CON GÁI RƯỢU – Truyện ngắn Hồ Tịnh Thủy



Hơn mười giờ đêm, con Vàng ngồi một mình trong phòng, nhìn trân trân vào màn hình máy tính, rấm rứt khóc. Chị dâu ở phòng kế bên, nghe rõ tiếng nấc của con Vàng dù biết nó đang cố lấy tay bịt miệng để ngăn tiếng khóc phát ra. Chị nhắn tin sang, “Bé à, đừng khóc nữa, bệnh mà khóc hoài, để sức còn qua viện chăm sóc ba”. Tin nhắn dứt mấy giây, tiếng khóc con Vàng vỡ òa trong đêm.
Lũ gà ngủ mê giật mình thức dậy, gáy om sòm. Những chiếc lá buồn héo hắt, nằm im lìm trên cây, không dám rụng, sợ động đến trái tim con Vàng. Nó vẫn khóc, gục đầu lên bàn phím. Trên màn hình, bức ảnh nó và ba nó chụp chung hôm đám cưới anh trai đầu vẫn chưa tròn năm. Ba nó thấp, nên lúc chụp, nó phải khom người xuống chút xíu để vòng tay ôm lấy tấm thân bé nhỏ, quắt queo như tàu chuối rũ của ông. Được cái, miệng ông cười tươi rói, con Vàng cũng cười tươi rói như nắng đầu mùa nên bức ảnh sáng bừng trong đêm. Nhưng chính cái điểm sáng ấy đang khiến con Vàng đau, nhức nhối vì nó lo sợ nụ cười ấy sẽ tắt vào một ngày không xa, khi mà giờ này, ba nó đang phải gánh chịu những cơn đau trong bệnh viện.

Đang khóc, con Vàng bỗng dưng im bặt, tim nó sắp nhảy khỏi lồng ngực khi chuông điện thoại bàn rung lên. Nó nín thở, lắng nghe, không một từ nào được thốt ra khỏi miệng anh nó ngoài một tiếng “ừ”. Nó bật dậy, phóng như bay ra khỏi phòng, chạy lại níu áo khi thấy anh nó chuẩn bị dắt xe.
- Có chuyện chi rứa anh?
- Ừ, ba hơi yếu. Bé ở nhà với chị và cháu, khuya rồi, giờ anh qua viện phụ mẹ với anh Nâu.
- “Không, em đi nữa, đợi em chút”. Nói vừa dứt, con Vàng chạy ngược vào phòng, chưa mặc xong cái quần dài đã nghe tiếng xe máy nổ. Nó hét toáng lên:
- “Anh Đen, đợi em với, đợi em với”. Anh nó nhăn mặt:
- “Con gái con đứa, đêm hôm mà hét ỏm tỏi, người ta chửi cho”. Nó không nghe, leo tọt lên xe, người nóng như có lửa.

Mấy hôm trước, con Vàng vẫn thấy ba nó khỏe, nói chuyện rôm rả với khách đến thăm. Người ta nắm tay ông, vỗ nhẹ vai ông, động viên ông mau lành bệnh. Ông “ừ”. Nhưng nhìn ánh mắt ông, đôi mắt hướng xa xăm ra cửa sổ, mơ màng, thi thoảng, cánh tay gầy trơ xương quơ trong không trung, nước mắt con Vàng nhỏ ra.
Đợt trước, lúc nằm ở bệnh viện gần nhà, con Vàng đã nhận ra, ba nó “lạ”. Ngoài giờ đi học, nó thay mẹ và các anh vào trực. Trong túi xách của nó, lúc nào cũng có tập truyện ngắn “Đóa hoa hồng không gai và con cừu không rọ mõm” của nhà văn Quế Hương và tập “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư để đọc trong lúc ba nó ngủ. Đó là một cách để trái tim nhạy cảm của nó thôi bớt lăn tăn về cuộc đời, về nụ cười, nước mắt…, về cái sự sống, chết đang nhảy múa trước mắt nó khi phải chứng kiến và nghe những tiếng kêu la đau đớn của người bệnh. Từ những con chữ nhẹ nhàng, hiền hậu như những cô tiên trong cuốn sách, những kí ức tuổi thơ của nó và người cha thân yêu lại chảy về, tưng tửng, réo rắt, ngọt ngào mà cay xé. Những trang văn khiến nó thèm chảy cả nước dãi về một mùa tuổi thơ êm đềm, những “thước phim” quay chậm về con người khiến nó lo sợ chẳng may phải chứng kiến sinh ly tử biệt ngoài đời thật. Nhưng cũng chính những thông điệp ẩn đằng sau những đắng đót ấy đã cho nó cả một khối sức mạnh đủ lớn để có thể hiểu và cố gắng bình thản đón nhận mọi trăn trở của cuộc sống.

Sinh nó ra, mẹ nó gọi là bé Vàng. Hàng xóm bảo nó sướng, nhà toàn con trai, có đứa con gái út hèn gì cưng như cục vàng. Nó nghe đã cái lỗ tai, cười tít mắt tít mũi. Còn mẹ nó, cười mà miệng méo xềnh xệch, chống chế, “cưng mô mà cưng, lúc mang bầu hắn, hai vợ chồng tui cực còn hơn đi củi, suốt ngày làm lụng vàng cả mắt cả mũi nên gọi và Vàng đó chớ. Sướng, thì đặt tên là đỏ rồi”. Nó không hiểu trăng sao gì, chạy lại ba nó hỏi:
- Ba, mẹ nói đúng hôn rứa?
- Ba không biết vì tên nớ mẹ con đặt. Còn ba thì vẫn cứ thích gọi con là…Bẹp.
- “Bẹp nghĩa là chi?” – Vàng hất cằm lên.
- “Bẹp là Bẹp, là con gái, là cục cưng” – vừa nói ông vừa xoa đôi tay gầy nhẵn lên đầu con Vàng rồi hun chùn chụt vào mớ tóc lơ thơ, cháy khét của nó.
- “Rứa răng mọi người hay chỉ tay vào…”cái nớ” của con rồi kêu là Bẹp?” – Con Vàng hỏi ngắc ngớ khiến ba nó chưng hửng.
- Ừ thì… đó cũng là Bẹp.
- “Ứ, rứa con không chịu mô, tên chi xấu òm. Ba gọi con tên khác đi.” – Con Vàng vít cổ ba nó nhõng nhẽo. Ba nó ừ một tiếng rõ to rồi cười sảng khoái, “con có tên khác mà con không để ý đó chứ”. Vừa nói ông vừa đặt con Vàng xuống đất rồi lui sau vườn tưới rau. 
Những ngày sau đó, con Vàng để ý hơn lời nói của ông Tân. Và nó đã phát hiện ra cái tên ba nó vẫn gọi hằng ngày khi ba nó ngồi khề khà với mấy chiến hữu.
- Con bé lúc nãy là út của anh đó à?
- Ừ, con cái rượu của tui đó.
- Hắn tên chi?
- Con Gái Rượu.
- Cưng con quá hở. Hay vì hắn hay đi mua rượu cho anh lai rai?
- “À, ờ, thì…cả hai” – Dứt lời ông Tân đưa chén rượu nhỏ xíu lên mời ông khách và cười ha hả ra vẻ khoái chí. Con Vàng đứng nấp trong buồng, nghe rõ mồn một, nữa thấy sướng nữa thấy…ghét. Vì nó không thích ông Tân uống rượu, không thích mấy người ông Tân gọi là chiến hữu, họ làm ba nó say.
Mỗi khi đi với chiến hữu về, mặt ông Tân đỏ như tắc kè, chân bước chệnh choạng, thấy con Vàng là kéo cổ lại, hun tới tấp vô mặt nó cho đến lúc nó kêu đau mới thôi. Tối nào may mắn thì ông lăn quay ra ngủ, tối nào có chuyện không vui, ông lôi mẹ nó ra gây sự, những chuyện không đầu, không cuối, vu vơ từ thời con Vàng chưa lọt lòng. Có khi, con ma men trỗi dậy mạnh quá, ông quơ đại những thứ ông thấy trước mắt, ném linh tinh khắp nhà. Mấy anh em con Vàng mặt tái mét, mỗi đứa một góc, núp thiệt kĩ. Còn mẹ nó, lúi húi cất được cái chi thì cất, có khi gởi sang tận nhà hàng xóm cái bình thủy gỉ sét, cái quạt Thái lâu đời mỗi khi bật cứ kêu rè rè, cái nồi cơm điện tích cóp mấy năm mới mua được… Đợi lúc ba nó ngáy khò khò, lại lúi húi quét dọn mớ mảnh chai văng tung tóe. Sau đó nhúng khăn lau mặt, lau tay chân cho ba nó. Chứng kiến cảnh ấy, con Vàng chỉ biết cắn răng, nó thương mẹ nó chừng nào thì giận ba nó chừng đó. Định bụng lúc ông dậy nó sẽ hỏi vì sao ông quát mẹ vô cớ nhưng cái ý định đó cho đến khi lớn lên con Vàng vẫn chưa làm được.
Khi không có hơi men, ông Tân là một công dân bình thường, một người chồng mẫu mực, một người cha rất đỗi thương con. Có đêm, ông Tân say khướt, lấy chai rượu quất đại vào giường hai mẹ con con Vàng đang ngủ, trúng ngay chân con Vàng, nó vừa khóc ré lên mẹ nó đã kịp bịt miệng lại, bảo nó chịu khó rồi ngủ đi. Sáng ra, ông Tân nhìn chân con Vàng sưng vù, lấy dầu xanh xoa bóp cho nó, hỏi:
- “Con gái ba hư quá, lên trường nghịch phải hôn?”. Con Vàng định khai thiệt nhưng nhìn ba nó đang phùng má thổi vào vết bầm, thấy tội tội, nên thôi.
- Dạ, chiều qua chơi nhảy dây, con bị bổ (ngã)
- Con gái phải lo giữ gìn, để chân bị thẹo, lớn lên không mặc váy được, xấu lắm nghen con. Mà kì ni con học răng rồi?
- Dạ, hết kì rồi, cô giáo nói con được xếp loại giỏi, phụ huynh nộp hai chục ngàn để làm phần thưởng cuối năm.
- “Ha ha ha…”, ông Tân vỗ cái đét vào đùi rồi ngẩng cổ lên cười như khoe với ông trời.
- Đúng là con gái rượu của ba, vừa ngoan vừa học giỏi, lấy cái chai, chạy đi mua cho ba xị rượu, tí ba nhậu ăn mừng, rồi về ba cho tiền. Chiều, ba gọi chú An chở đi mua cho con búp bê đẹp thiệt là đẹp, chịu hôn Bẹp?
Con Vàng nghe rượu thì nhăn mặt nhưng nghe đến búp bê là mắt sáng rỡ, lệt bệt đứng dậy ngay tắp lự. Nó cũng quên bén luôn chuyện cái chân, chuyện mẹ nó hay bị mắng vô cớ. Quên luôn từ đó cho đến tận mười mấy năm sau, khi cái tên “Bẹp”, “Vàng”,  “Con gái rượu”, “Mụ vợ đầm” (tên ba nó gọi âu yếm mẹ nó) được ba nó cất kĩ vào cái rương mang tên Ấu Thơ.

Thời gian thấm thoắt trôi, mấy anh trai Vàng rẽ ngang, ra bon chen với đời, mỗi nó là tiếp tục học. Nó thành thiếu nữ, da bớt đen hơn, tóc bớt cháy vàng hơn, miệng cười duyên hơn. Ông bà Tân quản rất kỹ, chẳng cho làm gì ngoài học và loay loay mấy việc vặt trong nhà. Con Vàng thương ba mẹ cực nhọc sớm hôm, cố gắng ngoan dù nhiều khi nó rất bướng bỉnh. Nó chán, mệt mỏi với cái khung quản giáo của ba nó. Đôi khi nghe bạn bè tung tăng hết nơi này đến nơi khác, nó thèm đến phát khóc nhưng không dám hé răng. Nó không muốn xin tiền, không muốn ba mẹ nó bận lòng và hơn hết nó biết chắc, ba nó chẳng cho đi đâu ra khỏi cái thành phố vốn yên ả như dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế này.

Sang cái dốc bên kia cuộc đời, sức khỏe ông Tân yếu đi trông thấy, ông thôi uống rượu, thôi cằn nhằn vợ con, thôi làm việc nặng, suốt ngày quanh quẩn với mớ chim gà và mấy chậu cảnh trong vườn. Một người em kết nghĩa tặng ông con chó nhỏ làm bạn lúc xế chiều. Ông vui như bắt được vàng. Định đặt tên là Vàng nhưng trùng tên con Bẹp nên cứ gọi con chó là Nô. Ông cưng lắm. Sáng dậy...Nô, trưa ăn cơm Nô, chiều Nô, tối trươc khi đi ngủ cũng Nô. Thương con chó đến nỗi, mỗi lần đi ăn sáng, thấy người ta vất xương lăn lóc, ông lượm về một bao đầy làm quà cho nó. Bà Tân xót chồng, cằn nhằn, “chi mà cực rứa ông? Để tui vô chợ kiếm”. Ba con Vàng lại cười cái điệu cười ha hả như mọi bận, sướng rơn khi con Nô vừa thấy bóng dáng ông chủ đã chạy tọt lại, vít hai chân trước lên ôm cái dáng hao gầy của ông ra vẻ cám ơn. Ông Tân nhìn sang con Vàng, ra lệnh:
- Bé, nhiệm vụ của con là cho nó ăn đàng hoàng ngày hai bữa trưa, tối. Để nó đói là bị đánh đòn, nghen hôn.
- “Dạ”, con Vàng lí nhí, bụng tức anh ách rủa thầm, “con chó đáng ghét, làm ba tau khổ, giờ tới phiên tau”. Có lần, con Nô ăn một loáng sạch tô cơm, nó chạy lại ông Tân nguẩy đít. Nhìn trật sang, thấy sạch bóng, ông lớn tiếng gọi con Vàng nhắc nhở. Con Vàng giải thích rồi quày quả bước đi, định bụng hu (kêu) con Nô ra vườn, quất một phát vào mông cho bỏ ghét nhưng nghĩ sao lại thôi. Nó là con người, không thể và không nên đôi co với một con chó, cái “đứa” có công mang niềm vui đến cho ba nó. Dù gì, rồi con Vàng cũng quen với việc chuẩn bị cho nó ngày hai bữa cơm. Ghét, rồi không thương, rồi thương, không quay ngược lại được. Từ đó cho đến tận đến mười năm sau.

Hăm hai tuổi, con Vàng vừa tốt nghiệp đại học, ông bạn thân ba nó sang chơi, ngỏ hết cái này đến cái nọ rồi cuối cùng chốt lại câu:
- “Tui để ý con bé nhà anh lâu lắm rồi, nếu anh đồng ý thì...mình làm sui”. Ông Tân nghe, ậm ừ, cả nể.
- “Nghe anh nói cũng thấy vui, để tui hỏi ý con bé coi”. Con Vàng lắc đầu, con chưa muốn lấy chồng. Ông Tân cười khà khà, “ừ”. Rồi “xúi” con Vàng học thêm cái bằng nếu nó muốn. Con Vàng nghe sướng rơn nhưng đắn đo: 
- Thôi, để con đi làm, nhà mình khó, ba mẹ nuôi con chừng đó nhiều rồi.
- “Ba mẹ có nuôi nổi thì…mới nuôi, chứ không đi vay mượn của ai cả. Mình khổ trước, sướng sau. Quyết định rứa đi”. Sự dứt khoát của ông Tân khiến con Vàng thèm được nhỏ lại để ôm ba nó hun chùn chụt vào cái má tóp rọp, cái cằm lún phún râu từng chích vào mặt nó nhột nhột, như xưa.

Con Vàng học được một kì, ông Tân đổ bệnh nặng, héo quắt queo, vàng vọt hẳn. Cả nhà luýnh quýnh đưa ông đi viện. Con Vàng buồn thúi ruột, buổi ngày cố gắng tươi tỉnh nhưng đêm về, ôm gối khóc rấm rứt cho đến lúc ngủ mê đi. Sáng ra, vô viện, nhìn tấm thân ba nó lọt thỏm trong mớ chăn ga trắng toát, nó không chịu nổi, chực khóc, nhưng cố nín. Thi thoảng, nó giặt khăn lau mặt rồi chải đầu cho ba nó. Ông Tân nằm im lìm nhưng chẳng hiểu sao mắt lại ươn ướt, khuôn mặt  méo mó đi. Chấm nước mắt cho ông chừng nào, nước mắt nó chảy ra chừng đó. Đó là lần tiếp theo con Vàng thấy ba nó khóc kể từ hôm nó và ông Tân tiễn người anh kế nó đi xa làm việc cách đó năm năm. Con Vàng không dám gọi ba nó dậy, ngồi im re ở cuối giường, cố tập trung đọc nốt những đoạn còn dang dở của truyện ngắn “Cải Ơi” mà thấy…quặn lòng. Quặn cho người cha già đáng thương trong truyện, mãi miết, miệt mài, mòn mỏi đi tìm đứa con gái (con riêng của vợ) thân yêu vì một lần bồng bột, để sổng mất đôi trâu, sợ sệt và trốn đi biền biệt mười mấy năm trời. Quặn cho cả chính ba của nó khi bất chợt, ông mơ màng quờ tay vào không trung và gọi cái tên năm xửa năm xưa của nó, “Bẹp mô, con gái rượu của ba mô rồi?”. Ba con Cải “khỏe” nhưng không gặp được con Cải với ba con Vàng bệnh tật, có con Vàng ngồi sát cạnh bên mà không biết, không thấy thì…có khác chi nhau? Ông Tân lặp lại câu hỏi, con Vàng hốt hoảng đặt tập sách xuống.
- Ba, con đây, ba gọi con chi?
- “Đóng cửa sổ dưới bếp lại con, lạnh quá!”- Ông nói mà mắt vẫn nhắm nghiền.
- “Ba, mình đang ở viện mà, ba quên à? Ba mở mắt ra đi” – Con Vàng cuống cuồng.
Ông Tân tỉnh giấc, con Vàng chưa kịp mừng đã thấy ba nó vẫy vẫy chị chăm nuôi ở giường đối diện.
- “Chị, chị, con gái rượu của tui đây, học giỏi lắm, thi mô đậu đó, bằng khen nhiều vô kể đó chị” và sau đó là những câu lẩm bẩm không rõ nghĩa, giọng trẹo đi, con Vàng đau lòng cố lắng tai nghe nhưng không thể, nước mắt rơi xuống nền gạch lạnh lẽo. Chị ấy ái ngại chưa kịp quay đi ba nó lại lên tiếng.
- “Chị, chị, tui.. thương…hắn, không cho…hắn làm…chi hết, hắn…nấu…cháo bánh canh(*) mà …bị…bị… khét đó chị”. Ông tiếp tục lẩm bẩm, bâng quơ những câu không đầu không cuối, chắp vá nhau. Con Vàng tưởng ba nó mơ sảng nhưng khi nhớ lại nó ôm mặt gục xuống giường. Chuyện xảy ra năm nó mười ba tuổi, nó đã quên, vậy mà ba nó…giữ mãi hình ảnh “ngọt ngào” ấy cho đến bây giờ- khi cơ thể ông đang bị những cơn đau cấu xé thì trái tim ông lại sống dậy với những năm tháng của kí ức. Con Vàng thấy sợ, ba nó…“lạ” quá, vì từ lần đó, ông không bao giờ nhắc nhở nó chuyện nấu ăn, đã thôi gọi nó là Bẹp từ xa lắc xa lơ. Nó sợ, sợ ba nó sắp chết. Vì người sắp chết, thường hay lạ như thế. Nó gọi cho mẹ và các anh, bác sĩ cho ba nó chuyển viện, tranh thủ đưa ba nó về nhà nằm nghỉ đợi xong thủ tục nhập viện khác. Con Nô đánh hơi ông chủ, chạy ào lại cắn chặt gấu quần ông Tân. Ông Tân liếc xuống và chỉ đủ sức vỗ nhẹ lên đầu con Nô một cái rồi nằm im lìm. Con Nô chạy lại phía cuối giường, liếm chân ông Tân rồi ngoan ngoãn nằm yên cho đến khi cả nhà lại đưa ông Tân đi, nó nổi điên sủa ăng ẳng, xé tan cả buổi ban trưa.

Chuyển viện được tuần, con Vàng lên sởi, đành nằm nhà cho đến đêm nó theo anh trai sang viện sau khi nghe điện thoại. Xe dừng đến cổng, nó chạy như bay vào trong. Vừa ló mặt vào hành lang, chân nó khuỵu xuống khi thấy nhiều người vây kín đặc trước phòng ba nó. Con Vàng dùng hết sức chạy thật nhanh vào phòng, nó chưng hửng, mắt trợn ngược, miệng há hốc, mặt co rúm lại, đau đớn. Mẹ nó đang ngồi phía sau giữ chặt ba nó để bác sĩ đặt ống oxi trong khi chờ gọi cấp cứu chở về nhà.
- “Ba, ba…ơi, con đây” – Con Vàng nắm tay ông Tân áp nhẹ lên má mình, tức tưởi. Lúc này mắt ông Tân chỉ còn thấy tròng trắng, miệng nghiến chặt ngậm ống oxi, cơ thể không còn động đậy.
- Ba…ơi, con đây mà, bé đây, con...gái rượu của ba đây, ba mở mắt ra đi, ba.
- Ba, con gái bất hiếu, còn chưa đền đáp được chi, ba bỏ con răng đành, ba? Đáp lời con Vàng là cái lắc đầu của bác sĩ, là giọt nước mắt đắng nghét của mẹ nó, là tiếng khóc của người xung quanh, là tiếng thở dài não nề của bóng đêm và thần chết bao trùm.

Đám tang ông Tân, con Vàng như chết đi sống lại, sợ ba nó giận vì không thể nhìn mặt ba lần cuối. Mẹ nó dỗ dành mãi nó mới bớt khóc và chịu uống chút sữa. Con Nô thì khá hơn, không khóc và mục ruỗng như con Vàng, suốt ngày nằm trước quan tài, có khách đến viếng thì chạy ra, không có thì lại chạy vào, gục cái mõm dài ngoằn xuống nền nhà, đôi tai cúp lại, mắt liu riu. Ít lâu sau khi chôn cất ông Tân, trời mưa to, đêm ấy, con Nô tự dưng biến mất, không một dấu vết. Cả nhà nhốn nháo đi tìm nhưng nó mãi mãi không về,…giống như ba con Vàng. Con Vàng nhìn mẹ, chép miệng, “buồn chi, hắn về với ba, vui cho hắn chớ”.
Thời gian trôi dần, con Vàng bớt ủ rũ và trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng thỉnh thoảng, nó vẫn ngủ mơ thấy ba nó về, khi thì bảo nó dắt đi thăm xóm giềng, khi thì nhắc nhở nó đôi điều, có khi ngồi nói chuyện với gia đình, rồi ngẩng đầu cười ha hả. Tỉnh dậy, nhớ ba, con Vàng khóc om sòm, mệt lả rồi lịm đi cho đến sáng..
Đêm qua, nó lại mơ. Lần này, con Vàng mơ thấy ba nó chết, xác nằm ngay ngắn trên giường, người đến nhìn mặt ba nó đông lắm. Con Vàng ngồi cạnh chân ba nó, gục đầu lên gối. Chợt nghe ai đó gọi văng vẳng bên tai, ngẩng đầu lên, thấy ba nó ngồi dậy, giơ tay với lấy tay nó. Con Vàng dựng thẳng người, cuống quýnh cầm tay ba nó nhưng chộp đến lần thứ tư, thứ năm…tay nó cũng chỉ nắm được khoảng không dù nghe rõ mồn một: “Con gái rượu của ba đây phải hôn?”. “Dạ, bé đây ba, con gái của ba đây”. Ba nó mỉm cười, “đúng là Bẹp của ba, tốt rồi, tốt rồi”. Xong ba nó nằm xuống, đặt ngay ngắn vào cái xác khô quắt trên giường. Con Vàng giật mình nhìn quanh, khăn tang trắng toát, người người tấp nập, ba nó chết rồi, sao lại ngồi dậy nói chuyện với nó. Rồi nó rùng mình nhận ra, hồn ba nó vừa trở về. Nó sợ hãi hét toáng lên:
- Mẹ ơi, mẹ ơi, ba về, ba về nắm tay con, mẹ ơi.
- Bé, bé, tỉnh dậy đi con, bé.
- “Bé, mẹ đây, có chi mà khóc, nín đi” – mẹ nó vỗ mạnh lên trán con Vàng cho đến khi nó tỉnh ngủ. Con Vàng mơ màng nhìn quanh, màn đêm bao phủ, mẹ nó ngồi cạnh bên, nước mắt nó đầm đìa, tay chân run rẩy. Nó ôm chặt mẹ, nấc lên từng cơn.
- “Mẹ à, ba…ba không có giận con. Ba nắm tay con,… thương… con lắm”
- Ừ, nín đi, đừng để ba buồn. Trăm ngày ba xong, gia đình lên mộ thăm ba.
Vài ngày sau, con Vàng cùng gia đình lên mộ thắp nhang cho ông Tân. Mớ dây leo quanh mộ mà nó và người anh trai kế tưởng là cây bầu hóa ra là cây dưa hấu, vừa sai quả. Hai quả dưa bé tẹo như hai quả bóng nhỏ nằm chỏng chơ trên nền đất cát. Mẹ nó lấy tấm báo đặt nhẹ nhàng phía dưới, vun vén đám lá ngụy trang tránh lũ trẻ chăn trâu phá phách. Con Vàng ngồi lặng lẽ bên mộ, nhìn xa xăm về rặng núi phía tây, nơi ánh mặt trời đang tắt dần. Và hoàng hôn thì chín đỏ, cháy rát cả một góc trời. 
Huế, tháng 6.2011
H.T.T
(*) Cháo bánh canh: một món ăn dân dã của xứ Huế, nguyên liệu chính dùng bằng bột mì, bột lọc hay bột gạo, có nhiều nước.



Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

2 nhận xét:

  1. Thật cảm động. Mình không có cái may mắn được ba yêu thương. Mình lớn lên, không biết mặt ba. Mẹ mình cũng đã mất. Đọc truyện, mình thấy nhớ mẹ, và đồng cảm với những tình cảm của tác giả.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bạn đã đọc. Chia sẻ với những nỗi lòng của bạn. Chúc bạn có nhiều niềm vui trong cuộc sống, bạn nhé!
    (Hồ Tịnh Thủy)

    Trả lờiXóa