Chị viết thư nghèn nghẹn: “Chị ở xa lắc lơ, mờ mờ ảo ảo không biết mình là ai, quê hương mình là đâu? Chị nhớ tết quê đến trập trùng nước mắt. Có khi nào em gởi tết Việt Nam sang Boston cho chị không?
Bây giờ xóm nhỏ của em đã về khuya. Không chừng em còn thao thức chưa ngủ, như em mong manh vào sáng sớm khi email cho chị. Chị cố gắng hình dung V.Hà ạ, nơi huyện lỵ em đang sống, nơi nuôi dưỡng cảm xúc của em, hay nơi mai một tài năng của em hả V.Hà? Ít ra em sống hạnh phúc chứ hả V.Hà?
Cái nắm tay của V.Hà làm cầu bắc ngang biển Thái Bình để mang chị về gần lại mảnh đất mà bố mẹ chị vẫn gọi là "quê hương" được không em? Phải đó V. Hà ạ, biết đâu chừng, có ngày chị đến tận trường học tìm cô giáo V.Hà, với cái lý do đơn giản: vì tác giả, đến thăm đất.
Chị sinh ở Sài Gòn, may mắn sống đủ đầy, hạnh phúc với bố mẹ chị được mấy năm thì đến năm 75 chị theo mẹ về quê ngoại ở Gò Công, bố chị mất tích nhiều năm mãi đến sau nầy mới biết được bố đang ở Mỹ và vì thế mẹ con chị đã sang Mỹ từ năm 84. Khoảng thời gian chị lớn lên ở quê ngoại nghèo khổ đó để lại cho chị nhiều ấn tượng lắm. Thế thái nhân tình bạc bẽo, lẫn rực rỡ. Sang Mỹ, chị như bao nhiêu người khác: ăn học ra đi làm, lấy chồng sinh con, bận rộn hàng ngày. Vậy thì kể gì về chị cho em nghe khi mình có dịp gặp nhau? Hay là chị kể cho V.Hà nghe nhiều lần ở biển, ngó sóng bạc đầu chị nhớ đến tích Sầm Tham ở đất Quang Trung thấy sông Vị Thủy mà chảy nước mắt nhớ về quê hương của ông ấy :
Vị Thủy dông lưu khứ
Hà thời đáo Ung châu
Bằng thiêm lưỡng hàng lệ
Ký hướng cố viên lưu
Hà thời đáo Ung châu
Bằng thiêm lưỡng hàng lệ
Ký hướng cố viên lưu
Không biết sông Vị chảy về Ung Châu của tác giả phải đi bao xa, chứ nơi chị ở và Việt Nam xa xôi quá, và chị cũng đã quá xa lạ với đời sống bên kia, vậy thì phải bao nhiêu nước mắt cho vừa ?”
Mình không biết làm thế nào có thể gói ghém tết Việt Nam gởi sang Boston cho chị được. Chị cũng không thể tra Google nỗi nhớ của mình dù hình ảnh bánh chưng xanh, củ kiệu, dưa hành, mâm ngũ quả, đào, mai rực rỡ… sẽ hiện ra sau cái nhấp chuột.
Mình cũng chỉ có một nơi để nhớ tết, đó là cái tết ở làng Dục Quang – Bắc Giang. Làng Dục Quang năm xưa nghèo lắm. Cả vùng lúc bấy giờ không nơi đâu người dân lại lầm lụi như quê mình. Nghèo không phải vì người dân làng lười mà nghèo vì ruộng ít người đông, vì thiên tai lũ lụt, vì năm nào cứ đến mùa mưa là cả cánh đồng lại bị ngập chìm trong biển nước. Quanh năm người dân làng mình phải chịu đói, ăn độn ngô, khoai, sắn... Mỗi khi giáp hạt sắn khoai chẳng còn, hầu như cả làng xếp hàng đi mua bã đậu ở làng bên về ăn thay cơm. Có gia đình đói quá, đến thóc giống cũng đổ ra mà ăn chạy đói. Đúng vào cái dịp đói nhất trong năm thì lại vào dịp Tết. Cả năm đầu tắt mặt tối làm lụng tìm cái ăn cái uống, cái học, cái hành cho con cái chẳng ai còn thời gian để nghĩ ngợi gì nên dồn tất cả nỗi buồn cho tháng chạp. Mẹ mình hay bảo: “Buồn cho hết tháng chạp để còn vui một mùa tết”.
Mình không biết mùa gió chướng Ðông Bắc nước Mỹ nơi chị sống lạnh lẽo đến dường nào để so sánh cái lạnh tê tái của tháng chạp Việt Nam . Lạnh như vết cứa xa vắng lặp đi lặp lại và ở đó thật lâu như nỗi tiếc nuối của mười một tháng trước. Cả mùa đông như để dành tất cả rét mướt để đổ xô vào tháng chạp thành rét đậm, rét hại. Chẳng áo quần nào đủ ấm chỉ đến khi rúc lòng mẹ, được mẹ che chở cái lạnh buốt thịt da mới tạm tan đi. Mẹ làm cho mấy chị em cái ổ bằng rơm nếp, từng sợi đã được lau đến mượt. Mẹ dặn, những ngày mẹ vắng nhà đi phiên chợ xa mấy chị em chui vào cái ổ rơm ấy sẽ ấm hơn cả chăn bông. Trước khi ngủ bao giờ thằng bé Út cũng giơ mấy ngón tay bé xíu lên hỏi: “Chị nói em đếm hết các ngón tay trên bàn tay phải thì mẹ về. Hôm nay là ngón cuối rồi mà…”. Mình chẳng biết nói thế nào vừa kể chuyện vừa vỗ nhẹ lưng ru em ngủ. Cái ổ rơm nếp mẹ bện tròn ba chị em nằm xếp cá mòi mà sao vẫn thấy rộng mênh mông…
Tháng Chạp không bờ xôi ruộng mật nhưng thơm lắm trên đồng Đống Mối khi mấy đứa trẻ trăn trâu tụi mình lùi củ khoai lang vào gốc rạ vừa được gom để đốt. Má đứa nào cũng hồng căng nứt xinh xẻo không phải vì lửa rạ mà vì cơn gió bấc. Mùa đông ngọt khoai lang nướng, mặt đứa nào cũng lem nhem như mọc râu mèo, tiếng cười giòn vỡ vang cả cánh đồng. Người lớn đi làm đồng ngang qua nghỉ chân cười theo lại vui vẻ cho thêm mấy bắp ngô nếp mẩy hạt, mấy củ khoai tây mới rỡ còn bám đầy đất. Gốc rạ được gom về, đống lửa to hơn, bữa tiệc cánh đồng trở nên rất thịnh soạn.
Nhà có ít sào ruộng, mẹ đi cấy đồng xa, sau giờ học thì mấy chị em cũng vác bao đi lấy rau lợn. Có đôi lợn hơi mẹ để dành bán tết. Cả cái tết trông vào đó, cả năm sau cũng trông vào đó và cả những bộ quần áo mới của ba chị em đi chơi tết cũng trông vào đó. Lợn chỉ ăn rau nên chậm lớn, mình bớt một bát cơm, em bớt một bát cơm đổ vào nồi cám lợn. Mẹ bắt gặp lấy roi mây quất cái tội ăn không đủ no đã lo cho… lợn. Mấy chị em không dám khóc, ngước lên nhìn thấy mẹ mắt đỏ hoe, lại khóc òa…
Tháng Chạp vui lên dần những ngày giáp tết. Sau ngày đưa ông Táo về trời trong làng người ta đã dựng cây nêu. Nhà ai cũng trồng tre thành lũy phía sau nhà, phía trước cổng. Mẹ chọn cây cao nhất, thẳng nhất rồi đốn hạ, dóc mắt tre chỉ chừa lại ngọn tre còn chút ít lá xanh, mẹ xin bùa vải treo lên đấy. Mẹ nói làm thế để ma quỉ không thể lai vãn tới, nhà mình sẽ được yên ấm quanh năm. Cây nêu được trồng ngay trong sân, thẳng ngay, cao vút… Bỗng dưng thấy yên ổn vô cùng, mấy chị em cũng sẽ không còn sợ ngủ mộng thấy quỉ thần khi mẹ đi chợ xa vắng nhà.
Khoảng từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp cả làng đi quét dọn mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, mời vong linh người đã khuất. Đồng Đống Mối rất đông, nhưng ai nấy đều lặng lẽ. Lặng lẽ làm cỏ, lặng lẽ quét vôi, lặng lẽ khấn vái. Phong tục nước mình chu đáo thế đấy. Người dương có tết thì người âm cũng có tết. Mẹ mang hoa cúc đại đóa, ít trái hồng hái từ cây hồng ông trồng góc vườn ngày ông còn sống để thắp hương. Khói hương bay khắp đồng, cơn gió bấc rụt rè dừng lại.
30 tết mẹ chuẩn bị một nồi thật lớn nấu nước lá thơm. Mẹ tự mình tắm cuối năm cho 3 đứa con. Người phải sạch sẽ đón tết đến mới thơm tho, may mắn cả năm, cặn dơ ở lại năm cũ đã qua. Thích nhất là đêm 30 cùng mẹ trông nồi bánh chưng. Ngọn lửa vờn ấp ui quanh nồi bánh, ba đứa con cuộn tròn trong lòng mẹ ngoan lành ăn củ khoai, củ sắn mẹ lùi chín thơm phức, nghe mẹ kể chuyện ông bụt, bà tiên rồi ngủ thiếp. Đến giao thừa mẹ gọi dậy thắp hương đón năm mới. Mâm cỗ giao thừa bao giờ cũng có con gà trống luộc, đầu ngóc lên ngậm quả ớt đỏ rất kiêu hãnh. Rồi tiếng gà gáy sang canh, tiếng gà nhà này gọi tiếng gà nhà kia rộn rã khắp làng. Mẹ mừng tuổi cho các con bằng những tờ tiền mới cóng rồi phá mâm cỗ, mỗi đứa ăn một véo xôi với thịt gà để lấy may.
Tuổi thơ của mình quanh quẩn với cánh đồng, gốc rạ, tháng Chạp muộn phiền, gió bấc vùi ngực mẹ, thế mà mình đã thấy rất đầy đủ, chẳng điều gì có thể khiến mình tổn thương được.
Mới đó mà gần 20 năm… Làng Dục Quang bây giờ không còn nghèo nữa. Cánh đồng năm xưa ngô, khoai ít dần đi, khu công nghiệp mọc lên, đường đê đầy bụi, bầu trời ngập khói… Tháng Chạp vẫn còn lạnh buốt. Vẫn còn chợ Phiên với đầy đủ các thức hàng nhưng vội vã lắm, có khi đến câu chào cũng đánh rơi. Chẳng đứa trẻ chăn trâu nào gom gốc rạ chiều đông đốt vừa để sưởi vừa để nướng khoai lang nữa. Chúng lủi thủi ngồi trên bờ cỏ đôi mắt ngơ ngác nhìn cột khói đen ngòm. Trai tráng bỏ làng lên thành phố. Mấy chị, mấy em bỏ ruộng đồng vào khu công nghiệp… Mùi của cánh đồng không còn ngọt thơm chỉ còn mùi hăng hắc lạnh lùng. Tết chẳng ai còn trồng cây nêu để đẩy lùi quỷ dữ, bảo vệ mùa màng ấm no và hạnh phúc gia đình, thôn xóm, lũy tre bao bọc làng cũng lặng lẽ lùi dần vào cổ tích.
Nhưng vẫn còn tết. Trẻ con còn thích áo mới. Người lớn còn những lo toan… Nhưng mắt mẹ không còn thăm thẳm, mắt bà cũng không còn ngân ngấn khóc con gái bạc mệnh… Tất cả đã khép lại về miền cổ tích với ông.
Mình về quê ngồi bên bờ cỏ cũ, nhìn đồng Đống Mối đang hẹp dần. May quá vạt ngô vẫn còn mướt xanh, mấy thửa lúa nếp đang chuẩn bị bật đòng, luống khoai nứt nhẹ lộ màu tím của khoai lang sắp mùa thu hoạch. Thoang thoảng trong gió, rất xa có mùi thơm ngọt của bắp ngô mẩy hạt… Hương thơm ấy có lẽ tháng chạp này bay sang tận Boston cho chị đỡ nhớ tết quê…
N.T.V.H (Cà Mau)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét