HQN: Từ tháng 10-2013, vào mỗi cuối tuần, Hương Quê Nhà có trang “Dọc Đường” để tải những ghi nhận của người viết, cũng như người đọc về những cảm xúc sáng tác, thưởng ngoạn; hoặc những gặp gỡ, đối thoại về văn chương.
Nhà thơ Võ Chân Cửu, tác giả “22 Tản Mạn”- tập sách đầu tiên viết về Văn học Miền Nam trước 1975 - tình nguyện mở đầu với một tản mạn mới về một tập thơ vừa được NXB Hội Nhà Văn phát hành: “Thơ Tình” Nguyễn Miên Thảo.
Nhà thơ Võ Chân Cửu qua ký hoạ trên ĐTDĐ của Trần Đạt
Nguyễn Miên Thảo tên thật là Nguyễn Văn Tụng, sinh năm 1946. Anh nổi tiếng làm thơ và có sách tự in khá sớm, từ khi còn học trường Quốc Học Huế. Anh lưu lạc khá sớm, vào Sài Gòn sống từ năm 1966. Liền sau đó, Tạp chí Văn đã đăng thơ anh, ngầm công nhận đây là một “cây bút trẻ”.
Chàng và Nàng
Chàng đứng dang hai tay
nối hai chân trời tím
hai chân trời của chàng và nàng
chàng ngỡ chàng là cây thánh giá
bỗng quỳ xuống xin lời cứu rỗi
yêu anh yêu anh
chàng lập lại không một chút đắn đo
yêu em yêu em
và hai người chìm vào một cơn bão mật
Bài thơ này của Nguyễn Miên Thảo nay cũng được in lại trong tập sách mới. Có thể coi đây cũng là tập thơ “đầu tay” của anh. Bởi lẽ, tập thơ đầu tiên trước đó ở Huế (Hãy Thức Dậy Cùng Ta Thầm Lặng Đêm Nay-1966) được tác giả tự in bằng quay Ronéo, phát hành chuyền tay. Mãi đến năm 2007, anh mới đứng tên cùng Từ Hoài Tấn, Lê Ngọc Thuận, Viêm Tịnh, in chung tập thơ Những Dòng Sông Đêm (NXB Thuận Hóa). Tập thơ Thơ Tình với 107 bài thơ này nên xem như một Tuyển tập của Nguyễn Miên Thảo (không gọi là “Tổng tập”, vì anh đang còn hăng say làm thơ, mặc dù sức khỏe không tốt lắm sau mấy năm chịu cuộc mổ tim!).
Từ giữa năm 2013, Tủ sách Văn Tuyển (liên kết với NXB Hội Nhà Văn) đã rao sẽ ấn hành tập thơ Nguyễn Miên Thảo mang tựa đề Quy Y Em. Nhưng ngày phát hành đầu tiên (vào 30-9-nhân buổi tưởng nhớ 10 năm ngày mất thi sĩ Kim Tuấn), tập sách in mang tựa đề mới. Cầm tập “Thơ Tình” với chữ ký tặng trên tay, tôi hỏi người chủ trường Tủ sách Văn Tuyển: Sao phải đổi tên? Nhà thơ Nguyễn Liên Châu chỉ cười và không trả lời!
Tôi vẫn thích tựa đề ban đầu. Thôi xem đây là “Quy y tình yêu” vậy. Trong đạo Phật, ai muốn thành Phật tử, phải được chấp thuận qua lễ “quy y”. Nguyễn Miên Thảo xem “Em”- như là biểu tượng của tình yêu, thật vậy chăng?
Quy Y Em
Em cười
xóa cả vô minh
Anh trong kinh kệ
giật mình bước ra
Mõ chuông
gửi lại trăng tà
Anh xin phiêu hốt
bên tà áo em
(2007)
Ở bài thơ trang bên cạnh, anh đã “giải thích”, lý do “quy y” của mình:
Phật Nói Yêu là Pháp Tu hành
Trong mơ Phật nói rõ ràng
Anh yêu em đã nghìn năm trước rồi
Phật rằng, chỉ có anh thôi
Dám đem Phật Thánh tỏ lời tình nhân
Yêu mà sâu nặng như anh
Thì thôi chẳng phải tu hành làm chi
Phật buồn thoát khỏi bến mê
Anh vui vì được đi về có em
Nguyễn Miên Thảo dám đem cả Phật ra giỡn, xem tình yêu như chuyện tu hành. “Anh vui vì được đi về có em”. Lời tỏ tình chân thật như người đã đắc đạo! Nhưng không phải chỉ lấy Phật ra ví von, Nguyễn Miên Thảo cũng xem “Em” như là Đức Chúa Giê-su nữa:
…
Và từ đó anh thành con chiên ngoan đạo
Chúa là em, em là Chúa khác gì
Đêm thánh vô cùng hoán thành giông bão
Chiếc hang đời giam lỏng cuộc tình si
…
(Giáng Sinh Của Riêng Anh-trang 51)
Nguyễn Miên Thảo xem tình yêu như là tôn giáo, người yêu là vật thể mình thờ phượng. Điều đó trong thơ không mới. Nhiều thi sĩ còn điên cuồng, si dại hơn trong diễn tả tình yêu. Các khác của Nguyễn Miên Thảo là người ta thấy anh nói về tình yêu như một cách “giỡn” cho đỡ buồn. Nhưng cái giỡn (có khi là nỗi đau) bằng giọng thơ tự nhiên (như nói) đôi lúc lại tạo nên sự bất ngờ, thành một bài thơ hay:
Ai Dè
Thấy em xỏa tóc
ngả nghiêng bên trời
Anh cầm
Một sợi lên chơi
Ai dè
suốt cả một đời
lao đao
Nhà phê bình Cao Huy Khanh, trong lời tựa tập thơ, đã viết: “Chính cái phong cách “cà rỡn” nửa đùa nửa thật giỡn chơi với cuộc đời, giỡn chơi với tình yêu, thậm chí giỡn chơi với cả tử thẩn nữa làm nên cái chất Nguyễn Miên Thảo. Làm nên nhữn g bài thô có vần tự nhiên nhi nhiên kiểu “xuất khẩu thành thơ” phóng khoáng, rất có duyên hơn là thể loại thơ tự do thời gian đầu trong phong trào thanh niên sinh viên đô thị chống Mỹ về chủ đề chiến tranh nặng suy tư thường dài và loãng. Ngược lại, đặc biệt là những bài thơ ngắn vài câu đầy cảm tính đáng kể là xuất thần…”
Nguyễn Miên Thảo là ai? Đời nhà thơ có gì đáng nói ? Hãy nghe chính tác giả:
Tự Bạch
Năm anh ba mươi tuổi
Ngỡ mình đi đúng đường
Giờ sắp tuổi lai hy
Mới biết mình lạc lối
Mười hai năm làm quan
Long luôn sao bức bối
Mười tám năm làm dân
Mới biết mình có tội
Mười tám năm làm thinh
Mười tám năm không nói
Em tặng một ngày xuân
Cuộc đời anh phơi phới
Chỉ cần nụ cười em
Cuộc đời anh đã khác
Chỉ cần được yêu em
Anh không còn đi lạc.
Tôi là một trong những người bạn khá thân của anh trong những ngày ở Sài Gòn. Hồi mới bỏ Huế vào, anh luôn mơ một hình thức sáng tạo mới, nên đã từng viết những câu như “Cái của em cũng hồng như cái của mẹ/Thuở sinh ra ta đã thấy một lần…” Bài thơ này hình như sau đó (khoảng 1967) chỉ in được trên tờ Mặt Đất, Tạp chí bất định kỳ do Nguyễn Đức Sơn chủ trương. Anh trở thành một trong những người gần gũi nhất với nhà thơ có cuộc sống lập dị này. Chính Nguyễn Miên Thảo nằm trong “họ nhà trai” trong ngày cưới vợ cho Nguyễn Đức Sơn. Thời cuộc đổi thay, Nguyễn Miên Thảo trở thành ký giả cho một số tờ nhật báo hàng đầu ở Sài Gòn. Và anh bí mật tham gia hàng ngũ kháng chiến. Đến khi sắp bị “lộ”, tôi và Nguyễn Lương Vỵ là người tiễn anh xuống Bến Tre để ra chiến khu. Ngày 1-5-1975, anh trong bộ bà ba đen về tìm chúng tôi trước tiên. Khi được hỏi “trong đó” có làm thơ không, anh lắc đầu. Mười hai năm sau, Nguyễn Miên Thảo bỏ tất cả, về lại Sài Gòn làm dân. Dòng thơ anh tuôn trào trở lại. Cuộc đời như một sự giỡn chơi, nhưng bây giờ anh dùng đạo tình yêu để giỡn. Giỡn mà thật, nên có người tin, vì Thảo tin “Tình yêu rất đỗi nhiệm màu”-trang 111.
Vậy, giữa hàng hàng sa số các tập thơ được in ra hôm nay, đây là một tập đáng đọc.
Võ Chân Cửu (Lâm Đồng)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét