Trần Thị Thanh
Sinh năm 1986
Quê quán: Nghệ An
Học viên cao học ngành Văn học Việt Nam, Đại học Đà Lạt
Nó bảo cả đời nó chưa hề biết đến vòng ôm của cha. Nó chỉ nhớ đòn roi của ông. Nó nhớ hình ảnh ông ngà say, trừng mắt sai nó đi mua rượu. Nó nói, nó thèm một vòng ôm. Tôi nói, chưa từng biết đến vòng tay thì lấy gì mà nhớ. Nó nói, cũng có một lần, có cha nó ôm nó, như là lần cuối. Vào một buổi sáng sớm mùa đông khi ông ngủ dậy không thấy mẹ nó nữa, ông tìm và gọi tên mẹ nó, rồi ôm nó khóc thin thít: “Mẹ nó ơi! Sao nỡ bỏ tôi đi. Tôi thiết sống làm chi nữa”.
Nó là con riêng của ông. Từ khi mẹ ghẻ bỏ đi, ông cho nó là cái gai trong mắt bà nên bà mới ra đi không mang theo một chiếc áo lót. Cha nó cần bà như nó cần cha vậy, nhưng đảo lộn. Tất cả đảo lộn từ khi mẹ ghẻ nó ra đi. Ông thì cần người đàn bà ấy; nó thì cần tình cha mà cha nó càng ngày càng lạ lẫm với nó. Hàng ngày mà có đối thoại cũng vài câu cụt ngủn. Người ngoài mà nghe cứ ngỡ là người dưng nước lã chứ chả phải tình máu mủ gì. Đại loại như:
- Sao trưa cha không về.
- Kệ tao.
- Cha lại đi tìm bả hả, bà ta đâu cần cha đâu. Bả bỏ đi theo trai đó. Mấy bà bán hàng đầu phố kháo nhau vậy.
- Tại mày cả. Đồ vô dụng.
- Ai kiếm cơm cho cha ăn. Con mà vô dụng như cha nói thì cái nhà này thành bãi rác rồi.
- Đồ rác thối.
Nó bỏ đi như mỗi lần cãi vã nó lại lặng lẽ bỏ đi như thế rồi về khi cả cha và nó đã nguôi cơn giận. Nhưng họ chả nói năng gì với nhau, càng ngày tình trạng ấy càng chia cắt hai cha con ông. Cãi vã bao giờ cũng không cần lý do, tự đến lúc nào ta khó kiểm soát, mà làm lành thì khó. Ông cầm chai rượu uống tu tu. Vài giọt cuối rơi vãi chảy nhể cả cổ áo khi ông cố dốc giọt cuối cùng vào miệng. Hết rượu, ông khoác áo đi. Chiếc áo bộ đội vá bên vai vài chỗ. Ông đi uống rượu chịu ngoài ngõ bà Tư.
Thực ra, nó cũng hối hận về cuộc cãi lộn với mẹ ghẻ. Dù sao thì bà cũng gọi mẹ, xưng con với nó ngọt xớt, dù chẳng bao giờ bà ôm nó, hỏi han nó như mẹ con nhà thằng Tồ nhà bên. Nhưng nó cũng có phần đỡ tủi. Nó hay cãi lại bà vì lý do chính đáng. Bà hay chửi nó đồ lười, khi nó không mang tiền về nhà. Nó cũng biết thương cha, người cha tật nguyền đáng thương. Chỉ có bà là chỗ dựa của ông, nhưng bà lại thường đi vắng qua đêm không lý do chính đáng, mà nó biết là bà đi đâu, ở đâu. Có lần nó đi soi ếch đêm dông, nó nghe trong lều vịt của lão Phiệt giọng bà ri rỉ. Nó nói với cha, ông chỉ nói: “Miễn là bả không bỏ hẳn tao mà đi thì được rồi”. Người cha đáng tội nghiệp. Người đàn ông nhu nhược. Nó nghĩ. Nó làm tới chỉ mong người đàn bà nó đang gọi mẹ kia đổi tính đổi nết, nó chỉ mong bà ăn ở có tình có nghĩa, có trước có sau với cha nó. Dù sao thì chính vì thương ông mà bà về làm vợ người đàn ông tật nguyền ấy. Nhưng tất cả chỉ làm cho lòng tự trọng của người đàn bà ấy bị tổn thương:
- Cả tuổi xuân của tao vì cha con nhà mày. Tao được gì chứ.
- Bà làm vợ, làm mẹ thì cho có nết có na chút. Cha tôi ngồi chỗ vì cái chân thương binh không được công nhận. Vì chiến trường ông sợ cái chết thảm tan thây như bạn ông nên tự nổ súng vào chân chứ đâu có phản động gì. Ông chỉ bị què chân chứ trái tim ông ấy tỉnh táo, đầu óc càng tỉnh táo hơn. Ông chỉ có bà, coi bà là lẽ sống, là chỗ dựa sao bà nỡ….
- Câm. Đồ mất nết. Đồ… con hoang.
- Tôi có cha có mẹ cớ gì nói tôi con hoang. Có bà mới là con hoang á. Bà có chồng, chồng bà đang sống sờ sờ đó mà bà xem như đã chết. Nhìn lại cái mặt mình đi, mất khả năng chất vấn lương tâm rồi à. Thế thì đi ăn cơm chó đi.
- Mày… Bà nghẹn ngào.
Nó đã định nín câm cho người đàn bà nó đang gọi là mẹ, và đang đường đường chính chính là vợ của cha nó kia. Nó nghĩ đến người cha mà muốn nhường nhưng nó sợ bà ta được lướt lại trèo lên cổ cha nó. Nó sợ khi con mèo đánh được mùi mỡ thì quen đường, không dễ gì từ bỏ miếng mỡ béo bở. Nó chỉ muốn cảnh cáo, làm cho bả cải tà quy chính. Nó muốn được thứ tha. Nó cũng hiểu tâm lý người đàn bà hồi xuân khi người chồng chỉ còn ngồi một chỗ. Nhưng nó đã quá giận giữ. Giận giữ muôn đời mất khôn. Nó đã quá lời làm bà ta bỏ đi mất. Nó lặng nhìn cha nó hết ngó ra ngó vào phía đầu ngõ, lúc hoàng hôn. Nó đọc được suy nghĩ của cha nó, rằng khi người đàn bà bỏ nhà, bỏ chồng đi vì bị vạch tội theo trai có về cũng chỉ dám về vào ban đêm, khi người làng không nhìn thấy. Cha nó như chờ, như đợi bà vợ - chỗ dựa, tình yêu duy nhất, lớn nhất cưu mang ông năm tháng qua. Nhưng đợi mãi, đợi hoài. Hoàng hôn tím sẫm rồi đỏ au và màn đêm đen ngịt choán ngợm. Bầu trời sao mịt mùng, không mảy may tia hy vọng. Thậm chí không có tiếng chó sủa nào. Ông vẫn đợi.
Từ ngày mẹ ghẻ bỏ đi vì cãi lộn với nó. Cha nó không thèm miếng dồi lợn, thèm canh rau đay nấu cua nữa, cha nó chỉ uống và say. Ông chỉ có người bạn duy nhất là rượu – giống như những kẻ bị tình phụ khác. Ông cảm thấy mất niềm tin, không chỗ bám víu. Thực ra, cho đến lúc này ông vẫn chỉ là người đàn ông đáng thương. Vì bà đâu dành cho ông tình yêu lẫn niềm tin trong suốt năm tháng làm vợ ông. Bà chỉ là người đàn bà lỡ làng, không chỗ bám víu, bám vào ông với cái danh thương binh nhằm hưởng chút lợi lộc. Người đàn bà đã đến chả vì tình yêu thì cũng ra đi tay không cũng dễ hiểu. Nhưng ông tin, ông chờ bà về, ông vẫn nghĩ rằng chỉ có bà là yêu thương ông nhất trên cuộc đời này. Thực tế, nó nghĩ cái mà bà có với ông có chăng là chút tình thương mong manh ẩn sâu dưới lòng thương hại.
Cho đến khi ông bị truất sổ lương thương binh vì bị phát hiện ra cái thương binh giả kia thì bà khinh ông ra mặt. Bà còn không chịu ngủ chung với ông, nhưng vì chưa có chỗ nào dựa thân nên đành bám víu vào ông. Nó biết được lòng dạ người đàn bà đó. Nhưng nó vẫn mang ơn bà, vì mỗi lần bà đi vắng nó thấy cha nó ăn không ăn đúng bữa, ngủ chập chờn, tóc muối tiêu sau những đêm chìm trong suy nghĩ và rượu trắng xóa. Nó biết người đàn ông yếu đuối như cha mình thì làm sao mà sống thiếu một người đàn bà được. Nó càng thương cha nó. Càng thương càng giận bà vợ bội bạc. Nó hận luôn cả giống đàn bà. Mẹ đẻ nó cũng từng bỏ nó đi mất hút khi biết tin cha nó không trở về. Rồi mẹ ghẻ. Nó còn nghĩ đến giống bạc tình bạc nghĩa đó mà chi. Nó khinh luôn mấy đứa con gái trong làng. Chỉ nghĩ đến một người con gái bám vào đời mình nó lại phủi ngay ý nghĩ đó. Ra đường, thấy con gái, nó cụp chiếc nón cời che khuất khuôn mặt dài lặng qua. Ai có chào hỏi nó, nó cũng ậm à ậm ừ cho xong.
Nó chưa hề nghĩ sẽ ở chung với người con gái nào. Nó chưa từng nghĩ rằng nó sẽ lấy vợ, sinh con dù cho nó đã gần tròn hai mươi tuổi. Cái tuổi mà ở miền núi như nó, đứa cùng trang lứa hầu hết đã có đứa bồng đứa bế, đứa trong bụng. Và nó cũng hận luôn hai người đàn bà là Mẹ nó, cả mẹ đẻ và mẹ ghẻ. Mẹ đẻ biến nó thành đứa mồ côi, còn mẹ ghẻ thì làm cho cha nó sống vật vờ như một bóng ma. Nó cũng chưa từng nghĩ sẽ chấp nhận người đàn bà nào lấy danh vợ cha nó mà trở về đứng trước di ảnh cha nó mà than thở, khóc lóc. Cái giống ra đi khi đói khổ, thiếu thốn. Cả cái giống ra đi vì bị bắt quả tang ăn vụng là cái giống không đáng được gọi là con đĩ chứ đừng nói Mẹ. Thậm chí cả Mẹ Ghẻ nó cũng khước từ.
Vậy mà một đêm mưa, vừa mưa vừa gió nó đầu trần chạy đi kiếm bà cho ông. Nhìn bố nó lay lắt thức, ngủ, mộng mị đều gọi tên bà trìu mến: “Mẹ nó ơi!” nó không nỡ lòng nào để ông đau đớn. Nó không đành lòng nhìn cha nó đau đớn, chết dần chết mòn vì một người đàn bà dù là người đàn bà phụ bạc. Bạc như vôi. Nó đi tìm mẹ ghẻ, trong đầu nó nghĩ, gặp lại bà, nó có thể gọi bà là Mẹ. Nó sẽ cầu xin bà về với ông dù bà không về. Lòng hiếu thảo không cho phép nó ôm mối hận với bà. Dù sao, với cha nó thì bà mới là ánh sáng cuộc đời, là tia hy vọng. Nó không muốn lấy đi những hơi thở mong manh, yếu ớt cuối cùng của cha nó. Sự thù hận chỉ là sự ích kỉ và không hơn súc vật. Nó sẽ tha thứ cho người đàn bà phụ bạc.
Nó biết nơi bà ở nên việc tìm bà không khó. Nó biết khi một người đàn bà bỏ chồng bỏ nhà mà đi thì sẽ đi đến đâu. Nhưng, bà đã không về dù nó năn nỉ:
- Tôi với ông ấy không còn gì. Tôi đã có cuộc sống mới.
- Nhưng cha tôi cần bà.
- Tôi không muốn trở về với sự mòn mỏi.
- Bà ích kỉ lắm, hãy cho ông ấy được nhìn thấy ánh sáng của ông ấy, lần cuối cũng được.
- Khi ra đi là lúc tôi hứa sẽ không có ngày trở lại.
- Bà không về, cha tôi sẽ chết.
- Đó là định mệnh ông ấy đã chọn. Là cái giá bố cậu phải trả. Thực ra, mẹ cậu, mẹ đẻ của cậu không bỏ nhà đi, mà bố cậu đã phụ bạc bà ấy. Ông ta có tôi khi mẹ cậu mang thai. Rồi thì sao cậu biết rồi, sinh cậu xong, bà ấy rũ áo ra đi.
- Bà nói gì?. Mẹ tôi, người mẹ mà tôi luôn cho là bỏ rơi tôi lại chịu nhiều uất ức vậy sao?. Cha tôi, người tôi luôn nghĩ là người dàn ông đáng thương lại tệ bạc vậy ư?.
- Đúng. Cái giá mà ông ta phải trả cho sai lầm cuộc đời ông là vậy đó.
Nó chạy thộc về nhà. Nó muốn tự cha nó nói cho nó biết sự thật. Nhưng khi nó về cha nó đã đi vào một thế giới khác, cô đơn và lạnh lẽo. Ông chết trong cô đơn, lạnh lẽo và chắc chắn nhiều đau đớn, dằn vặt như vậy. Cái giá phải trả. Cha ơi! Nó vẫn gọi được tiếng cha, khóc được tiếng của máu mủ, đủ để ấm lòng ông nơi chín suối. Vài ba tiếng nói qua lại yếu ớt của những người chuẩn bị hậu sự cho ông làm cho buổi sáng như ngày tàn. Đám tang cha nó, nó thấy xuất hiện người đàn bà lạ mặt, đội cái nón cụp cúi mặt y như kiểu nó vẫn hay thả khi đi qua các cô gái làng. Chú ý, nó nhận ra cái nốt ruồi y như nốt ruồi trên má nó, dưới đuôi mắt. Trong lòng nó ngờ ngợ, nhưng nó không dám nhận điều gì khi chưa chắc. Chỉ có ông là có thể nói cho nó biết bà có phải là điều đang ngời ngợ trong lòng nó, nhưng ông không nói cho nó biết được nữa.
Sau đám tang, người đàn bà lạ mặt là người cuối cùng ở lại chia buồn với nó. Một tiếng Con Trai cất lên run run từ miệng meo méo của người đàn bà lạ mặt làm nó vùng gọi: Mẹ, mẹ!. Nó vồ ôm lấy mẹ nó như chia sớt những tủi nhục, khổ đau đời mẹ đã phải nín chịu. Cái còn lại trên cuộc đời là cái vốn có. Nó không như nước lã ngoài ruộng. Cái còn lại trong lòng nó lúc này là sự sống lại của người mẹ đã từng chết đứng trong lòng nó. Mẹ vòng tay ôm nó, cái vòng tay còn chặt hơn vòng ôm đầu tiên và cũng là cuối cùng của cha nó từ khi mẹ ghẻ bỏ nhà đi. Nó biết được một thứ tình gọi là tình mẹ. Nó mới ấm áp, ngọt ngào làm sao. Mẹ ghẻ nó chưa bao giờ ôm nó như thế. Nó riết chặt vòng ôm hơn. Năm đó, nó hai mươi tuổi. Hai mươi tuổi, nó biết một vòng tay đầy tình thương của tình mẫu tử. Nó mím môi cho dòng nước mắt chảy, nó cũng cảm nhận được cảm giác ươn ướt từ bờ vai nó, mẹ nó cũng đang ấm áp như nó vậy. Hai mẹ con ôm nhau không nỡ rời ra, nhìn nhau. Bà đặt hai hay lên hai vai con trai, đẩy nó ra nhìn. Hai bàn tay vẫn mềm mại của mẹ nó ôm lấy mặt nó, ngón tay trỏ miết nhẹ lên nốt ruồi phía mắt, dưới má nó làm cho giọt nước mắt tròn vỡ tung, chảy tung. Nó và gọi nhỏ: Mẹ, mẹ ơi. Mẹ nó lại ôm chầm lấy nó: “Tội nghiệp con tôi”.
Từ đó, nó không còn cúi mặt, cụp nón mỗi khi đi qua phía có gái làng. Nó chỉ không hiểu một điều, tại sao ông, là cha nó, trong lòng ông chỉ có người đàn bà phụ bạc kia mà không có mẹ nó. Nó hỏi mẹ, bà cũng lặng im. Cái lặng im lúc này sao mà không có một chút thông tin nào. Có lẽ, khi nào nó có hai người đàn bà, rồi phụ một người nó sẽ hiểu. Nhưng không, nó nghĩ trong lòng dòng máu cha nó đang chảy trong người nó không phải là dòng máu như cha nó đã có. Nó sẽ chỉ yêu một người và sống với người nó yêu. Tình yêu phải là duy nhất. Tình yêu sẻ chia sẽ phải trả giá. Nó không muốn sống như cha nó đã sống.
Sau ba ngày tang cha nó, mẹ nó lại đi, nó chỉ còn lại côi cút. Mẹ nó để lại một mảnh giấy địa chỉ và vài dòng ngắn ngủi: “Mẹ biết cần có thời gian để con chấp nhận sự thật này. Con có thể đến với mẹ bất cứ lúc nào. Hai em của con, cha dượng cũng như mẹ, mong đón con. Tin con sẽ đến sớm. Mẹ của con”.
Trần Thị Thanh (Đồng Nai)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét