I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA
- Họp mặt mừng xuân Giáp Ngọ
- Nhằm tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đoàn kết, gắn bó và giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
- Giới thiệu và tôn vinh những người con Bình Định có ý chí, có khát vọng vươn lên, có những đóng góp thiết thực cho tỉnh nhà.
- Giao lưu văn hóa, ẩm thực Bình Định
II. CHỦ ĐỀ
“ TỰ HÀO BÌNH ĐỊNH”
III. THÀNH PHẦN THAM DỰ:
- Lãnh đạo Tỉnh.
- Ban liên lạc hội đồng hương Bình Định.
- Các doanh nhân, nhân sĩ trí thức, Người Bình Định.
- Nhà tài trợ.
- Bà con đồng hương Bình Định đang sinh sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh
IV. SỐ LƯỢNG, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC
1. Số lượng dự kiến: khoảng 1000 người
2. Thời gian tổ chức: từ 7h30 giờ đến 15 giờ, ngày 16/02/2014 (17/1 Giáp Ngọ).
3. Địa điểm: Khu du lịch Văn Thánh – 48/10 Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh, TP. HCM
V. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
5.1. Ý tưởng:
Ngoài chương trình họp mặt : báo cáo kết quả hoạt động năm qua và những kế hoạch cho năm tới như thường lệ. Chương trình Ngày Hội Người Bình Định tại TP.HCM với chủ đề “ Tự hào Bình Định” năm nay sẽ giới thiệu đến đông đảo Bà con Bình Định đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM về một góc thu nhỏ hình ảnh quê hương qua các hoạt động như: ẩm thực Bình Định, các trò chơi dân gian , giao lưu văn nghệ giữa Đồng Hương các huyện….. nhằm giúp cho những thế hệ con cháu Bình Định hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa quê hương và có những đóng góp để phát triển quê nhà ngày càng vững mạnh trong tương lai.
+ Nội dung 1: chương trình họp mặt thường niên
+ Nội dung 2: Khu ẩm thực : Bán đặc sản từng huyện của BĐ. Nhằm giới thiệu các đặc sản Bình Định và tạo cơ hội cho những người con BĐ đang sống và làm việc tại TP.HCM không có dịp về quê ăn tết được thưởng thức những đặc sản chỉ có ở Bình Định
+ Nội dung 3: Khu giới thiệu hàng hóa, sản phẩm của một số doanh nghiệp người Bình Định. Quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp: Tạo cơ hội để các doanh nghiệp BĐ ở TP.HCM và ở tỉnh có cơ hội giao lưu kinh tế thương mại, cơ hội tốt để trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư, mở rộng hợp tác phát triển.
+ Nội dung 4: Khu sách báo VH phẩm, vui chơi giải trí: ( văn nghệ, các trò chơi dân gian BĐ, võ thuật…). Tổ chức giao lưu văn nghệ các ĐHBĐ, tái hiện lại các trò chơi dân gian BĐ như: hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định, trò chơi đập niêu, leo cầu lấy thưởng… giúp cho các thế hệ con cháu dù không sinh ra BĐ nhưng cũng hiểu văn hóa của người Bình Định.
( Chi tiết xem thêm phụ lục đính kèm)
5.2. Bố cục:
5.2.1. Phần 1: Giao lưu văn hóa, ẩm thực Bình Định, các hoạt động vui chơi giải trí, triển lãm hàng hóa, sản phẩm của các doanh nghiệp Bình Định.
5.2.2. Phần 2: Chương trình họp mặt mừng xuân giáp Ngọ 2014: “Báo cáo những kết quả của ĐHBĐ đạt được trong năm 2013 và những triển khai những kế hoạch trong năm 2014”
5.2.3. Phần 3: Giao lưu văn nghệ do các đơn vị tham gia thể hiện và do các nghệ sĩ Bình Định tại TP.HCM biểu diễn
5.3. CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT
Từ 7h30-9h30 :
- Đón khách
- Diễn ra các trò chơi dân gian BĐ (hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định, trò chơi đập niêu, leo cầu lấy thưởng…)
- Khu ẩm thực: Tái hiện lại hình ảnh chợ quê, tổ chức như một ngày hội chợ xuân Bình Định thu nhỏ, gợi lên không khí chợ quê.
- Triển lãm, tham quan các sản phẩm, Văn Hóa phẩm của các doanh nghiệp Bình Định tại TP.HCM và Tỉnh.
Từ 9h30 – 11h00: Chương trình họp mặt (tất cả quan khách tập trung hội trường chính)
* Từ 9h30-10h00
- Tiết mục khai mạc:…
- Tuyên bố lý do giới thiệu đại biểu
- Phát biểu chào mừng và chúc tết của Chủ tịch BLL ĐHBĐ
- Phim về hoạt động năm 2013 và tóm tắt chương trình công tác năm 2014 của ĐHBĐ tại TP.HCM.
* Từ 10h00-10h20:
- Phát biểu của đại diện lãnh đạo tỉnh
- Chiếu clip những thành tựu kinh tế XH của tỉnh năm 2013
- Biểu diễn văn nghệ của đoàn văn nghệ tỉnh
*Từ 10h20 – 11h00:
- Clip về hình ảnh đồng hương các Huyện, các hoạt động của bà con đồng hương.
- Khen thưởng cho các Đồng hương Huyện hoạt động tích cực 2013
- Tặng kỷ niệm chương, giấy chứng nhận giàu lòng nhân ái cho những tập thể và cá nhân có đóng góp cho hoạt động xã hội và phát triển tỉnh nhà.
- Tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân , đơn vị cùng đồng hành cùng hoạt động của ĐHBĐ tại TP.HCM
- Phát biểu của bà con Người BĐ, vừa trực tiếp, vừa ghi hình phát lại (khoảng 2-3 bài)
- Tặng hoa chúc mừng các y, bác sĩ nhân ngày thầy t huốc Việt Nam 27/02
- Phát biểu kết thúc phần 1
Từ 11h30 – 16h 30:
- Chương trình giao lưu văn nghệ “Tự hào Bình Định”: các tiết mục đoạt giải của các huyện, và do các nghệ sĩ người Bình Định tại TP.HCM biểu diễn.
- Dự tiệc nhẹ
- Vui chơi tại các gian hàng
VI. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
- Tháng 8/2013: lập kế hoạch
- Từ 03/09-15/09: Thông qua thường trực và gởi Ban liên lạc góp ý
- Từ 16/09-30/09: Sữa chữa bổ sung
- Tháng 10, tháng 11: Thông tin đến đồng hương các huyện, phối hợp tổ chức, thông tin về tỉnh để mời các đơn vị tham gia và mời gọi tài trợ
- Tháng 12/2013, tháng 01-02/2014: Các công tác chuẩn bị tổ chức
- 16/02/2014: Tổ chức Ngày hội Bình Định tại TPHCM
VII. KINH PHÍ
- Kinh phí chủ yếu từ sự đóng góp, tài trợ, hổ trợ của những doanh nhân thành đạt Người Bình Định tại TP.HCM.BTC chương trình rất mong nhận được sự đóng góp của Qúy doanh nhân cho ngày họp mặt với sự hiện diện của Lãnh đạo tỉnh nhà được thành công tốt đẹp. Với sự đóng góp của Qúy anh chị, chúng tôi sẽ dành những quyền lợi truyền thông tốt nhất cho thương hiệu của công ty cũng như sản phẩm được quảng bá thành công trong cộng đồng Người Bình Định. (Quyền lợi đính kèm trong kế hoạch này)
BAN LIÊN LẠC ĐỒNG HƯƠNG BÌNH ĐỊNH
PHỤ LỤC
1. KHU ẨM THỰC “HỒN QUÊ BÌNH ĐỊNH”
- Tái hiện lại một ngày chợ xuân Bình Định thu nhỏ , gợi lên không khí của chợ quê.
- Đối tượng tham dự: Đại diện Đồng Hương các huyện
- Nội dung: Bán đặc sản BĐ (bánh ít lá gai, nem chợ huyện, bánh tráng dừa, bánh tráng khoai, bún chả cá Quy Nhơn, bánh xèo Mỹ Cang, bún tôm Châu Trúc, bánh hỏi Diêu Trì, Bún Song Thằn, Cua Huỳnh Đế Tam Quan, Dé bò Tây Sơn, mực sữa rim, bánh hồng, bánh tráng cuốn, tré Bình Định…..)
- Hình thức:
+ Các món ăn được trình bày đẹp và ngon miệng
+ Cách trang trí gian hàng độc đáo toát lên hình ảnh mộc mạc thôn quê, mang hình ảnh cây nhà lá vườn (ví dụ: có thể bày trí món ăn trong các gánh hàng, mái của gian hàng có thể lợp bằng lá dừa,….)
+ Mỗi huyện có một gian hàng nhỏ bán đặc sản của Huyện mình, gian hàng vừa đủ rộng để cho thực khách có thể thưởng thức món ăn tại chỗ. Tùy theo ý tưởng của mỗi Huyện mà có thể bày trí chỗ ngồi cho khách ( có thể ngồi các bàn ghế nhỏ bằng tre , hoặc ngồi dưới bãi cõ…)
+ Mỗi Huyện đặt tên cho gian hàng sao cho vừa nghe tên thực khách đã ấn tượng để thu hút sự chú ý về gian hàng của mình.
- Quy định
+ Các món ăn được chuẩn bị trước phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
+ Bán đặc sản trên cơ sở giao lưu, giới thiệu ẩm thực BĐ giữa các Huyện là chính (không đặt mục tiêu lợi nhuận)
+ Các thành viên tham gia có mặt trước hoặc đúng thời gian quy định.
2. KHU VUI CHƠI GIẢI TRÍ: tổ chức các trò chơi dân gian BĐ
2.1. Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định
- Cách bố trí Hội đánh bài chòi gồm có 9 chòi theo hình chữ nhật, 2 dãy song song, đối diện nhau theo chiều dài, với mỗi dãy có 4 chòi (từ chòi số 1 đến số 8), chòi này cách chòi kia chừng 5m và chiều cao từ mặt đất lên sàn 1,2m và từ sàn ngồi lên mái lớp 1,3m và diện tích mỗi chòi gần 2,2m.
- Một đầu giữa 2 dãy chòi là chòi số 9 (hay còn gọi là chòi Trung ương, hoặc chòi cái) và đây là chòi cao, có diện tích rộng hơn các chòi con. Tất cả các chòi đều được trang trí đẹp và mỗi chòi còn trang bị một chiếc mõ tre già và chòi Trung ương được trang trí đẹp nhất và được đặt một trống cán (trống lệnh).
- Đối diện giữa chòi Trung ương và 2 dãy chòi con là bàn Hội đồng được đặt vị trí trang trọng và trên bàn được bày biện các vật dụng như ống thẻ, những con bài cái, bài con, cờ thưởng được cắm trên một khúc chuối cây và tiền thưởng đặt trong một hộp thau đồng còn có trà rượu cho các vị chức sắc và Ban tổ chức.
- Bên trái bàn Hội đồng là dàn nhạc cổ gồm trống chiến, mỏ, thanh la, đàn nhị, đàn bầu và đàn nguyệt. Trang phục người điều hành hội và nghệ nhân chơi nhạc mặc áo dài, khăn đóng và các hiệu mặc áo kiểu vạc hò, có khăn chít trên đầu.
- Giữa sân trước bàn Hội đồng và các chòi dựng một ống thẻ để anh Hiệu (người chủ trò) sử dụng trong cuộc chơi, ống thẻ là một đạo cụ di động, để khi kết thúc một ván, hoặc một hội, đây là chính nơi hô bài chòi và diễn trò của các Hiệu phục vụ các chức sắc, người chơi bài và người dự hội.
- Nhưng hấp dẫn, sôi động nhất là ở cách chơi. Khi bán đủ chín con bài cái thì người mua bắt đầu lên chòi và anh Hiệu hô (mỗi hội ít nhất 3 Hiệu hô và 2 Hiệu chạy).
- Hiệu hô là rút thẻ hô bài, Hiệu chạy đưa thẻ, phát, thu thẻ và đến trước bàn Hội đồng thưa : Hiệu phát bài đã đủ, cho Hiệu thủ bài tỳ và sau đó người điều hành ra hiệu trống chầu làm thủ tục “đã cổ pháp” của một đêm hát bội xưa gồm Xuân tam, hè cửu, thu thất, đông ngũ.
- Sau thủ tục khai hội, anh Hiệu chính hai tay bê ống thẻ đã đựng 27 con bài để bắt đầu cuộc chơi. Mỗi hội đánh bài chòi gồm 8 ván và mỗi ván số tiền thưởng bằng tiền bán, mua một thẻ bài cái, trong đó 8 chòi con bán thẻ đồng hạn, riêng chòi cái bán thẻ giá cao nhất
2.2. Trò chơi đập niêu
- Ban tổ chức sẽ chuẩn bị khoảng 15 cái niêu, cắt cử 2 người đứng giữ gậy ở 2 bên để căng dây thép treo niêu. Người chơi sẽ bị bịt mắt, đứng cách cái niêu 5m. Mỗi người chơi được phát một chiếc chày. Nhiệm vụ của người chơi là tiến lại gần cái niêu theo cảm nhận của mình và đập vỡ niêu..
- Người đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng ghi trong mảnh giấy nhỏ trong chiếc niêu bị đập vỡ
- Phần thưởng là những món quà lưu niệm Bình Định.
2.3. Trò chơi leo cầu lấy thưởng
- Trò chơi rất đơn giản mà không kém phần thú vị. Chọn một đoạn tre làm cầu. Đoạn tre ấy một đầu nằm ghếch trên bờ đất, đầu kia buộc vào sợi thừng hay chão, dây buộc vào chiếc cột chôn vững chắc. Làm sao để chiếc cầu đung đưa khó đi. Người ta treo giải thưởng trên cột. Đến lượt ai, người đó leo cầu lấy thưởng. Có người mới leo được vài bước thì đã té . Có người ra tới mút đầu cầu lấy được thăng bằng nhưng khi với tay lấy giải thưởng thì loạng choạn. Cuộc chơi rất hấp dẫn và kích thích sự hiếu thắng của mọi người.
3. KHU TRIỂN LÃM GIỚI THIỆU HÀNG HÓA CÁC DOANH NGHIỆP
- Đây là nơi trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ của các đơn vị, doanh nghiệp Bình Định tại TP.HCM và tỉnh nhà.
- Trưng bày các sản phẩm của các doanh nghiệp Bình Định: Bao gồm các ngành có các sản phẩm chất lượng cao, thương hiệu uy tín, có thế mạnh trong nước như: Dệt may, thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, thủ công mỹ nghệ, hóa mỹ phẩm, quà lưu niệm… giới thiệu đến các Đồng Hương BĐ các mẫu mã phong phú và chất lượng
- Các doanh nghiệp tổ chức triển lãm hàng hóa phải đăng ký trước với BTC.
4. GIAO LƯU VĂN NGHỆ GIỮA CÁC ĐHBĐ (diễn ra ở sân khấu chính)
- Thể loại: đơn ca, song ca, tốp ca
- Thể loại khác: múa, tiểu phẩm, ngâm thơ, khiêu vũ…
Đối tượng tham gia: cá nhân, gia đình, các tổ chức người BĐ ….
Lưu ý:
+ Mỗi huyện đăng ký tối đa 3 tiết mục
+ Các giọng ca đạt giải nhất, huy chương vàng trong các hội thi, hội diễn từ cấp tỉnh trở lên không được thi hát đơn ca, song ca chỉ được tham gia các thể loại khác.
+ Mỗi tiết mục tối đa không quá 10 phút,
+ Các đơn vị, cá nhân sẽ nộp phần nhạc nền cho BTC
+ Không giới hạn độ tuổi.
* Ngoài ra, BTC mời các nghệ sĩ hát bài chòi, nhạc nhẹ biểu diễn xen kẽ phần thể hiện của các đơn vị để chương trình thêm phong phú.
Quy định về chấm giải:
Từng giám khảo chấm điểm độc lập cho các tiết mục, tuỳ theo thể loại với các nội dung sau:
- Chất giọng (5đ)
- Kỹ thuật biểu diễn (5đ)
- Phong cách biểu diễn(5đ)
- Dàn dựng (5đ)
- Trang phục biểu diễn (5đ)
PHÂN CÔNG TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH
1. Công tác Ban tổ chức
1.1. BLL Đồng Hương Bình Định
- Đồng ký các văn bản để hoàn tất thủ tục pháp lý cho ngày hội
- Xin giấy phép tổ chức ngày hội
- Cùng vận động lực lượng doanh nhân tham dự ngày hội
- Làm việc với các ban ngành để mời lãnh đạo Tỉnh và các doanh nghiệp Bình Định tham dự
1.2. CLB Doanh nhân Bình Định
- Cùng vận động lực lượng doanh nhân tham gia ngày hội
- Cùng tham gia vận động tài trợ cho chương trình
- Tham gia thực hiện kế hoạch truyền thông, PR cho chương trình ngày hội được đông đảo Người Bình Định được biết
- Vận động các doanh nhân làm từ thiện trong chương trình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tỉnh nhà hoặc ủng hộ xây trường, nhà tình thương cho Tỉnh…..
1.3. Công ty CP Đầu tư phát triển doanh nghiệp BDC
- Chuẩn bị kế hoạch chi tiết cho chương trình
- Vận động kinh phí tổ chức cho ngày hội
- Phụ trách công tác thiết kế cho toàn bộ chương trình
- Đảm bảo an ninh, trật tự cho ngày hội được thành công – tốt đẹp
- Các công tác hậu cần
- Kết nối các đơn vị trong Ban Tổ Chức để cùng phối hợp thực hiện
2. Phân chia các tiểu ban
- Ban Tài Chính (Nguyễn Đình Trung, Nguyễn Văn Liêm)
+ Chịu trách nhiệm về kinh phí của ngày hội ( thu, chi, vận động quyên góp..…)
+ Lên kế hoạch chi phí từng hạng mục
+ Liệt kê những phát sinh trước, trong và sau chương trình
- Ban truyền thông (Trung Thành, Đức Điền, Lê Sa Long)
+ Lên kế hoạch quảng cáo, PR cho chương trình
+ Liên hệ các báo đài hỗ trợ đưa thông tin nhằm nâng cao vị thế Người Bình Định tại TP.HCM
Ngoài ra, thành lập các ban hỗ trợ cho các hoạt động của chương trình
- Ban tư vấn khu ẩm thực, Văn hóa phẩm (Đỉnh Hưng, Ngọc Sang)
+ Kiểm tra thực phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh
+ Phối hợp với các Huyện trong việc thiết kế, tổ chức các gian hàng ẩm thực, VHP
+ Theo dõi, đôn đốc, giám sát trong suốt quá trình diễn ra
+……
- Ban hỗ trợ khu giải trí (Công Minh, Kim Thủy)
+ Đảm bảo các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh
TM. BLL Đồng Hương Bình Định
Hoàng Cảnh
(đã ký)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét