GÓC QUÊ ÊM ĐỀM – Truyện ngắn Phạm Hữu Hoàng



Ông Hạn rất thích chơi cây cảnh. Thú chơi này đã thấm vào máu ông. Bởi vậy, từ lúc về hưu, ông luôn quẩn quanh bên những chậu cây cảnh trong vườn. Khi cùng bạn bè chén tạc chén thù, ai khơi đề tài này, ông rất hào hứng, nói không biết chán. Không ít lần ông nói như thể muốn chia sẻ niềm đam mê của mình mặc dù có lúc người nghe không có hứng thú muốn nghe. Vợ ông đã mất. Đứa con trai độc nhất là Lập Thành đang làm ở một công ty lớn trong Thành phố Hồ Chí Minh. Nó quyết chí lập nghiệp ở trong đó. Thỉnh thoảng, vợ chồng con cái đưa nhau về thăm ông vài hôm. Ông tự nhủ, Lập Thành đã trưởng thành, cứ để nó tự quyết định cuộc sống. Ông không buộc nó phải về ở với ông. Vợ nó mở cửa hàng bán đồ trang trí nội thất, thu nhập cũng khá. Lần về gần nhất, Lập Thành nói với ông:
        - Ba ở ngoài này, con không yên lòng. Tuổi già như ba cần có người chăm sóc. Khi tối lửa tắt đèn lỡ xảy ra chuyện gì, một mình ba thì biết làm sao? Con tính thế này, ba vào ở với vợ chồng con. Con sẽ lo cho ba đầy đủ.    
     Ông ầm ừ cho qua chuyện. Thằng con ông nó tính cũng phải. Tuổi già, ông không nương tựa vào nó thì trông chờ ai? Ngặt nỗi, từ bỏ mảnh đất này để ra đi là điều ông không đành lòng. Một đời ông đã sống ở đây. Ông là trưởng tộc, có trách nhiệm lo cúng giỗ, trông coi mồ mả ông bà. Cả phần mộ người vợ hiền thảo một đời gắn bó. Còn bao nhiêu thứ khác nữa như những sợi dây vô hình níu kéo và ông không thể nào dứt bỏ dễ dàng. Ông nhìn ra vườn. Những chậu cây cảnh ông đã dày công chăm sóc. Đủ các loại: sanh, mai, bồ đề… đủ mọi dáng thế. Ông ghép cây sanh vào đá san hô tạo thành non bộ rồi đặt vào hồ nước nhỏ. Ông thả vào hồ các loại cá cảnh: chép Nhật, Trân Châu, hồng kiếm… Những chú cá bơi nhởn nhơ dưới làn nước trong veo trông thật thích mắt. Một dạo, sốt giá cây sanh, thương lái vào vườn nhà ông. Với con mắt nhà nghề, họ quan sát, săm soi từng chậu, rồi dừng lại mấy chậu ông quý nhất. Có chậu ông cắc ca cắc củm làm đất trồng từ lúc còn cây con cả chục năm trước. Họ chộn rộn ra giá.
         - Bao nhiêu? Ông phát đi. Tụi này còn tính.
      Tiền thì cần thật đấy. Nhưng… sau một lúc đắn đo, ông đáp:
          - Để tôi coi lại đã, khi nào bán tôi sẽ gọi.
          - Nhanh nghe. Đây, số điện thoại. Tụi này chờ. Để chậm rớt giá, chừng ấy tha hồ tiếc.
      Lúc nhậu lai rai, biết chuyện, bạn ông có người khuyên nên bán đi vài chậu kiếm ít tiền dưỡng già. Ông uống cạn ly rượu, giọng khề khà:
         - Nghĩ cho cùng, cây cũng như người, càng gần gũi, càng gắn bó. Yêu cây không chỉ vì cây đẹp, mà nó như một tri kỉ. Bán đi là mất. Tiếc quá! Thôi, thà sống chật vật một chút, như từ trước tới giờ cũng có sao đâu.
     Có người  bảo ông hâm, gàn dở. Ông không trách. Chín người mười ý. Trước kia ông dạy tiểu học. Niềm vui của ông gắn với các em học sinh, với đồng nghiệp, trường lớp. Hồi ấy, đồng lương ít ỏi, ông phải cật lực làm thêm đủ việc để nuôi Lập Thành đến ngày tốt nghiệp đại học. Lập Thành  học hành chăm chỉ,  cần cù chịu khó, không phụ công khó nhọc của ông. Bây giờ, đã thư thả, ông tìm niềm vui ở một góc quê với công việc tưới cây, tỉa cành, trừ sâu… Đồng lương hưu đủ hai bữa cơm đạm bạc sống qua ngày.


    Buổi tối hôm đó, như thường lệ, cơm nước xong, ông lên võng nằm coi truyền hình. Hết chương trình thời sự địa phương, ông tắt máy đi ngủ sớm. Nằm chưa yên trên giường, bỗng nhiên ruột ông quặn đau, từng cơn nối tiếp. Ông cố gượng lại chỗ tủ thuốc gia đình, lấy mấy viên thuốc uống rồi lấy chai dầu gió xoa khắp vùng bụng. Cơn đau càng lúc càng tăng. Ông lăn lộn, quằn quại. Chưa bao giờ ông đau như thế này. Trời mỗi lúc một  khuya. Chừng không chịu nỗi nữa, ông rút cái điện thoại di động bấm số người em ruột tên Bàng ở gần đó. Tiếng đầu dây bên kia. Ông lắp bắp: “Chú qua… gấp. Anh đau… quá…”. Mặt mày xây xẩm… Chiếc điện thoại rơi xuống gối…
      Mở mắt ra, ông quan sát chung quanh. Lạ lẫm. Phòng cấp cứu bệnh viện. Giường ra trắng toát. Các cô điều dưỡng đẩy xe thuốc đến các giường bệnh. Một thiếu phụ ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ mé chân giường khẽ kêu lên:
        - Ba… ba tỉnh rồi. Con lo quá.
     Nhận ra con dâu giữa lố nhố bóng người, ông thều thào hỏi:
        - Con về hồi nào?
     Người con dâu kéo ghế lại gần ông hơn, nhỏ nhẹ:  
       - Chiều hôm qua ba ạ.
       - Con đi bằng gì?
       - Con đi máy bay. May mà có chuyến bay trong ngày.
       - Ba nằm viện bao lâu rồi?
       - Ba đã nằm hai ngày đêm.
       - Chồng con có về không?
        - Dạ, ảnh mắc việc công ty, sẽ thu xếp về sau.
        - Ba đỡ rồi. Con điện cho nó khỏi về cũng được. Để nó lo công việc. À! Bác sĩ bảo ba bệnh gì?
     Người con dâu cầm bệnh án treo ở đầu giường đưa cho ông xem. Ông đọc lướt qua: ngộ độc thức ăn, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ. Ông thở dài. Tuổi già,  khám ra thì đủ bệnh. Biết làm thế nào được. Tội cho con dâu, phải nghỉ việc buôn bán về lo cho ông. Khi sức khỏe ông đã khá hơn, tự lo liệu được, ông bảo  con dâu về được rồi. Về còn trông coi cửa hàng. Bỏ lâu không tiện. Trước khi đi, người con dâu nài nỉ:
        - Ba nghĩ coi. Trẻ cậy cha, già cậy con. Bệnh của ba phải điều trị dài ngày, sống một mình, ba sẽ xoay sở như thế nào?
     Thằng con ông lại gọi điện về thúc giục ông luôn. Trận đau bất ngờ vừa rồi và diễn biến bệnh tình làm cho ông không còn sự lựa chọn nào khác. Ông phải theo lời con. Nhưng trước khi đi, ông phải làm cho xong hai việc. Một là ông sẽ tháo dỡ gian nhà trên vốn đã ọp ẹp, xuống cấp để xây lại thành nhà từ đường khang trang tiện việc hương khói ông bà. Thế hệ sau có nơi nối tiếp công việc thờ tự. Hai là gửi nhà cửa, vườn tược cho người em trông nom để có chỗ ông quay về lúc lễ tết, giỗ chạp. Việc thứ hai ông dễ thu xếp ổn thỏa. Nhà chú Bàng chật chội, con đông, con trai lập gia đình vẫn ở chung với cha mẹ vì chưa có điều kiện ra riêng. Ông đề nghị chắc sẽ được chấp thuận. Nhưng muốn làm việc thứ nhất thì phải có tiền. Số tiền ông gom góp, dành dụm khi nay không đủ cho chi phí đó. Có lần, Lập Thành nói với ông, ba có khó khăn gì, cứ bảo con. Ông để ngoài tai vì đinh ninh cuộc sống mình cũng tạm đủ. Nhưng giờ ông phải nhờ nó giúp thực hiện ý nguyện của mình. Mà vấn đề tế nhị đó, ông không thể nói qua điện thoại được. Ông vào thành phố gặp trực tiếp nó thì hơn. Vừa thăm con cháu, vừa nhân tiện coi cái chỗ ông sẽ gắn bó với phần đời còn lại như thế nào. Trước kia, ông cũng đã mấy lần vào đấy, ngày vợ chồng Lập Thành về nhà mới. Rồi thôi nôi cháu nội… Những lần ấy, dù ở nhà con nhưng ông có cảm giác của một người khách trọ.
     Chiếc xe khách giường nằm ghé vào bến xe Miền Đông. Mới tám giờ sáng. Ông bước xuống xe nhìn ngơ ngác. Những người chạy xe ôm chèo kéo. Ông lắc đầu từ chối. Lập Thành đã báo trước cho người đến đón. Một chiếc ô tô bốn chỗ  chầm chậm chạy lại. Anh lái xe bước xuống đưa mắt quan sát. Anh ta tiến lại chỗ ông rồi e dè hỏi:
       - Bác là ba anh Lập Thành phải không?
     Ông gật đầu hỏi lại:
       - Chú là…
     Anh lái xe nhanh nhảu :
       - Cháu lái xe công ty. Anh Lập Thành bảo cháu ra đón bác.
     Với động tác thuần thục, anh ta mở cửa cho ông bước lên xe rồi vòng qua bên kia ngồi vào ghế lái.
      - Cháu chở bác về công ty, anh lái xe nói.
     Lập Thành đã cho biết sáng nay, công ty họp chuyện quan trọng. Vợ ra ki ốt bán hàng. Con đi học. Nhà không có ai. Họp xong, nó chở về. Tới cổng công ty, ông bảo anh lái xe dừng lại. Anh ta ngạc nhiên:
        - Để cháu đưa bác vào phòng khách công ty đợi, chặp nữa ảnh ra.
        - Chú cho tôi xuống đây cũng được. Cảm ơn chú. Gặp nó, chú nói giùm tôi chờ ngoài cổng vậy
     Ông ngại không muốn làm phiền người khác. Tính ông vẫn thế. Vai mang xách đồ, tay xách ít quà quê, ông lểnh thểnh bước vào một cái quán cóc trước cổng, phía bên kia đường. Ông chọn cái bàn trong góc. Quán tuy sơ sài nhưng có khá đông người. Bà chủ quán tuổi chừng gần năm mươi mau miệng mời ông ngồi xuống chiếc ghế nhựa cũ:
       - Ông anh dùng gì?
       - Một ly cà phê đen.
     Uống cà phê sáng là thói quen cố hữu của ông. Sau trận đau vừa rồi, bác sĩ khuyên ông không nên dùng những thứ có chất kích thích như thuốc lá, rượu, cà phê. Thuốc lá ông không hút. Rượu thì ông hạn chế. Còn cà phê thì không bỏ được. Ông có thể nhịn ăn sáng nhưng không nhịn uống cà phê. Ông lặng lẽ nhâm nhi từng ngụm cà phê. Chờ nó xong việc vậy. Đường phố xe chạy nườm nượp. Người đi lại tất bật.
        - Ông anh thăm con cháu hay có việc gì?
        - Thăm con. Nó làm ở công ty này.
     Bà ta bỏ dở câu chuyện quay sang tính tiền ở bàn khác. Lát sau, một anh thanh niên tuổi ngoài ba mươi từ trong công ty dắt xe máy đi ra, dáng đi thất thểu, gương mặt mệt mỏi. Anh ta vào quán, kéo ghế ngồi ở cái bàn bên cạnh, gọi một chai trà xanh. Cặp mắt thất thần thoáng nhìn ông rồi gục mặt xuống, hai tay ôm lấy đầu.  Bà chủ quán cầm cái khay để chai nước và ly đá tới đặt xuống bàn. Bà ta hỏi :
       - Sao, họ giải quyết thế nào?
     Anh ta lắc đầu, giọng chán nãn:
       - Không được gì hết cô ơi. Bọn họ cùng một bè với nhau. Họ ép cháu. Oan ức quá. Cháu thân cô, thế cô giờ biết kêu vào đâu.
     Anh ngồi một lát, uống hết ly nước, đứng dậy mở bóp:
       - Cháu trả tiền chai ước trà.
    Bà chủ quán xua tay:
        - Thôi, cháu không phải trả.
     Anh ta lí nhí cảm ơn, lầm lũi tới dắt chiếc xe máy đời cũ, đạp mấy lần mới nổ máy rồi phóng đi mất hút trong dòng người xuôi ngược. Bà chủ quán trông theo, mắt ái ngại. Quay sang ông, bà ta nói:
       - Thật là tội. Bây giờ  thất nghiệp, khổ thật chớ có phải chơi.
     Ông Hạn tò mò muốn biết chuyện xảy ra với người thanh niên bộ dạng tội nghiệp đó. Ông hỏi bà chủ quán:
        - Anh ta gặp phải chuyện gì vậy?
     Bà ta thở dài kể:
        - Cậu ấy là kế toán công ty. Chỉ tại tay trưởng phòng tổ chức muốn cho cậu ấy nghỉ việc để nhận con gái của đại gia X. vừa tốt nghiệp ra trường thế chỗ. Cậu ấy bị gán cho những lỗi lầm nào đó. Thời buổi bây giờ kẻ có quyền, có tiền thì muốn gì chẳng được. Cậu ấy làm đơn khiếu nại nhưng ông anh thấy đấy, chẳng ăn thua gì. Vợ cậu ấy là công nhân, bị tai nạn lao động phải nằm một chỗ, hai đứa con nhỏ, nhà ở thuê. Cả mấy con người lấy gì mà sống đây?
      Không kìm được, ông buột miệng thốt lên:
        - Trên đời lại có kẻ ăn ở bất nhân thất đức đến như vậy, không sợ quả báo về sau à?
     Bà chủ quán bĩu môi xùy một tiếng :
       - Quả báo đâu không thấy, bây giờ cứ phây phây ra kìa.
      Một cảm giác lo sợ len vào người. Lâu nay ông cũng không hỏi Lập Thành giữ chức vụ gì trong công ty này. Liệu có liên quan gì đến nó không? Mình lại lo xa rồi. Công ty có bao nhiêu phòng ban, bao nhiêu người kia mà… Ông cố giữ giọng bình tĩnh:
       - Bà có biết tay trưởng phòng tổ chức ấy tên gì không?
     Cặp mắt bà ta tròn lên nhìn ông soi mói:
       - Ông hỏi nhiều rồi đấy. Muốn biết cụ thể thì cứ đi mà tìm hiểu.       
       -  Sao bà biết chuyện anh ta rõ ràng vậy?       
       - Cậu ấy là bạn của thằng con tôi. Nó cũng làm trong công ty này nhưng ở bộ phận sản xuất. Tụi nó chơi thân lắm, thường ra quán uống cà phê, tâm sự. Kể cả lời bàn tán của những nhân viên khác trong công ty. Tôi nghe được. Quán của tôi là “thông tấn xã”  vỉa hè mà.
     Ông Hạn chép miệng đứng dậy tính tiền rồi đi qua đường, đứng dưới bóng mát cây dông trên vỉa hè. Những gì vừa nghe thấy làm ông bực bội. Vẫn là chuyện muôn thưở: oan trái, bất công… Mà nó lại xảy ra ở đâu đâu thì cũng đành một lẽ. Đằng này ngay tại công ty con trai ông. Tâm trạng bức bối theo ông khi ngồi trên chiếc xe ga Lập Thành chở về nhà,  và cả lúc bé Na, đứa cháu nội ông rất thương yêu vui mừng chạy tới đu lên ôm lấy cổ ông: “Nội…! Nội…”. Ngay buổi trưa, không dằn được, ông hỏi riêng Lập Thành về việc đó,  người con trai sầm mặt, gạt phắt đi:
        - Ba bận tâm đến việc thiên hạ làm chi! Thời bây giờ, chuyện như thế có gì lạ. Nhan nhản ra đấy thôi. Ba nghỉ cho khỏe. Có gì, ba con mình sẽ nói sau.
     Lập Thành sắp xếp ông ở trong căn phòng trên tầng hai đầy đủ tiện nghi, cửa sổ phòng trông ra khoảng sân trước. Góc sân bên kia được bài trí một bộ bàn ghế đá xinh xắn. Sáng sớm, ông tập thể dục, rồi lại ngồi trên chiếc ghế đá đó uống trà. Ông để ý thấy Lập Thành thật lạ. Gương mặt thường đăm chiêu, tư lự. Thời gian cha con gặp nhau cũng ít. Lập Thành đi suốt.  Có khi chín mười giờ đêm mới về. Ông hỏi, Lập Thành giải thích:
        - Công việc đòi hỏi phải vậy. Ngoài giờ làm việc, còn tiệc tùng, giao lưu, bận rộn đủ thứ.
      Ở đến ngày thứ ba, sau bữa cơm chiều, ông và Lập Thành vào phòng khách. Lập Thành lại nhắc đến chuyện muốn ông vào ở. Tính nó vẫn hiếu thuận với ông như ngày nào. Điều này làm cho ông thấy phần nào dễ chịu. Trong cuộc trò chuyện, ông nói mục đích chuyến vào thành phố lần này:
        - Vợ chồng con có thể giúp thêm cho ba thêm một khoản tiền để làm nhà từ đường. Có như vậy ba mới yên lòng mà đi.
        - Chừng bao nhiêu hở ba?
        - Cỡ vài chục triệu.
       - Không có gì lớn đâu- Lập Thành nhỏ nhẹ, để vợ chồng con trao đổi rồi con nói với ba sau. Của chồng công vợ. Cô ấy cũng sẽ đồng ý thôi. Chừng nào ba về ngoài đó?
       - Sáng mai, ba đi chuyến tàu lúc bảy giờ rưỡi.
    Vì là ngày hè, trời nóng bức. Ông trở mình trên giường. Lại khó ngủ. Tuổi già, giấc ngủ đến với ông thật khó khăn. Ông lại đắm mình trong dòng suy nghĩ miên man. Lời bà chủ quán kể và đôi mắt thất thần của người thanh niên tội nghiệp hôm nọ không tài nào dứt khỏi tâm trí ông trong mấy ngày ở thành phố… Ông chép miệng ngồi dậy, bước xuống giường, đi nhẹ ra cửa. Ông đi tới chỗ chiếc ghế đá ngồi hóng mát. Bỗng ông khựng người. Từ đó phát ra tiếng người trò chuyện rất khẽ. Nhưng trong đêm vắng, ông vẫn nghe rõ mồn một. Tiếng của người con dâu:
        - Anh định giải quyết thế nào chuyện đó.
    Ông nép mình sau chậu cây tùng. Tiếng Lập thành trả lời:
        - Bì thư mà anh mới nhận để lo việc con gái tay đại gia X đó theo thỏa thuận là hai mươi lăm triệu. Thôi, cứ coi như là không có. Mình chuyển hết cho ba để thực hiện tâm nguyện của ổng.
       - Tùy anh. Miễn ba vui là được rồi.
     Ông điếng người. Trời ơi! Chính thằng con ông làm cái việc xấu xa ấy sao? Cái thằng Lập Thành mà ông tin tưởng, hi vọng đây sao? Chân ông rũ ra, tựa hồ muốn qụy xuống. Người ông bần thần như vừa trải qua một giấc ngủ nặng nề... Ông cố gượng quay về phòng. Lời Lập Thành còn vẳng theo:
       - Đây cũng là mình đền đáp phần nào công ơn của ba đối với anh. Cả đời ổng đã khổ vì anh rồi.
     Sau một đêm thức trắng, khi trời còn chưa sáng rõ, ông Hạn uể oải ngồi dậy tới phòng vệ sinh làm vệ sinh buổi sáng. Nước mát lạnh làm ông tỉnh táo. Ông lấy khăn lau mặt. Xong đâu đấy, ông lặng lẽ thu dọn đồ đạc bỏ vào trong xách rồi khẽ mở cửa đi ra cổng. Ra đến đường, ông vẫy tay đón xe ôm chở tới ga… Tàu chuyển bánh… Ông ngã người vào thành ghế. Chuông điện thoại reo. Ông bấm máy nghe. Tiếng Lập Thành:
         - Ba đang ở đâu vậy?
         - Trên tàu.
         - Có chuyện gì vậy ba? Vợ chồng con đã làm gì có lỗi với ba sao? Con...
     Không chờ Lập Thành nói hết, ông cáu gắt cắt ngang:
         - Chuyện gì thì vợ chồng con tự biết, nhưng có một điều ba cần phải nói, sống chết gì ba cũng ở quê, không gì thay đổi ý ba được đâu.

     
  Dường như đã quá sức chịu đựng, ông mỏi mệt nhắm mắt lại. Tàu vẫn chạy đều đều. Tiếng hành khách trong toa trò chuyện rầm rì… Bỗng ông thấy hiện ra những hình ảnh qúa đỗi quen thuộc, những chậu cây cảnh các loại: sanh, mai, bồ đề… đủ mọi dáng thế, những con cá cảnh: chép Nhật, Trân Châu, hồng kiếm… bơi lội nhởn nhơ trong hồ dưới chân hòn non bộ. Một góc quê êm đềm với những người bạn già tối tối thường qua nhà ông vui chén rượu, chén trà nói chuyện bao đồng nhưng ấm áp tình quê.

Phạm Hữu Hoàng (Bình Định)
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

1 nhận xét:

  1. Anh Hoàng ơi! anh viết truyện ngắn này sao mà giống những suy nghĩ của tôi thế anh, Câu chuyện quá nhân văn, thiết thực như hai cộng hai là bốn anh ạ. Chúc anh khỏe và có nhiều chuyện hay hơn nhé.

    Trả lờiXóa