Khói nắng lờn vờn, chông chênh và đổ xiêu ở khoảng ao bèo rộng nom tám thước ruộng. Bóng mẹ nhoài theo vợt hớt bèo. Bèo mới nở chừng một tháng, còn non bấn. Từ ngày mẹ nuôi đàn lợn sữa, khoảng ao ấy không còn những bông hoa tím ngát. Mẹ bấm những nón chân xuống bờ ao đất nhũn và ướt rượt, một tay víu chặt lấy thân cây ổi chắc nịch. Bố trong nhà lầm rầm chả biết thương hay chửi “Mẹ nó trưa cứ hành xác ngoài nắng. Ra bảo mẹ mày về”. Ông kéo một hơi dài thật dài, nhả chậm rãi, rồi miên man theo khói thuốc đục ngầu. Nghĩ thế nào, vừa bước tới bậu cửa, ông gọi tôi lại.
- - Mày đi xin cho bố một nhúm thuốc lào.
Tôi “vâng ạ” lầm lũi. Chạy ra tới ngõ thì chạm mặt mẹ. Mặt mẹ vừa hong nắng, đỏ hừng hực, đổ mấy giọt tanh. Tay chân mẹ bám chi chít những bèo con mới đẻ. “Điđâu?”. Một câu gọn lỏn. Vừa lạnh vừa thô kệch, hầm hừ. Nhưng lắm tầng nghĩa. Đi đâu giờ này cho bóng nắng đổ ngập đầu? Chân khập khễnh bước xuống sao được con ngõ dốc? Chao chát như tiếng mắng, nhưng ấy là mẹ lo. Ba tuổi, tôi bị cơn sốt viêm não Nhật Bản đánh gục chân phải, muốn xuống ngõ dốc, phải dựa dẫm vào hàng rào tre, tự tay mẹ ken lấy.
- - Con đi xin thuốc lào cho bố.
- - Miệng hôi rình còn lào liếc gì. Về!
Chữ “Về” dằn xong, mà thấy bước đi của mẹ nặng nhọc. Đợi mẹ thêm dăm bảy bước, tôi cũng lích nhích đi xuống đường. Khoảng áo bèo lốm đốm vài lá xanh. Mẹ cũng gan, xa tít còn khều vợt ra cho kì được. Mươi mười bữa nữa, bèo con lại nở lan, chưa kịp đến “thì”, sẽ lại lọt thỏm vào miệng vợt. Mà trời cứ nắng như đổ lửa hoài, chắc gì bèo con đã nở? Cá rô, cá cảnh còn chết cong, lềnh phềnh trên mặt nước cũng bởi mùa nắng năm nay dài quá.
Vào tới sân nhà ông Sĩ, gọi năm lần bảy lượt, mà mấy con chó dữ hằng ngày, hôm nay ăn phải gì mà im ỉm. Đứng cạnh cây na một hồi, thấy vài quả lốm đốm vết thâm sì, tưởng đâu chín mà thằng Bửn nhà ông ấy chả buồn ngó tới, lại lén đưa tay lên nắn nắn. Na còn xanh lét, hình như lại bởi nắng quái hun màu xám xịt. Mà biết đâu đó, hồi nó vừa mở mắt, thằng Bửn chiều nào cũng lấy tay thăm bóp nó vài lần. Bước thêm vài bước, dúi một con mắt vào khe hở của tấm cửa gỗ, trộm nghĩ ông Sĩ còn say giấc, nào ngờ trong nhà cũng vắng teo.
Vào sân nhà bà Phụng, cái ngữ nghiện trầu như bà ấy thì chả bao giờ túng thuốc lào trong túi. Cả đàn chó con nhao nhao vừa cắn xỉa vừa giật lùi theo bước tiến của tôi. Bà Phụng hây hây xua đàn chó từ trong buồng, rồi vọng ra qua tấm mành chắn cửa sổ.
- - Ai đó?
Năm mấy tuổi rồi mà cái giọng còn thánh thót.
- - Dạ, cháu con bố Bắc, qua xin bà ít thuốc lào ạ.
- - Không còn đâu. Về nhớ khép cổng lại giùm cái.
Giọng bỗng chùng xuống, lạnh queo. Nghĩ ngợi thế nào, bà lại ra, dúi vào tay tôi một nhúm vụn vụn. Tôi khum chặt những ngón tay lại cho khỏi rơi. Bà Phụng đưa những ngón tay nhăn gầy, vuốt má tôi, nói ngọt như đường thốt nốt: “Con gái bố Bắc, xinh đáo để”.
Ở cái làng này lắm kẻ sống bằng mấy mặt người, ẩm ương như thời tiết, chẳng biết đâu mà lần. Sáng ra chạm mặt nhau có khi nói lời dẻo quẹo, mà trưa đã ngó đầu sang nhà bên kia để chửi đổng chỉ vì con gà không dưng bị mất. Chân tập tễnh chỉ chạy qua dăm ba nhà quanh quẩn cái khoảng ao xanh bèo, nhưng biết tỏng từng mặt người dạ quỷ. Tôi quay ra, gáy còn ớn lạnh bởi cái giọng nhuyễn như mèn mén của bà Phụng. Tôi nhổ toẹt một bãi nước bọt dưới ngay ở cổng. Hai con chó con chui mũi giành nhau liếm. Loài chó ắt sống bằng một mặt, có cắn người cũng vì trung thành với chủ, mà liếm chân chủ cũng vì rất mực yêu thương. Tôi lại lích nhích ven theo đường rào uốn lượn theo con dốc đứng.
Về tới sân vẫn thấy mẹ loay hoay rửa bèo ngoài giếng nước làu bàu câu gì đó trong miệng. Bố gác chân lên ghế, giọng lẩy bẩy như thèm thuốc. Tôi úp lòng bàn tay gọn lỏn vào hộp đựng thuốc lào bố làm bằng hộp xi đánh giày màu đen có in hình con ngựa.
- - Xin nhà ai đây?
- - Bà Phụng ạ.
- - Con mụ già sao mà keo thế chứ. Vụn tơi thế này nhét sao cho vừa cái lỗ điếu.
Bố rúm rúm, rắc rắc cho vụn rơi xuống, lọc lấy những sợi thuốc dài, cũng vừa vặn một điếu. Bố tần ngần dúi vào lỗ điếu, kéo hơi bị hụt, bố dằn cái điếu trúc xuống gầm bàn. Bố đi ra ngõ, nhòa theo bóng nắng.
Đêm qua thấy mẹ hái mấy quả bầu đất, mướp hương. Rạng sáng, mẹ nịt chặt bì vào xe, lao vút xuống con dốc mờ sương. Tiếng xe kèn kẹt vừa dứt, bố đã tỉnh dậy, lạo xạo trong buồng tìm thứ gì đó. Bố lay tôi dậy, thều thào: “Mày có biết tiền bán trâu mẹ mày để đâu không?” Tôi dụi mắt, lắc đầu. Bố đảo tung mù những nia, những giỏ, những chum, những vại. Hình như dò được bọc tiền mẹ cất giấu, bố cười khầng khậc. Tôi lao xuống giường, ôm ghì lấy chân bố, gào lên:
- - Con xin bố, bố đừng lấy tiền của mẹ, mẹ gom tiền để chữa chân cho con. Bố đừng đi, bố ơi.
Bố day day cái chân hệt như con trâu bị ngứa cố day cho con đỉa đói dứt ra, tôi càng siết chặt lấy. Bố trợn mắt, con mắt trắng dã nuốt chửng tôi. “Mày không phải con tao”.
Giọng bố gãy gụa, mà từng chữ cứ xoắn xít trong đầu óc tôi. Bàn tay mềm nhũn, buông thõng ra khỏi chân bố. Hai vai bủn rủn như lúc tiết trời sắp chuyển mùa. Chân bị bại liệt mười mấy năm nay bỗng nhói buốt. Hắng giọng mãi cổ họng mới bớt nghèn nghẹn. Ngửa mặt lên thấy nắng dột qua vài khe hở của mấy tấm ngói ken lỏng. Nắng hắt gồn gột vào da mặt mới biết mình không ở cõi mơ. Biết bao giờ trời thương cánh bèo đổ một cơn mưa? Mà mưa rồi lấy ai bắc thang lên che cho kín ngói? Bố ơi, bố đừng đi…
Mẹ về đến cổng, dựng xe vào vách bếp, mặt hơn hớn:
- - Hôm nay chẳng ế thứ gì. Mấy quả mướp hương, vừa đổ ra người ta đã giành mua. Con gái thấy mẹ có may không chứ.
