THƯ TIN: SÁCH MỚI CỦA NHÀ THƠ LÊ BÁ DUY




Sách: ĐỒNG CẢM VĂN CHƯƠNG  (Tiểu luận- Phê bình) của nhà thơ Lê Bá Duy
Do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối tháng 7/2013
Chịu trách nhiệm xuất bản: Phạm Trung Đỉnh
Chịu trách nhiệm bản thảo: Trần Quang Quý
Biên tập: Việt Cường
Bìa: Họa sĩ Lê Bá Khuôn
Trình bày: Kim Anh
Công ty TNHH MTV Kim Anh liên kết xuất bản.
Sách dày 230 trang khổ 13 x 20 cm
QUÝ BẠN ĐỌC Ở XA - CẦN SÁCH XIN LIÊN HỆ LÊ BÁ DUY
(Email: lebaduyph@gmail.com )

                                                   Nhà thơ Lê Bá Duy

Hương Quê Nhà  xin trân trọng trích giới thiệu bài của PGS-TS Hồ Thế Hà viết về tập tiểu luận ĐỒNG CẢM VĂN CHƯƠNG của nhà giáo, nhà thơ Lê Bá Duy:

NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐỒNG CẢM VĂN CHƯƠNG
                                                

                                                   PGS-Tiến sĩ Hồ Thế Hà 
                                                                                                             
     Đọc Đồng cảm văn chương của Lê Bá Duy, tôi yêu quý một con người và một tấm lòng. Một con người say mê văn học và một tấm lòng thao thức với thi ca. Và như một duyên nghiệp, anh đã nhận lại những giá trị tinh thần và nghệ thuật đáng trân trọng trong lĩnh vực mới - lĩnh vực nghiên cứu, phê bình. Bốn mươi bảy tiểu luận, phê bình và chân dung văn học, bao gồm những tác giả là thi hữu quen biết và những tác giả bốn phương mà anh có may mắn đọc và đồng cảm từ cuộc đời và tác phẩm của họ để xây dựng những luận điểm và gợi mở những hướng tiếp cận nghệ thuật riêng cho từng chủ thể sáng tạo và từng thi phẩm. Đó là công việc không dễ dàng, nhưng làm được như Lê Bá Duy quả là đáng mừng và đáng quý.
     Trong thực tế ở nước ta và cả ở thế giới, những người vừa sáng tác vừa phê bình văn học - mà cả hai lĩnh vực đều chuyên nghiệp, tài hoa, thành tựu quả là không nhiều. Riêng ở Việt Nam, có thể kể đến những tên tuổi sáng giá như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông... Còn những người sáng tác mà làm phê bình tay trái thì hầu như ai cũng có ghé qua và để lại những nhận định lóe sáng, những khoảnh khắc đồng hiện có giá trị từ những tác phẩm mà họ yêu quý, tiếp nhận. Lê Bá Duy thuộc loại thứ hai. Vì anh không xuất phát từ phê bình, nghiên cứu chuyên nghiệp mà chính là xuất phát từ sáng tác. Nhưng trong sáng tác, anh lại vươn ra cảm thụ và cộng hưởng với những thế giới nghệ thuật khác; từ đó, thôi thúc anh cầm bút và lúc đầu là ghi lại những cảm nhận, những ghi chú văn chương. Nhưng càng về sau, anh bắt đầu ý thức và nâng lên thành nghệ thuật tiếp nhận, thành những thao tác có tính chuyên sâu của phê bình văn học.
     Tập Đồng cảm văn chương có đầy đủ những phẩm tính nói trên, được viết và công bố trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm những bài dài ngắn khác nhau, phân bố trong khoảng thời gian gần 20 năm với nhiều dạng thức: phân tích, bình giảng, nghiên cứu, điểm bình; có khi thấp thoáng hướng tiếp cận thi pháp học, văn hóa học, phê bình tiểu sử tác giả... Nhưng nhìn chung là khá thống nhất ở văn phong và thao tác giải mã tác phẩm. Điều này cũng xuất phát từ thế mạnh của Lê Bá Duy- thế mạnh ba trong một: nhà giáo- nhà thơ- nhà phê bình.
     Tôi đặc biệt chú ý đến những bài phê bình, nghiên cứu về thơ (thể loại chủ yếu được quan tâm trong tập sách). Ở đó, có sự đồng cảm thực sự của một nhà thơ đối với thi ca mà tên bài viết của anh đã vô tình nhưng thành quan niệm: Từ thơ đọc chơi đến thơ đọc thật. Từ đọc chơi mà rung cảm, đồng điệu, đồng cảm, đồng tình là cả một quá trình thẩm thấu, nghiền ngẫm để đồng sáng tạo, làm đầy ý nghĩa cho thi phẩm được tiếp nhận thì quả là không đọc chơi chút nào, nhất là các bài viết về tác phẩm của những nhà thơ mà anh gan ruột, tâm huyết của quê hương Bình Định - xứ sở được mệnh danh là "đất võ, trời văn".
     Ở đây, cũng cần thống nhất một khía cạnh, đó là phê bình ngắn hoặc phê bình từng bài thơ. Nhiều người cho rằng phê bình thì phải bao quát, tổng hợp trong phạm vi rộng thì mới có giá trị. Tôi nghĩ không nhất thiết phải như thế. Mỗi đối tượng, phạm vi đều có giá trị của nó, nếu kết quả nghiên cứu đem lại những thông điệp mới mẻ, bất ngờ. Chưa kể, phê bình hẹp và nhỏ chừng nào thì phạm vi giải mã càng tỉ mỉ, đa dạng và khó khăn chừng ấy, nếu nhà phê bình không thực sự am tường tất cả bản chất của những yếu tố tham gia cấu thành tác phẩm – đặc biệt là ở những bài thơ kiệm lời, thơ ngắn thì sức bật của chúng càng lớn và bất ngờ, cần phải có những nhà phê bình cao tay ấn.
     Công bằng mà nói, Lê Bá Duy, trong tập tiểu luận - phê bình này đã có những bài tâm huyết và bắt đúng mạch cho từng thi phẩm, từng vấn đề. Và cả những bài ngắn cũng có những hướng giải mã riêng, nhất là ở những phát hiện về hình tượng thơ, về ngôn ngữ thơ, về thi tứ, về những vùng hoài niệm đẹp trong thơ của nhiều tác giả mà tôi không thể trích trong bài giới thiệu ngắn này. Bên cạnh đó, cũng có những bài viết còn giản lược, chưa tới độ, còn sa vào kể lể không cần thiết. Tôi đồ rằng, đó là do đối tượng tiếp nhận không đạt trình độ nghệ thuật cao, nên cảm xúc và tâm thế nhà phê bình không hào hứng, không thể phát hiện những tinh chất để luyện thành ngọc bích trong thưởng thức chăng?
     Thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng. Sáng tạo đã khó, phê bình càng khó hơn. Xưa nay, ai cũng thường né tránh thể loại "khả giải bất khả giải" này. Hoài Thanh - nhà phê bình ấn tượng bậc nhất của Việt Namcũng đã từng thú nhận như thế khi ông bỏ thời gian và công sức để viết Thi nhân Việt Nam. Và ông cũng không dám nhận mình là nhà phê bình. Thật là khiêm cung và đáng kính.
    Lê Bá Duy đã thực sự yêu quý và thao thức với văn chương trên cơ sở mong muốn đồng cảm và thức nhận, nên những gì anh đạt được và cả những gì chưa đạt được trong tập sách này cũng là lẽ đương nhiên của một người mới bắt đầu vào nghiệp phê bình. Hành trình tiếp nhận văn chương của anh đang còn rộng dài phía trước. Anh còn đi có thể trắng cuộc đời để làm người "phu thơ" (mượn cách nói nhà thơ là người "phu chữ" của Lê Đạt) mới mong tiếp tục gắn bó với thi ca và thành tựu với phê bình. Với mong muốn như vậy, tôi xin chúc mừng và xin trân trọng giới thiệu tập tiểu luận - phê bình Đồng cảm văn chương của nhà thơ Lê Bá Duy với bạn đọc gần xa và mong được sự đồng cảm, sẻ chia nỗi niềm văn chương cùng tác giả.

Vỹ Dạ, đêm 4 – 10 – 2012
Hồ Thế Hà


              
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét