chuyện nhỏ mà con xé ra tới bấy nhiêu tội để chì chiết vợ! Con không hiểu sao? Vợ con muốn trở về nhanh để lo việc nhà. Vả lại, gửi bé Tuấn cho ba chồng giữ, vợ con cũng ngại. Còn phải lo nấu nướng, giặt giũ và chắc còn vô số việc không tên khác nữa. Hai vợ chồng con ra riêng. Con là công nhân viên nhà nước, mỗi ngày con có tám giờ ở công sở. Thỉnh thoảng cuối buổi con nấn ná quán xá với ban bè. Vợ con không làm, ai làm?
Mẹ thật sự lo lắng! Hạnh phúc gia đình con mong manh quá đỗi. Điều mà cách đây không lâu mẹ rất an tâm. Nhìn cách con yêu, con chìu chuộng người yêu và ráo riết theo đuổi. Con đã cố gắng hết sức để giành lấy chiếc xương sườn đi lạc về với mình, để My trở thành một người không thể thiếu trong cuộc sống của con. Vậy mà, sau ngày cưới, con dần dần đổi khác. Con cho mình cái đặc quyền rong ruổi bên ngoài. Còn việc nhà vợ con phải đảm đang. Thậm chí cái máy may bị hư, con cũng để My tự tháo ra, rồi è ạch chở cái đầu máy may đến chỗ sửa. Vì con bận…dự sinh nhật một cô bạn làm chung. Nhà con thuộc vùng ngoại ô, nhà cửa thưa thớt. Thỉnh thoảng mẹ vẫn nghe râm ran mấy trộm vặt về đêm. Con đi đến khuya lơ khuya lắc, vợ con con tha hồ lo lắng, mong ngóng.
Hình như con tưởng hạnh phúc nằm trong những ngôi nhà cao tầng, ở những khuôn mặt trang điểm khéo léo, những lời yêu thương đầu môi và ở những tin nhắn tràn ngập lời có cánh. Nên con “đứng ở núi nầy, trông núi nọ”.
Tậu một ngôi nhà đã khó. Giữ được lửa, sự ấm áp trong ngôi nhà càng khó hơn! Khó chứ không phải không làm được. Đúng không con? Sao con cứ lo đuổi theo những điều không thật. Chắc con đã quên câu ca dao:
Làm trai lấy được vợ hiền,
Như cầm đồng tiền mua được của ngon.
Con có của ngon trong tay mà sao con không biết! Đàn bà yêu bằng tai kia mà. Có khó gì đâu những lời nói ngọt ngào, âu yếm, những lời nói thể hiện sự quan tâm chân thành. Con trở nên kiệm lời yêu thương từ khi nào vậy con? Sao trưa đó, con không nói với vợ rằng: “Em ơi, lần sau em đừng phóng xe như thế nữa nhé. Nếu xui rủi, em bị xe tông, em có bề gì, anh và con sống sao đây! Thà cho anh ăn cơm trễ, ba mình đi câu giải trí mà, trễ chút có sao đâu. Quần áo giặt chưa kịp phơi thì anh về, anh phơi…Em đừng phóng xe như thế nữa nhe em”. Mẹ tin chắc, vợ con sẽ òa khóc và biết ơn con vô cùng.
Con ơi, hãy tỉnh lại đi con! Đứa con trai ngày xưa vốn có tấm lòng nhân hậu và biết vì lẽ phải của mẹ. Con hãy mở rộng lòng với vợ và con của con! Và con hãy vì lẽ phải mà chia sẻ công việc nhà, những khó khăn trong cuộc sống vợ chồng. Con hãy là một chỗ dựa vững chắc, một người chồng đúng nghĩa, để vợ con không phải ru hời:
Anh buồn có chốn thở than
Em buồn như ngọn đèn tàn thắp khuya!
Con ơi, mẹ chỉ thật sự hạnh phúc khi các con hạnh phúc. Con có biết hay không?
Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh)
Câu chuyện giản dị mà xúc động quá. Chỉ có một tâm hồn chan chứa yêu thương mới viết nên những lời lẽ đầy tính nhân văn như thế ! Chúc Chị khỏe, vui.
Trả lờiXóaChị cám ơn Tạ Hoa Rất nhiều <ến chúc em luôn hạnh phúc nhé.
XóaEm đã đọc bài tản văn này của chị .Em thấy chị viết rất giống những gì mẹ em hay dặn dò anh em em .Đọc bài viết em rất xúc động !!!
Trả lờiXóaHôm nay nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20 - 10 em chúc chị một ngày thật nhiều yêu thương và thật nhiều hạnh phúc .Đặc biệt hơn nữa là chúc chị luôn có những tác phẩm thật hay và được thiệt nhiều giải thưởng !!! Chúc mừng chị Mây !!!
Chị cám ơn em rất nhiều vì đã đồng cảm với chị và những lời chúc dễ thương. Chị chúc em thành công mọi mặt nhe.
Xóa