Hiếm lắm mẹ mới có một ngày vui. Và hiếm lắm mẹ mới gọi tôi là “con gái”. Nhưng mấy chữ bố ném lại trước lúc đi còn ong ong tâm trí. Mặn mà sao nổi với lời ngọt hiếm hoi kia? Tôi gắng gượng, nấn ná cho mẹ vui thêm chút đỉnh. Mẹ cười ha hả lúc tháo dây nịt giằng ở ghế ngồi xe đạp. Tiếng cười vừa dứt, mẹ lại cằn nhằn
- Bố mày ngủ gì ngủ kĩ thế, vào gọi bố dạy còn đi tát nước trên Cồn Đâu.
- Bố đi rồi.
Mấy chữ cứ thản nhiên trôi ra khỏi miệng.
- Bố mày đi đâu, hay sáng ra lại qua nhà nào bắn thuốc lào rồi.
- Bố không về nữa rồi mẹ ơi.
Nói đến đấy, tôi bật khóc. Mẹ khựng lại ở nút thắt dây nịt cuối cùng. Mẹ luống cuống chạy vào lục cái chum lúa nếp. Mẹ lao ra khỏi cửa, bóng mẹ xô về phía nắng trên ở ngõ dốc liêu xiêu. Mẹ đi tìm bố. Không, mẹ đi tìm bọc tiền, đi tìm ước mơ của tôi.
Bố biệt tăm từ dạo ấy. Mẹ bất lực, không còn mong ngóng tin bố. Nghĩ mà thương mẹ, cả đời cõng trên lưng mơ ước của tôi, ước mơ một ngày đi vững vàng hơn bằng đôi chân, đến phút cuối lại bị bố phá nát. Nắng sau mưa héo rũ, xác nắng còn đọng lại trên mái lá tranh đen ngòm khói rạ. Nụ cười của mẹ cũng héo.
Dạo này mẹ nhận thêm cái chức tổ phó tổ nông dân, đâu một quý được dăm bảy chục. Nào có nhàn, thấy ngày nào mẹ cũng loay hoay với mấy cuốn sổ viết rồi xé đi. Không có máy tính, lại tiếc mấy trang giấy trắng, mẹ đánh liều nháp vào bắp chân và đùi nhoe nhoét, lội ruộng một buổi chiều là vết mực cũng sạch trơn. Tổ trưởng tổ nông dân là bác Chàm, trạc tuổi bố nhưng mỏi mòn rồi mà chưa vợ. Thi thoảng bác ghé qua, dựng xe ở vách bếp, kẹp cuốn sổ ở nách bước vào. Bác Chàm ở tận cuối xóm, chỉ mỗi dịp Tết, tôi mới có dịp đi khắp. Cái chân khập khễnh đi được đến nhà bác Chàm thì chắc là rệu rã, không còn sức mà quay về. Bác Chàm lần nào qua cũng có xoài xanh rôn rốt, hay vài qua na ngọt lịm mang cho tôi. Mẹ biết bác sang, tất tả xách ấm tích đi pha chè xanh nóng. Tôi quý bác Chàm lắm. Cái mái nhà dột cũng là bác sửa sang, che chắn. Cái hàng rào tre bị con bò ngứa sừng húc gãy, bác cũng giằng lại cho chắc. Bác cởi trần thau giếng giúp mẹ con tôi. Thảng hoặc, mẹ bắt được con cá rô đồng, đều gọi bác qua ăn. Dần dà, thấy bác Chàm chăm chỉ, chất phác, mẹ cũng thương thương. Có đêm, mẹ từ buồng trong nói vọng ra:
- Mày thấy bác Chàm sao?
- Ờ thì cũng hiền hiền, dễ gần. Mà sao mẹ hỏi vậy?
- Mẹ thương bác ấy rồi phải không?
Mẹ im bặt, chắc là miên man nhớ bố.
Bác Chàm thường ghé qua hơn mỗi ngày. Có đêm bác ngủ lại cùng mẹ ở gian buồng. Tôi giờ đã lớn, cũng hiểu rằng mẹ cần có người đàn ông để bấu víu, nương vai. Hàng xóm với nhau mấy chục năm trời, chắc cũng đủ thấu lòng nhau.
Tôi gặp cơn ác mộng, bố trở về khi túi tiền đã cạn khô, xồng xộc vào nhà đòi mẹ đưa tiền. Tôi ghì chặt lấy chân bố, van vỉ. Bố day day chân rồi đạp mạnh tôi ngã nhào ra đất “Mày không phải là con tao. Mày không phải là con tao…”. Tôi giật mình bật dậy, sờ lên trán ướt rượt cứ nghĩ chỗ nằm bị dột mưa. Đầu óc váng vất câu nói của bố. Từ khi bố ôm theo ước mơ của tôc lao xuống ngõ dốc, tôi chưa một lần hỏi mẹ về chuyện ấy. Tiếng mẹ và bác Chàm thì thào trong buồng.
- Anh muốn chữa chân cho bé Na, anh và em cố gắng cuối năm nay đưa bé Na đi chữa trị nhé? Anh có chút tiền tiết kiệm được mấy năm nay, sáng ra anh sẽ đưa em cất giữ, gom góp dần.
- Cảm ơn anh đã thương con em. – Mẹ mếu máo, lẩy bẩy. – Cái lão già chết tiệt ấy đã lấy hết số tiền của em đi rồi. May mà em còn cất một ít chỗ khác. Em đưa anh giữ, chứ để ở trong nhà, biết đâu lão ấy về đột ngột, lại thêm một bận khổ.
Tôi thương mẹ và bác Chàm, cả cuộc đời mẹ đã đi mòn ngõ dốc chênh vênh cõng trên lưng ước mơ của tôi. Những nếp nhăn xô lại ở khóe mắt như đang rượt đuổi theo thời gian mỗi ngày một dày hơn.
Mẹ đang bằm rau cho lợn, mặt tươi như hoa:
- Na này, có thích có em không?
- Thật hả mẹ, mẹ có em bé rồi phải không?
Mẹ thẹn thùng, chùi tay xanh rờn xác rau vào ống quần, rồi cúi mặt xuống, xoa bàn tay chai sần vào bụng, tủm tỉm cười. Tiếng bác Mừng thất thanh từ cuối ngõ dốc.
- Nhà chị Huyên ơi, gã Chàm vừa leo lên tàu đi rồi.
Mẹ thất thần, buông con dao xuống, gào khóc nức nở “Tiền của tôi, tôi phải chữa chân cho con gái tôi. Ông trời đang trừng phạt tôi sao trời ơi. Tôi dựa dẫm vào đàn ông chỉ để mong chữa khỏi chân cho con tôi mà sao cuộc đời cay nghiệt với tôi thế hả. Con tôi có lỗi gì mà ông trời không thương con tôi, hỡi giời.”
Người sống cùng mẹ con tôi mười mấy năm trời mà tôi gọi là cha, rồi cả bác Chàm, hóa ra chỉ là chỗ dựa của mẹ để lưng gầy đỡ nặng khi cõng trên lưng ước mơ lớn của tôi. Đứa em tôi chào đời, sẽ như tôi, rồi cũng lạc mất cha. Hóa ra tôi đã quên, quên cái bãi nước bọt tôi nhổ toẹt ở cổng nhà bà Phụng, cứ ngỡ rằng đã biết tỏng từng mặt người dạ quỷ…
Dương Hằng (Hà Nội)
Dương Hằng (Hà Nội)
Đọc xong và suy ngẫm...
Trả lờiXóaVăn phong khá "già", không nghĩ bạn còn trẻ vậy!
Trả lờiXóa