TỔ QUỐC BÊN BỜ SÓNG (KỲ 6) - Ký sự của Khánh Vinh & Kiên Giang


Nhớ thuở cha ông lấn biển


Men theo quốc lộ 10 từ Hải Phòng xuôi về hướng Nam, chúng tôi có dịp về huyện Tiền Hải (Thái Bình) và huyện Kim Sơn (Ninh Bình), nơi cách đây 200 năm Nguyễn Công Trứ có công chiêu mộ dân nghèo đắp đê lấn biển, lập ấp. Tiếp nối tinh thần của ông, hiện nay nhiều nơi trên vùng duyên hải Bắc bộ, người dân vẫn ngày ngày tiến về phía biển.
 Nhớ tiền nhân thuở trước
Đền thờ Nguyễn Công Trứ tại xã Quang Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình) khói hương nghi ngút ngày qua ngày, các thế hệ con cháu huyện Kim Sơn bây giờ không thể nào quên ơn của bậc tiền hiền lấn biển, lập ấp cho con cháu. Đặc biệt, tại thời điểm biển Đông đang “dậy sóng”, công ơn của Nguyễn Công Trứ lại càng được các thế hệ con cháu đời sau truyền tụng, tri ân để hun đúc thêm tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của cha ông đã dày công gây dựng.
 
  Quai đê lấn biển tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình năm 1989 (ảnh tư liệu)


Ông Nguyễn Quang Đạo, một bậc cao niên sống ở gần đền kể, đất này thời đó sóng to gió lớn, vốn có tiếng dữ dằn. Tuy nhiên, cụ Nguyễn Công Trứ vẫn quyết cùng dân nghèo lấn biển. Cả một vùng bãi bồi sình lầy, lau lách trải mênh mông nên việc đi lại để quai đê, đắp đường, đào sông gặp không ít khó khăn. Song do tài tổ chức và vận dụng linh hoạt, sáng tạo với 63 vị chiêu mộ, thứ mộ, 1.200 nhân đinh, sau hơn 1 năm Nguyễn Công Trứ đã hoàn thành việc quai đê, lấn biển Kim Sơn. Để rồi, năm Minh Mạng thứ 10, huyện Kim Sơn chính thức được thành lập.
Nguyễn Công Trứ thể hiện khả năng, trình độ khoa học đặc biệt trong quy hoạch, xây dựng công trình thủy lợi. Trước hết, ông cho đào sông Ân nối liền với sông Càn để lấy nước ngọt. Sau đó, cứ mỗi làng lớn hoặc hai làng nhỏ, ông lại cho đào kênh, đắp đường dẫn đến các thôn, xóm để tiêu úng lụt và thau chua rửa mặn và khai thác tối đa diện tích đất canh tác. Việc đào kênh mương cũng được tiến hành song hành với việc làm đường, quật thổ, bồi cư và phân chia địa giới, bố trí khu dân cư, khu canh tác, nhanh chóng tạo thế ổn định cho người dân đến định cư, lập nghiệp nơi đất mới. Vậy là, chỉ vài ba năm sau khi Nguyễn Công Trứ cùng người của ông đến đã biến Kim Sơn thành vùng đất màu mỡ, lại có công trình thủy lợi ưu việt nên ruộng đồng ngày càng tốt tươi, đời sống người dân no ấm.
Nhà báo Nguyễn Bình (Báo Thái Bình) xúc động khi đưa chúng tôi tìm về đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Tiền Hải (Thái Bình). Anh cho biết: “Cụ Nguyễn Công Trứ lúc ấy thật tinh tế khi tham mưu cho nhà Nguyễn đặt tên hai huyện mới do chính tay mình khẩn hoang là Kim Sơn (rừng vàng) và Tiền Hải (biển bạc). Từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã thể hiện tinh thần yêu nước của mình thật sâu sắc”. Quả vậy, Tiền Hải ngày hôm nay là đất vàng, là đầu tàu kinh tế của tỉnh Thái Bình với ngành công nghiệp dầu khí, là nơi khởi thủy của toàn ngành dầu khí Việt Nam. Tiền Hải hôm nay với hàng ngàn ha đất đai màu mỡ, nổi tiếng với phong trào thi đua nâng cao năng suất lúa hòa cùng với giai thoại “Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình…”.
Lấn biển để giữ biển
Hiện Kim Sơn có 27 xã, thị trấn, diện tích tự nhiên lên đến hơn 213km2, trong đó đất canh tác lúa - cói và nuôi trồng thủy sản lên đến 16.000 ha. Dân số Kim Sơn từ 12.000 nhân đinh ngày mở đất đến nay đã lên đến hơn 200.000 người. Trong khi đó huyện Tiền Hải cũng có 1 thị trấn và 34 xã, diện tích 226km2 và dân số lên đến 203.000 người. Đã 200 năm từ ngày Nguyễn Công Trứ tìm về khẩn hoang, lập ấp tạo dựng vùng đất mới, Kim Sơn đã thêm 7 lần quai đê, lấn biển, chinh phục bãi bồi, làm cho vùng đất mới ngày càng rộng, dài thêm.
Điều đáng quý là tinh thần lấn biển, lập đất của cha ông vẫn được các thế hệ con cháu tiếp tục gìn giữ và phát huy. Đã 28 năm từ ngày đầu bơi thuyền ra bãi bồi ven biển thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định) quai đê lấn biển, anh Nguyễn Huy Hậu giờ đã là một người đàn ông trung niên có cháu nội dắt chúng tôi đi trên bờ đê đầm thủy sản nhà mình nói: “Hồi đó mọi người nghĩ tôi bị điên, sóng gió mênh mông thế sao mà quăng tiền bạc xuống để bồi đất, lấp biển làm gì. Bao lần bị sóng đánh vỡ đê, trắng tay rồi nghiến răng làm lại. Máu và nước mắt rớt xuống đất này nhiều lắm, nhưng biển bây giờ trả lại cho chúng tôi nhiều quả ngọt”.
Quả ngọt mà anh Hậu nói chính là hàng trăm ngàn ha đất lấn biển được các nông dân vùng cuối châu thổ sông Hồng thực hiện. Biển mặn bao la hàng năm được những dòng sông mang nặng phù sa bồi lắng. Biển ôm vào lòng bao mồ hôi, nước mắt và tầng tầng lớp lớp trầm tích văn hóa Việt theo những dòng sông đổ về phía biển. Và họ, những người nông dân giàu truyền thống bám biển, giữ biển đã tiếp nối sự nghiệp của cha ông. Trong hành trình dọc vùng cuối châu thổ sông Hồng, chúng tôi chứng kiến bao giọt mồ hôi mặn đắng, cần lao của những người nông dân bám biển, lấn biển từ Tiên Lãng (Hải Phòng), Tiền Hải (Thái Bình), Hải Hậu (Nam Định) đến Kim Sơn (Ninh Bình).
Chúng tôi nghiêng mình nắm lấy một túm cát nặng phù sa bên bờ ruộng Tiền Hải. Xa xa, cánh đồng lúa chín đang mùa trĩu hạt, vàng ươm trong nắng sớm. Chia tay Kim Sơn và Tiền Hải, những “rừng vàng, biển bạc” thấm đẫm mồ hôi người lấn biển, chúng tôi không thể cầm được những dòng suy tư trong tâm tưởng. Rồi đây và sau nữa sẽ còn bao nhiêu km bãi bồi được lấn về phía biển, chắc là không đo đếm được, bởi tinh thần lấn biển của người dân nơi đây chưa bao giờ dừng lại, dù chỉ là một giây trong suy nghĩ.

 Làng vác đá xây Trường Sa

Cách Trường Sa hàng ngàn km, nhưng hơn 20 năm nay, những người nông dân làng Bỉnh Gi (xã Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định) vẫn âm thầm vác đá ra Trường Sa xây đảo. Thống kê của xã cho thấy, đã có hơn 30.000 lượt người làng này ngày đêm gắn bó với sóng gió Trường Sa để góp phần giữ vững chủ quyền đất nước.
Những nông dân… xây đảo
Bỉnh Gi là xã thuần nông. Từ đường liên huyện, chúng tôi phải xuống xe ô tô để lội bộ hơn 3km vào sâu trong làng, hai bên đường vàng ươm những ruộng lúa trĩu hạt đến mùa thu hoạch. Ấy vậy mà cái xã thuần nông với những nông dân một nắng, hai sương lam lũ quanh năm này lại là những người có công lớn trong việc xây dựng huyện đảo Trường Sa xinh đẹp như ngày hôm nay. 
 
 Xây đảo Trường Sa là nhiệm vụ thiêng liêng của người dân làng Bỉnh Gi (ảnh do nhân vật cung cấp)


Sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, cả nước có phong trào hướng về Trường Sa, “tôn nền Tổ quốc”, Thiếu tướng Hoàng Kiềm khi ấy là trung tá phụ trách một đơn vị công binh chuyên xây dựng đảo Trường Sa. Ông bảo, không đâu có đội thợ xây dựng chịu thương, chịu khó và giỏi nghề như người làng Bỉnh Gi quê mình. Vậy là dịp nghỉ phép về quê ăn tết năm 1991 cũng là ngày ông về “tuyển mộ” thợ xây đảo. Khi khắp các nhà trong làng còn rộn vang tiếng cười vui xuân ấm áp thì 8 người nông dân xã Bỉnh Gi đã vác ba lô theo Thiếu tướng Hoàng Kiềm lên đường đi xây đảo.
Ở tuổi 62, đầu đã bạc trắng và đôi bàn tay đầy những vết sẹo thời gian, ông Lê Văn Biền, một trong những nông dân đầu tiên theo ông Hoàng Kiềm năm ấy nhớ lại: “Chúng tôi vào Sài Gòn rồi lên tàu hải quân ra xây đảo Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa. Từ bé đến lớn chỉ gắn bó với ruộng đồng, hết vụ lại đi làm thợ xây nào đâu có biết biển là gì. Vậy là lên tàu ai cũng say sóng đến quay cuồng…”.
Nhưng đó chỉ là những thử thách đầu tiên. Công việc xây đảo gian khó hơn nhiều. Quen cảnh sống giữa ruộng đồng xanh ngút mắt, ra Trường Sa họ chỉ có lính đảo, đá và dăm cây phong ba làm bầu bạn. Nước là thứ quý hiếm vô cùng trong những ngày xây đảo. Ông Nguyễn Văn Quyển, cũng là một người đi xây đảo bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó nhiều hôm chúng tôi phải nhai lương khô để xây đảo. Có hôm thiếu nước, anh em phải nhịn bớt mỗi người một ca nước để đủ nước trộn hồ. Tắm giặt là thứ xa xỉ nhất. Nước tắm giặt lại được tận dụng để xây đảo”.
Khó khăn thiếu thốn là thế nhưng trong những trái tim người nông dân làng Bỉnh Gi chỉ mong đem hết cái cần mẫn, tài nghệ của bản thân mình để xây những ngôi nhà to đẹp cho các anh lính đảo yên tâm canh giữ biển trời Tổ quốc. Ba tháng trôi qua, 8 nông dân làng Bỉnh Gi nhờ có sự hỗ trợ của lực lượng công binh đã hoàn thành ngôi nhà 2 tầng cho anh em bộ đội Trường Sa. Niềm vui khôn xiết, họ òa khóc trong ngày bàn giao công trình rồi chia tay hòn đảo mà họ thân thuộc đến từng mỏm đá, mép nước…
Nghĩa tình Trường Sa
Đã hơn 20 năm kể từ cái ngày 8 người rời làng theo Thiếu tướng Hoàng Kiềm, giờ làng Bỉnh Gi đếm đi đếm lại đã có hơn 30.000 lượt nông dân đi xây đảo Trường Sa. Không chỉ đóng góp cho Trường Sa những bàn tay thợ xây tài hoa, mà làng còn nhiều đội quân khác như đội vác đá xuống tàu, đội phá đá, thợ sắt, thợ mộc, thợ mạ… Có người chỉ đi vài tháng nhưng cũng có người gắn bó với Trường Sa hết đợt này đến đợt nọ. Chính vì thế, nhiều người còn bảo nhau: “Nếu có cuộc thi tìm hiểu Trường Sa chắc người làng Bỉnh Gi ẵm giải cao nhất. Bởi người làng Bỉnh Gi thuộc từng hòn đá, viên gạch xây trên đảo…”. 
 
 Ông Nguyễn Văn Phong cũng như nhiều người làng Bỉnh Gi luôn tự hào với những chuyến đi xây đảo Trường Sa


Chúng tôi đến nhà ông Đỗ Công một sáng mát trong. Ông bảo, trong nhà có 3 người đàn ông thì cả 3 đều là thợ xây đảo Trường Sa. Ông là người đầu tiên ra đảo đi vác đá xây nhà. Sau đó, 2 con trai ông là Đỗ Tiến và Đỗ Thịnh đều nối nghiệp bố đi làm thợ xây ở Trường Sa. Ông Công bảo: “Mình đi vác đá xây đảo, tự hào quá nên về kể hết cho chúng nghe. Vậy là đến tuổi rời khỏi ghế trường làng, chúng cứ nằng nặc đòi bố cho đi xây đảo cùng mọi người trong làng…”.
Đối diện nhà ông Công có nhà ông Nguyễn Văn Phong cũng có con trai và con rể đều là thợ xây đảo Trường Sa. Còn rất nhiều nữa những cái tên của người trong làng Bỉnh Gi đi xây đảo. Cơ số đàn ông theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đi xây đảo Trường Sa không chỉ đếm trong từng mái nhà mà là cả làng. Thật bất ngờ khi đang trong vụ gặt, chúng tôi về làng không gặp một thanh niên, trai tráng nào. Ông Phong cho biết: “Họ đi xây đảo hết rồi chú ạ. Những năm gần đây, mùa biển lặng thì xây đảo, mùa biển động thì về Cam Ranh xây cảng biển. Chỉ có tết là trong làng nhiều đàn ông về, còn bình thường thì chỉ phụ nữ và người già ở lại…”.
Những người nông dân chất phác, chân lấm tay bùn, quanh năm gắn bó với đồng ruộng nhưng khi Tổ quốc vẫy gọi, họ đem tất cả mồ hôi và cả máu của mình để xây đảo, giữ biển trời quê hương, xứ sở. Người làng Bỉnh Gi hết thế hệ này đến thế hệ khác luôn hướng về Trường Sa thân yêu bằng cả trái tim và khối óc của mình. Trở về quê hương, dù cuộc sống vẫn còn bộn bề lo toan nhưng người làng Bỉnh Gi vẫn tự hào với cái tên: “Làng vác đá xây Trường Sa”.


 Dòng họ giữ sách chủ quyền

Ở TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) có những trái tim yêu sách, giữ sách. Tình yêu ấy truyền thừa bao đời, để gần đây, anh Văn Như Mạnh bỗng phát hiện trong kho sách nhà mình có cuốn “Khải đồng thuyết ước”, tuổi đời 173 năm, có in “Quốc địa đồ” Việt Nam, trong đó thể hiện rõ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Sách cổ khẳng định chủ quyền
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, anh Văn Như Mạnh không giấu vẻ thận trọng. Anh bảo, từ ngày phát hiện quyển sách trong tủ sách gia đình, có rất nhiều người tìm đến hỏi nên anh phải cẩn thận, vì đây là cơ sở, là cứ liệu quan trọng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!
 
Gia đình anh Văn Như Mạnh có truyền thống yêu nước và nhiều thế hệ yêu sách, đã giữ được cuốn sách làm bằng chứng, chứng minh chủ quyền đất nước
Sau khi biết chúng tôi là phóng viên Báo Bình Dương đang thực hiện loạt ký sự Tổ quốc bên bờ sóng, anh vui vẻ vào kho sách, mở két sắt cho chúng tôi tận mục sở thị cuốn sách cổ “Khải đồng thuyết ước”. Sách có bìa làm bằng mo cau, bên trong gồm 37 tờ nội dung. Sách được biên soạn năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) bởi nhà biên soạn Ngô Thế Vinh. Sau đó, sách được thừa tướng triều Nguyễn khi đó là ông Phạm Thục Trai thẩm định trước khi sử dụng để dạy cho trẻ em thời bấy giờ học chữ.
Điều đặc biệt là ở trang số 10 của “Khải đồng thuyết ước” có vẽ bức bản đồ mang tên “Quốc địa chí” thể hiện tất cả các tỉnh, thành trong cả nước từ Tuyên Quang đến Hà Tiên. Đáng chú ý, “Quốc địa chí” có cả Hoàng Sa và Trường Sa ở địa phận quốc nội, được miêu tả khá chi tiết bao gồm những hòn đảo lớn nhỏ. PGS.TS Phạm Thùy Vinh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm quốc gia cho biết: Cuốn “Khải đồng thuyết ước” là sách biên soạn dưới thời nhà Nguyễn, dùng để dạy học như một cuốn sách giáo khoa chính thống. Sách khẳng định chủ quyền không thể chối cãi được của dân tộc Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
4 đời gìn giữ sách
Chúng tôi xin phép anh Văn Như Mạnh thắp một nén hương trên bàn thờ tổ tiên nhà anh. Bàn thờ họ Văn ở Sầm Sơn nay đã là di tích cấp thành phố. Bởi, đây chính là dòng dõi hậu duệ của Lê Triều đại thần Tả Vệ Vương, Quốc công đại tướng Văn Tiên Sinh. Giữ được truyền thống khoa bảng, họ Văn nhiều đời làm quan qua các thời kỳ phong kiến khác nhau. Cuốn “Khải đồng thuyết ước” cũng được lưu giữ từ tay một vị quan họ Văn như thế.
 
Anh Văn Như Mạnh với tấm “Quốc địa chí” trong sách “Khải đồng thuyết ước” khẳng định rõ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.
Năm 1835, ông Văn Đình Bứ, tức cao tổ của anh Mạnh được vua Tự Đức phong làm đội trưởng đội binh phu cai quản việc binh quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếp sau đó, vào năm 1878 con của ông Bứ là ông Văn Đình Rẹ thi cử đỗ đạt, được bổ nhiệm làm quan dạy học và chấm thi. Mãi đến năm 1925 ông xin về nhà ở Sầm Sơn ngày nay để an dưỡng.
Không ai ngờ rằng, ông đồ Rẹ khi đó từ quan về quê đã mang một lượng lớn sách vở và truyền thống hiếu học, yêu sách cho các thế hệ con cháu về sau. Anh Mạnh nhớ lại: “Từ khi tôi bắt đầu biết đọc, biết viết dù trong nhà rất kham khổ do chiến tranh, đói kém nhưng không bao giờ thiếu sách. Sách trong nhà nhiều đến mức dù bỏ cả nửa đời đọc và nghiên cứu tôi cũng không thể nào nhớ hết!”.
Yêu sách, giữ sách nên qua bao đời, từ ông nội của anh Mạnh theo Bác Hồ đánh Pháp đến bố mẹ anh tham gia dân quân tự vệ chống Mỹ trên biển Sầm Sơn và đến đời anh đều giữ kho sách như giữ báu vật gia truyền trong nhà. Vì quá yêu sách nên anh Mạnh đã bỏ ra nhiều năm liền để học Hán - Nôm rồi về tự đọc, tự nghiên cứu kho sách của gia đình. Hiện kho sách của gia đình dù bị 2 lần cháy vì bom Mỹ dội xuống trong chiến tranh nhưng vẫn còn hơn 200 cuốn khác nhau, rất có giá trị.
Cuốn “Khải đồng thuyết ước” cũng được phát hiện trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Năm 2012, anh Mạnh huy động vợ và các con cùng hàng xóm đến mở sách ra phơi theo định kỳ. Trong lúc phơi, sách “Khải đồng thuyết ước” bị ẩm mốc nên anh phải lật phơi từng tờ. Đến trang số 10, anh ồ reo vui sướng vì thấy “Quốc địa chí” có in hình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong địa phận quốc nội. Sau đó, anh Mạnh liền báo cho cơ quan chức năng niêm phong và thẩm định cẩn thận, giờ đã trở thành tài sản quốc gia, là bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền đối với 2 quần đảo này của đất nước ta.
Bà Phạm Thùy Vinh cho biết: “Cuốn sách “Khải đồng thuyết ước” do gia đình anh Văn Như Mạnh gìn giữ là bản sao gần nhất đối với bản gốc được công bố trước đó nên là nguồn tư liệu cực kỳ quý giá khẳng định chủ quyền dân tộc trước những luận điệu vô căn cứ của Trung Quốc. Dòng họ nhà anh Văn Như Mạnh đã có công lớn trong việc gìn giữ cuốn sách cho đến ngày hôm nay”.
Tiễn chúng tôi lên xe đò xuôi Nam, anh Văn Như Mạnh xúc động nói: “Trung Quốc ỷ thế nước lớn, hạ đặt trái phép giàn khoan, tự tay vẽ lại bản đồ đường 10 đoạn trên biển Đông là vô căn cứ! Là người dân Việt Nam, tôi rất bức xúc nên có sách hay tài sản, vật dụng gì để chứng minh, đập tan luận điệu phi nghĩa của Trung Quốc, tôi đều nguyện dốc hết sức mình vì Tổ quốc…”.
K.V & K.G
Kỳ 7: Những trái tim của biển
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét