BẤT NGỜ PHỐ THỊ - Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây



 

          Tôi vẫn vậy, thích lang thang một mình trên phố, thích đi dọc vỉa hè dưới tán những cây bàng trẻ trung, mơn mởn rồi rẽ sang đường phượng vĩ. Những ngày hè, vòm cây đỏ rực màu hoa. Thỉnh thoảng, tôi phải bước một bước dài hoặc thật ngắn để không giẫm lên một cánh hoa rơi. Tôi muốn nhặt một đóa hoa rơi nhưng không dám.
           Tôi thích ngắm nhìn những ngôi nhà cổ còn sót lại giữa phố thị sầm uất. Vẻ cổ kính của nó mới đáng yêu làm sao! Tựa như một cụ già mặc áo dài, đầu vấn khăn đứng cạnh một ông đóng  bộ vét tông sang trọng, hiện đại. Tôi vốn có cảm tình với những mái ngói phủ rêu, những bức tường xám xịt, những con đường trải sỏi, những cổng rào dâm bụt hay me keo. Tất cả gợi cho tôi thời thơ ấu đẹp đẽ. Tư tưởng đó được lũ bạn đặt tên là “bảo thủ”.
          Ba mẹ tôi cho rằng tôi là đứa kén chọn quá nên … “ế chồng”. Không gã nào được tôi chấm điểm mười. Thoạt đầu, họ được tôi tiếp đón niềm nở. Chẳng bao lâu, tôi làm cho họ chán vì phát hiện tôi mê học hơn mê yêu. Trong trái tim tôi, những quyển tự điển nằm chật cứng. Mẹ tôi thường thở dài, khuyên lơn: “Con ơi, thời xuân sắc chẳng mấy chốc qua đi. Đàn ông yêu bằng mắt. Sao con cứ mãi củng cố cái đầu. Con gái học ít thôi!” Để vui lòng mẹ, tôi vâng dạ nhưng vẫn chúi mũi vào sách vở. Những ngày nghỉ, tôi đến thư viện. Mặc cho năm tháng qua đi, mặc cho bạn bè lần lượt thành hôn.
          Khi hay tin tôi đỗ Đại học tại chức khoa Tâm lý – Giáo dục, mẹ kêu trời, buông thỏng một câu: “Hết thuốc chữa!” Em gái tôi đoán: “Chị sẽ thành một bà cô già”. Ba tôi tỏ ra thông cảm: “Có chí khí! Giống ba!” Mẹ nguýt dài: “Cũng tại ông mà nó …vậy đó”. Buồn vui lẫn lộn, tôi đi ra phố.
          - Cô ơi! Đi không cô?
          Tôi giật mình khi thấy cặp sát bên mình là một gã đen nhẽm, cười phô hàm răng trắng ưỡn, cặp mắt sáng như cũng đang cười. Đáng ghét nhất là hàm râu tựa như một cái nón chụp lên môi trên. Trông vừa dơ vừa lém lỉnh. Tôi trừng mắt:
          - Vô duyên! Đi là đi đâu?
          - Ờ…thì đi nơi nào cô muốn đi.
          - Lãng xẹt! Mắc mớ gì ông?
          Hắn mỉm cười, hàm râu giãn ra thành một vệt đen nằm ngang:
- Nếu cô muốn đi xe thì tôi kiếm được chút ít tiền.
- Thì ra chạy xe ôm?
Hắn nháy mắt:
- Đúng, ôm hôn?
Tôi nghiến răng:
- Cút mau!
          Chiếc xe lao đi, tiếng máy nổ rền hòa lẫn tiếng cười khoái trá. Tôi điên tiết, lẩm bẩm: “Đồ chết tiệt!”
          Thật xúi quẩy! Chiếc xe đạp cà tàng trở chứng. Sợi dây sên bỗng dưng tụt khỏi ru-líp, nằm kẹt cứng. Tôi không sao kéo nó lên để máng vào được. Khổ nỗi, gần đến giờ làm lễ khai giảng khóa học. Tôi không muốn để lại ấn tượng xấu ở ngày đầu tiên nhập học.
          - Có chuyện gì đó, cô ?
          Ngước lên, tôi suýt bật ngữa: Gã xe ôm hôm nọ! Hắn nhoẽn cười, tắt máy xe  đến ngồi cạnh tôi, nhìn sợi dây sên quỉ quái:
          - Kẹt rồi! Phải nhờ thợ sửa thôi. Tôi biết cách sửa nhưng đang bận, không thể ra tay được.
          - Vậy cũng nói!
          - Để tôi gởi xe rồi đưa cô đi…nơi nào cô muốn.
          - Liệu có mất xe không đó?
          Hắn phì cười. Tôi nhận ra mình lo xa quá. Chiếc xe cũ lắm rồi. Chẳng đáng giá là bao.
          Tôi bảo:
          - Thôi, như anh tính cũng được.
          Đưa chiếc khăn tay cho tôi, hắn dặn;
          - Cô ở đây xem chừng xe tôi, để tôi mang của nợ nầy đi gởi. Cô chùi sạch hai bàn tay, lát nữa…ôm tôi cho tự nhiên.
          Đúng là tay tôi dính đầy dầu nhớt xe. Nhưng gã nầy nói chuyện vô duyên quá trời. Nhìn hắn vác chiếc xe nhẹ nhàng như không, tôi cảm thẩy nỗi bực tức vơi đi phần nào. Gã quay lại, vừa đi vừa xem đồng hồ:
          - Còn mười phút, kịp chán!
          Hắn rồ máy xe:
          - Cô đi đâu?
          Không còn cách nào khác, tôi lên ngồi sau lưng hắn rồi lấy cái bóp  chèn giữa hai người, tay vịn vào yên xe. Hắn bật cười:
          - Khôn đáo để! Đi đâu nè?
          - Đến trường Sư Phạm.
          - Ồ, tiện đường rồi!
          Chiếc xe như bay trên mặt đường. Tôi hoảng vía. Hai tay chụp lấy hông gã xe ôm, hét toáng lên: “Chậm chậm ông ơi!” Như chế dầu vào lửa, hắn tăng tốc. Chẳng biết làm sao hơn, tôi ôm chặt lấy hắn. Loáng cái đã đến nơi. Tôi thở phào nhẹ nhõm, định móc túi lấy tiền trả cho hắn thì hắn đã dắt xe vào cổng, ném lại câu: “Thôi, khỏi trả tiền, tôi cho quá giang đó”. Thoáng ngạc nhiên nhưng tôi cũng không có thời giờ để hỏi xem vì cớ gì hắn tử tế quá vậy? Tôi chạy vào cổng, đúng lúc ông bảo vệ ra khép cửa. Tôi biết đã đúng giờ. Trường nầy nổi tiếng có kỷ luật. Ai cũng bảo nội qui trường có sức mạnh. Nhờ vậy, tác phong những thầy cô giáo tương lai mẫu mực ra phết. Cũng chính vì tôn trọng giờ ra vô mà tôi đã bấm bụng …ôm gã chết tiệt kia.
          Thật bất ngờ, hắn cũng có tên trong danh sách học viên lớp Tâm lý – Giáo dục 1, TV. Cởi bỏ chiếc áo khoát để lộ chiếc áo cộc tay màu trắng được nhốt vào quần hẳn hoi, trông hắn đỡ bụi bậm hơn, Tôi bật cười khi thấy hắn rút từ trong lần áo trước bụng ra một quyển tập đã được bao bìa cẩn thận. Hắn nhìn tôi cười bẽn lẽn. Bây giờ, trông hắn hiền như bụt.
          Lớp học gần bảy chục người với nhiều ngành nghề khác nhau. Phần đông là những người lớn tuổi. Có chị đã gần năm mươi tuổi, mắt mờ, phải đeo kính. Có anh hơn năm mươi tuổi, tóc đã điểm bạc. Họ đi học vì cái gì chứ? Nếu có mẹ ở đây, chắc bà sẽ yên lòng. Bởi so với nhiều người, tôi còn rất trẻ. Sau nầy, khi trở nên thân thiết, tôi hỏi chị Vi điều mình thắc mắc. chị hỏi lại tôi học vì cái gì? Tôi nói thật lòng là do ham hiểu biết. Kiến thức đối với tôi cũng giống như khí trời. Thiếu nó, tôi chết! Chị cười thật tươi bảo cũng nghĩ như tôi. Chị mơ vào đại học mà mãi đến lúc đời sống gia đình ổn định, con cái tốt nghiệp đại học xong, chị mới có cơ hội sống cho mình. Tôi lỡ lời: “Nhưng sức khỏe của chị yếu…” Chị siết chặt tay tôi: “Dù biết ngày mai chết, hôm nay chị vẫn đến lớp”. Tôi cảm thấy yêu đời hơn và tin vào quyết định đúng đắn của mình.
          Tôi không còn ghét Khải với hàm râu rậm. Anh rất vui tính, hát hay nên nổi bật ngay từ ngày đầu. Có người hỏi vì sao đã lớn tuổi, gia cảnh khó khăn mà còn đi học. Khải giải thích đơn giản, thật tình: “Sợ bị giảm biên chế. Mình ráng học, có trình độ chuyên môn cao, ai dám bỏ mình?” Tôi hỏi:         “Lương không đủ ăn hay sao mà phải chạy xe ôm?”. Anh lắc đầu: “Phải gửi về quê nuôi bầy con. Làm thêm chút đỉnh để xài thoải mái. Với lại, nghề nầy thú vị lắm, vừa được người ta ôm vừa được trả tiền” Tôi bỗng dưng buồn trong khi mọi người bật cười vui vẻ. Chị Vi trêu Khải: “Có người đẹp nào ôm chưa?” Hắn liếc sang tôi, gật gù: “Rồi, phê quá trời!” Anh Toàn cười ha hả: “Chắc tôi phải bắt chước ông Khải quá! Vừa thay đổi không khí, vừa có tiền”.
          Chiều, sau giờ học, tôi vẫn lang thang một mình. Tôi nhìn lơ ngơ những chiếc xe máy vút qua, ném lại tiếng ồn dọc lối đi, hững hờ nhìn những cửa hàng nhộn nhịp người ra vào. Mùa hè sắp tàn, phượng đỏ rưng rưng. Sắp kết thúc đợt học đầu tiên. Tôi sẽ quay về cơ quan, tiếp tục công việc đơn điệu, buồn tẻ. Sắp phải chia tay với những người bạn mới. Trong đó, có anh. Tôi buồn không sao chịu được. Mẹ phải kêu lên:
          - Con Xuyến dạo nầy ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mất hồn. Thôi, nếu học không nổi thì nghỉ đi chứ đừng ráng quá mà loạn óc. Con gái gì mà ốm như que củi khô.
          Hình như hắn cũng gầy. Vừa học vừa làm mà! Tuy nhiên hắn vẫn lạc quan, yêu đời, giọng hát vẫn trầm ấm ru hồn. Hoàn cảnh không thay đổi được bản chất con người hắn. Tôi thường mường tượng ra khuôn mặt người đàn bà là vợ anh. Chắc có lẽ cô ta đẹp, nết na nên anh mới chịu vất vả đến thế. Tôi lại buồn, chẳng biết vì sao?
          Buổi liên hoan tạm biệt chưa tàn thì một lũ con nít ào vào lớp. Chúng vây lấy anh: “Ba!” - Anh trợn mắt:
          - Trời đất! Bốn đứa ở đâu ra vậy hả? Dám lên đây mà không báo trước. Có ngày bị ông kẹ bắt đó!
          Cả lớp cười ồ. Thằng lớn nhất vung tay, vẻ bậm trợn không thua gì ba nó: “Ba quên con đã từng đến đây mấy lần kiếm ba sao? Dễ gì lạc!” Chị Vi kéo bốn đứa nhỏ đến ngồi cạnh: “Mẹ của mấy con có lên không? Thằng lớn nhất thưa:
          - Dạ, má con mất lâu rồi.
          Tiếng cười tắt nghẽn trong cổ chúng tôi. Anh mỉm cười:
          - Đúng là chị tôi mất lâu rồi, má tôi thấy anh rể tôi có vợ khác, bà sợ tụi nhỏ khổ nên hốt hết về nuôi. Tui bắt tụi nhỏ gọi là ba cho vui.
          Cả lớp cười ầm ĩ. Chị Vi hỏi:
          - Vậy chừng nào Khải cho tụi nầy uống rượu mừng?
          - Dạ, tốt nghiệp là em…bụp liền.
          Anh Toàn vừa lột vỏ chôm chôm vừa nháy mắt:
          - Có nhắm đối tượng nào chưa?
          Khải cười ha hả:
          - Rồi, học chung với tụi mình nè!
          - Ai vậy, khai thật đi. Chị Vi hối thúc.
          Anh đứng dậy, đưa tay phải lên cao;
          - Tôi, Lê Khải! Xin thề trước tập thể lớp là sẽ yêu cô Nguyễn Thị Hồng Xuyến đến trọn đời.
          Cả lớp cười bò lăn. Tôi đỏ mặt tía tai:
          - Chưa thấy ai vô duyên bằng anh. Đùa gì mà trắng trợn vậy hả?
          Anh vò đầu:
          - Anh nói thật mà em. Nè, bốn đứa con nghe ba hỏi. Các con có đồng ý cho ba cưới vợ không? Nếu chịu thì ra mắt mẹ đi.
          Bốn đứa nhỏ cũng thật láo. Chúng chạy đến trước mặt tôi, khoanh tay cúi đầu: “Chào mẹ!”
          Tôi không sao giải thích được tâm trạng mình lúc đó. Vừa giận, tức, vui lẫn lộn. Đó là hiện tượng tâm lý gì nhỉ?
N.T.M
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

6 nhận xét:

  1. Cám ơn anh Hữu Duyên. Chúc anh ngày mới vui và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc Mây sức khỏe và trình làng đạt kết quả mỹ mãn đứa con tinh thần sắp ra đời! Thân mến!

      Xóa
  2. Truyện dễ thương, mình thấy thích cái kết. Nhẹ nhàng mà hóm.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn bạn Tạ Hoa đã đọc bài của NTM và bình luận. Chúc Tạ Hoa luôn vui và hạnh phúc nhe.

    Trả lờiXóa
  4. mỘT CÂU CHUYỆN rất dễ thương cô ạ.

    Trả lờiXóa