Cầm tập bản thảo của một người nữ làm thơ, cảm nhận đầu tiên là nhan đề của tập thơ. Như dòng sông trôi xa đã khiến tôi chú ý đến không gian sáng tác của tác giả ghi dưới các bài, kéo dài từ Việt Nam (Pleiku, Nha Trang, Sài Gòn…) đến tận một miền đất bên kia bờ Thái Bình Dương - Hoa Kỳ (California, Garden Grove…). Điều gì khiến cho tiếng lòng dong ruổi suốt khoảng cách không gian như thế?
Một vầng thái dương vĩ đại/ soi nhịp thở như gương /mai ta về ôn trang sách vô thường/ bên dòng sông vô tận/ cùng nhau hóng gió ngàn phương! (Nhặt hoa rụng).
Hay trong bài Bóng xế:
…Êm đềm lãng tử phương Tây/ Thọc tay túi áo giữ cây tình cờ/ Ngàn xanh biển lạt trăng khô/ Thêm vài sợi bạc lẽ vô thường tình!
Có bao bậc trí giả phương Tây đang tìm về chân lý uyên nguyên của phương Đông, Lê Phương Châu dù có lúc đang làm lãng tử trời Tây nhưng lòng vẫn hướng về cõi Đông - với lẽ vô thường và độc đáo hơn ở chữ tình - lẽ vô thường tình! Trước hết vẫn là cái tình, cái tâm của người viết:
Ta đủ một đời người - trăm năm gồng gánh/ Còn chút thảnh thơi trải thảm viết thơ tình/ Cho đến hơi thở vào - ly trên tay - thở ra nhẹ nhõm/ Rót thật đầy - lướt ngọn sóng tử sinh!!! (Một nơi đến - một nơi về).
Và
…Cứ rót cho dài cuộc sống/ Núi vẫn núi ngàn cao xanh/ Đá vẫn đá lì mong manh/ Mềm nhũn dưới chân kẻ dại… (Ván cờ quá độ).
“Cái tình”, nhiều lúc cũng đâu có vui gì! có lúc như duyên bích câu, để rồi để lại vết son buồn, nhưng nòi tình vẫn không dứt, rời được, dù trong thẳm sâu, ai tỏ được tấm chân tình:
Ta kẻ đa tình say nét bút/ Vẽ tranh tĩnh vật bến sông trăng/ Xem trăng ai biết màu trăng ấy/ Suối tóc vai tròn tựa áng mây/ (Khúc tình sâu).
Trong nỗi tình kia vẫn phảng phất nét thiền phương Đông, xin hãy đọc khổ thơ này:
Sông về với biển, đấy là lẽ thường trong cõi vạn vật nầy, ở đây Lê Phương Châu còn làm điều xa hơn. Sông về với biển và trôi tận bờ bên kia của biển đó chứ!
Bỏ lại đằng sau tham vọng/ Ta đi rổ rá gánh gồng/ Ta đến cuộc chơi kết thúc/ Trăng mềm tỏ rạng phúc âm (Dạt dào bóng tôi).
Trong Những dòng sông trôi xa, chúng ta thấy thấp thoáng đâu đó, như ẩn, như hiện: Phật, có tình rớt đỉnh Lăng Nghiêm; Chúa, có phúc âm, giờ tận hiến và cả phong thái thiền cũng xuất hiện luôn - bên tảng đá thiền sư, …ta bái lạy chơn như. Phải chăng Lê Phương Châu làm một hành giả trên con đường tìm kiếm nỗi đích thực của thi ca, nhưng:
... Thềm tịch tĩnh đếm sao trời hóa giải/ tung vỡ mạn thuyền/ neo cột/ hôm qua/ quên giã biệt hàng tre khô thấm mệt/ ôm túi thơ/ đi về phía rừng già (Độc thoại).
Trôi xa rồi cũng hồi lưu về nơi chốn đã ra đi: ta lưu vong trầm mình - cơn lốc xoáy/ vo nỗi buồn/ bó gối - đếm mưa rơi/ mang rạn nứt/ lau máu hồng trở lại/ ngoảnh mặt nhìn cũng một cuộc về thôi.
Hy vọng trong cuộc vềnầy, thi ca là một cứu rỗi cho mình và cho người.
Thời gian sáng tác trong tập nầy, hầu như đa phần trong năm 2013, và duy nhất có một bài được viết cách nay ngoài 44 năm, với địa danh Pleiku. Một bài thơ 5 chữ khá dài, có một chút không khí của chiến tranh, nhưng cũng nói lên được sự phi lý của bom đạn vô tình: ... Lỡ đêm nay tôi chết/ Vì mảnh bom vô tình/ Anh làm sao hiểu được/ Nỗi tình tôi ấm ức/ Trên vũng máu đổ dài/ Làm sao tôi dửng dưng/ Buông hai tay mắt khép! (Đời buồn là thánh ca).
Với sở trường thơ 7, 8 chữ và thơ tự do, Lê Phương Châu viết rất thoải mái trong khi thơ lục bát chỉ chiếm chưa đầy mười phần trăm trong Những dòng sông trôi xa, có những câu rất thú vị, tuy vẫn mang phong thái cổ điển: chân non bóng rủ trăng hờn/ tay trong tay đọng giọt mềm chiếu chăn hay Trời còn một khắc trăm năm/ Tàn canh bóng đã xế quanh chỗ ngồi.
Với những suy nghĩ và trích dẫn ghi trên, cùng nghiệp dĩ làm thơ như Lê Phương Châu, tôi không làm công việc là viết lời bạt cho tập thơ nầy, chẳng qua là cảm nhận của mình sau khi được đọc bản thảo, có những ý nghĩ chia sẻ với tác giả. Người yêu thơ hôm nay mong đợi sẽ được đọc nhiều bài thơ mới cả từ ý tưởng đến cách diễn cảm của Lê Phương Châu.
Chu Ngạn Thư (Bình Dương)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét