1.
Bà Lan người vợ cám trấu của ông Đam đã gần bốn mươi năm nay nên rất thuộc tính chồng. Bà có thể giống như chương trình hu gơ gì đấy trên mạng chỉ trong vòng chưa đầy hai giây rưỡi có thể nhanh chóng liệt kê đầy đủ, chi tiết mọi tính xấu và cả những điểm mạnh của chồng. Theo như cách gọi của ông Đam thì tính xấu nên gọi bằng từ chuẩn là khuyết điểm. Nói câu quen thuộc này ông hay co tay lại thành hình mỏ quạ mổ mổ vào không khí phụ hoạ rằng, để bảo vệ sự trong sáng phẩm chất đạo đức của ngưòi chân chính, nhất là những người có địa vị trong xã hội nên tốt nhất ai lỡ có khuyết điểm thì cứ đóng cửa bảo nhau. Gọi chuẩn là phê bình nội bộ. Đây không phải là giấu giếm gì mà hoàn cảnh xã hội ta còn nhiều kẻ không có tính xây dựng, hay thổi phồng những khuyết điểm từ đó làm mất lòng tin với con người. Còn để khẳng định khả năng và chân giá trị của một người đàng hoàng thì các điểm mạnh của mỗi người. Ví thử của tôi tức chồng bà, bà cứ nói thoải mái với mọi người.
Ăn ở với nhau mấy chục năm trời. Con sống, con chết có cả. Nên người ngoài coi ông thế nào bà không biết còn bà thì thuộc lý lịch đời ông trên lòng bàn tay.
Ông Đam tốt nghiệp trung cấp thú y. Hồi ông đặt vấn đề tìm hiểu bà, cô Cầm bạn thân của bà Lan từ bé thấy ông cứ đều đặn ba ngày một lượt đến nhà bà vào những buổi tối đã thì thào hỏi bà.
- Cậu yêu lão hoạn lợn đấy à?
- Anh Đam là hoạn lợn? Bà Lan ngạc nhiên hỏi lại.
Cầm cười sằng sặc:
- Nỡm ạ. Trung cấp thú y tức là y sĩ chữa cho động vật mà ở nước mình chủ yếu là chữa lợn. Giống vật ấy đang là thứ giá trị nhất. Cậu thấy không, nhà tớ phải buông màn, quạt dành cho lợn nằm. Nó nhỡ làm sao thì mất cả đống tiền chứ bỡn. Tớ không ngờ cậu khôn thế. Chàng sắp ra trường đúng không. Cưới đi. Thời buổi nay bác sĩ lợn tha hồ kiếm còn hơn chán vạn bác sĩ chữa cho ngưòi đấy.
Bà Lan còn nhớ như in hôm anh chàng Đam đến nhà bà. Trông mới tội làm sao. Nhà bà bốn ngưòi dù đang ở trong căn nhà gần hai chục mét vuông nhưng lại là phố cổ. Bố mẹ bà người Hà Nội gốc. Đam ta lại dân tỉnh lẻ. Quê lúa, cói, đay. Thành ra anh càng hình như bị át vía. Thộn ra. Nói lúng ba lúng búng. Khi được bố vợ tương lai hỏi anh học nghề gì. Đam đỏ dừ mặt lắp bắp.
- Dạ, cháu học nông nghiệp ạ.
- Đại học à?
Đam ngúc ngắc cổ:
- Dạ trung cấp .
- Nhưng nông nghiệp nó mênh mông lắm. Cụ thể anh học môn gì?
- Cháu… Cháu học thú y ạ…
- Thế có biết chữa lợn ốm không?
Mặt Đam chuyển màu tiết canh, rồi lẳng lặng gật đầu. Bố bà Lan nhô ngưòi ra đằng trước. Miệng gần như reo lên:
- May quá. Thực là trời cho. Vậy thì anh vào chỗ nhà xí kia xem hộ tôi hai con lợn. Không hiểu vì sao mấy hôm nay tự dưng chê cám. Mà thức ăn có phải xoàng như ở nhà quê đâu, toàn nấu với nước rác xin các nhà buôn bán ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào…
Không dè vì nhờ sự mát tay của Đam, hai con lợn nhà Lan khỏi ốm. Đam - Lan nên vợ nên chồng cũng vì hai con lợn ấy.
Ngẫm lại bà thấy đúng là vợ chồng bà tựa lợn mà đi lên thật. Nhờ tay nghề của chồng bà nên lứa lợn nào của vợ chồng bà rồi cả của hai cậu em bà đều lớn như thổi. Lứa nào ăn lứa ấy mặc dù sống giữa phố phường, trong những căn nhà chật chội, đến độ sáng ra đi vệ sinh còn phải chờ nhau mà con nào con ấy tăng trọng vùn vụt. Cám bã thì không phải lo vì Đam trong ngành nông nghiệp, lại khá có chuyên môn trong việc chữa trị lợn nên khối ngưòi phải nhờ vả. Chữa lợn giỏi nên sinh nhiều mối giao du rộng với đủ loại người trong xã hội. Lợn nó cũng như người có phải lúc nào cũng khoẻ mạnh, suông sẻ cả đâu. Kể cả lợn nhà ông Vụ trưởng, hay tổng biên tập cũng thế thôi. Anh, chị ỉn đang nuôi ngúng nguẩy một chút là y sĩ Đam có giá ngay. Mà thời đó viên chức tử tế sống bằng đồng tiền sinh ra từ con lợn là chính. Cái giống cổ truyền ấy mới vững chắc chứ anh chó Nhật, vẹt Hồng Kông rộ lên một thời kiếm tiền triệu đấy nhưng cũng nhanh chóng xẹp như dán. Thế là trong một lần Đam đến chữa trị cho lợn cho một ông phó tổng biên tập một tờ báo lớn…
Không biết hôm Đam đến nhà ông tổng biên tập thế nào chỉ biết sau này mỗi khi nhắc lại chuyện này chồng bà có vẻ rất tự hào và đắc ý lắm. Ông Đam kể rành rành. Vị Tổng biên tập này tên là Ngao. Thân hình bộ dạng của ông thì ngược hoàn toàn với cái tên có vẻ to lớn, dữ tợn. Tổng biên tập Ngao thấp, lùn, mặt tròn như cà bát, thủng thỉnh ra nhìn Đam đang hoà thuốc vào cám. Nhìn bàn tay chùn chũn ngắn ngủn của Đam gang mõm lợn đổ gọn từng thìa thuốc vào mồm chú ỉn. Ông gật gù hỏi:
- Trông cậu khéo tay đấy. Chắc chuyên môn cũng khá.
- Thế ông trả lời thế nào?
Nghe vợ hỏi, ông Đam vểnh mặt lên hứ một tiếng:
- Tôi biết ông này rất nể tay nghề và sự mát tay của tôi. Hơn nữa vợ ông này tham, nhà cửa trông qua cũng thấy giầu bự. Xe Pha vô rít hai cái, đài Ri gông đa. Nhà rộng bét cũng năm mươi mét vuông không kém. Vậy mà bà ấy ngăn lại nuôi những năm con. Từng nấy (ông Đam vẫn không bỏ được thổ ngữ quê mình) con ấy mà đồng loạt đổ bệnh thì cứ gọi là đổ hàng đống của ra sông.
- Tôi hiểu rồi. Thảo nào ông ấy lấy ông về toà báo cũng có cái lý của nó .
- Chứ sao.
Đam ta được chuyển về làm biên tập chuyên giữ mục “làm sao cho vật nuôi mạnh khoẻ” để trả lời bạn đọc là vì thế. Từ dạo Đam về giữ mục chăn nuôi của báo, tiền vào nhà ông phó tổng biên tập bằng con đường chăn nuôi ào ào. Đến nhà ông ngưòi ta tưởng đến trại chăn nuôi. Lợn dăm con trắng lôm lốp, mông to như mông đầm kêu eng éc, ủn ỉn. Mùi nước đái thỏ, chuột bạch nuôi để bán cho viện Vệ sinh dịch tễ khai mù. Vẹt Hồng Kông Tổng Ngao bảo nuôi để chơi chứ không kinh doanh cũng có dăm chục con vừa kêu loét choét vừa mổ nhau cheng chéc.
2.
Khổ nỗi đời con người tưởng ngút ngát, vô hạn nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại thấy ngắn tũn. Mới hôm nao đi đứng rung rung, ngực nổi bắp nhô ra phía trước. Bắp đùi sờ vào như quả lốp bơm căng. Bia rượu uống không biết say. Cơ cấu cơ quan còn là lực lượng kế cận thế mà thoáng một cái. Ngực lép lại, sờ vào đùi thấy nhẽo nhèo. Gặp bè bạn toàn hỏi “áp huyết, độ đường trong máu của ông thế nào” rồi đùng một cái cầm sổ hưu.
Ngày đầu tiên về hưu, vì bà mãi ru cháu nội cho bố mẹ nó đi làm kịp giờ nên không mấy để ý. Quá tám giờ xuống tầng một thấy ông chồng quần áo nghiêm chỉnh đang nhấp nhổm ngồi. Chốc chốc lại nhìn đồng hồ. Mồm lẩm nhẩm “tay lái xe này đúng là…Kì này phải nhắc văn phòng… ”. Ông nói đến lần thứ ba thì bà mới nghe thủng câu ông chồng nói. Bà lặng lẽ đến gần chồng nhấc chiếc cặp sang một bên, rồi khẽ nói vào tai ông:
- Thế ông quên là đã về hưu rồi sao.
Nghe bà nói, ông trợn ngược mắt lên. Đứng sững giữa nhà một hồi lâu rồi lẳng lặng cởi quần áo dài treo lên mắc áo. Thở dài rồi lẩm bẩm khẽ khẽ:
- Ừ nhỉ. Tôi quên mất.
Mấy tháng đầu ông Đam về hưu thì bà Lan thấy ông hơi buồn buồn. Bà nghĩ ông chưa quen với không khí về hưu. Đọc báo, xem ti vi chán. Ông ra ngắm con vẹt Hồng Kông. Nhìn cái đầu xanh lét của con vật gật gật như chào bà thấy mặt chồng bà tươi lên, đầu ông đà đận gật gật như đáp lại. Vả lại thời gian đó thỉnh thỏang ông lại được cơ quan cũ cho xe đến đón đi dạy lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nào đấy. Hoặc giả có doanh nghiệp, cơ sở chịu ơn hồi ông còn làm phó tổng biên tập.
Xe cơ quan cũ đến đón thì khỏi nói, vì mấy cậu lái xe ít nhiều cũng biết ông. Chuẩn xác về giờ giấc nên cứ đúng giờ là xe xịch trước cửa. Còn khi ông nghỉ rồi, xe chưa đến họ đã điện trước “anh, hay chú sửa soạn đi, cháu hoặc em đến là đi luôn”. Còn cánh doanh nghiệp đến đón ông thì bao giờ cũng khề khà uống nứơc. Chồng bà lại cười hề hề theo giọng anh hoạ lợn nhưng ai cũng bảo nhờ giọng cười ấy mà ông làm nên. Một giọng cười cố tạo ra sự choang choang, hể hả thường có ở những thủ trưởng xuất thân hạ tiện nhưng biết quảng giao, dễ tính tuy rất nguyên tắc theo kiểu lạt mềm buộc chặt. Nghe khách trần tình, ông nghiêng hết tai nọ sang tai kia không biết vì chăm chú hay nghễnh ngãng, xong lặp lại câu nói quen thuộc:
- Báo ấy có bài phê bình cậu hả. Để tí nữa tớ phôn cho tay tổng biên tập nhắc nó.
Ông doanh nghiệp nghe ông nói tròng mắt lộn lên ngạc nhiên:
- Anh nói được cả Tổng biên tập cơ á.
Chồng bà cười điệu cười trăm lần giống một trăm với độ răng nhe, môi mở chuẩn mực tàu:
- Chứ sao. Thằng cha ấy trước tớ dạy nghề chứ ai. Nó coi tớ là sư phụ. Nói gì chả nghe. Yên tâm đi.
Rồi những năm sau xe đến đón ông thưa dần, rồi vãn hẳn. Ngày ngày ông đọc báo rồi nói một mình.
- Làm báo mà dốt thế không biết. Tin quan trọng hàng đầu mà để trang ba. Thế nào ban tuyên huấn kì này cũng có ý kiến cho mà xem.
Ban tối ngủ gà ngủ gật lơ mơ nhìn lên truyền hình, chốc chốc ông lại choàng tỉnh, cau mặt chỉ lên ti vi, đầu lắc lắc, mồm lẩm bẩm:
- Bọn truyền hình dạo này dở quá. Quảng cáo chen ngang thế này hỏng hết nội dung. Thế mà các bố để yên được… Không cạo bọn này không sửa.
Nghe ông nói bà thoáng bùi ngùi thương chồng vì biết ông đang nhớ nghề.
Đến năm thứ sáu khi chồng bà về hưu thì bà bất ngờ thấy lo.
Sự lo này bắt đầu vào một đêm chớm đông. Thằng cháu nội học lớp hai chắc vì ban ngày mải chơi quá nên tự nhiên ngồi dựng dậy, khua chân múa tay, rồi cười sằng sặc. Rồi tiếng con trai bà nói to:
- Bố tắt đèn đi cho hai đứa ngủ chứ.
Bà Lan choàng tỉnh và giật mình khi thấy phòng khách sáng trưng. Tiếng lạt xạt, lào xào. Bà nhìn đồng hồ mới biết lúc đó mới là ba giờ kém mười lăm. Tiếng con trai bà lại vổng lên:
- Bố làm gì mà để đèn lâu thế?
- Tao phải đi ?
- Bố đi đâu? Bây giờ mới có ba giờ sáng .
Nghe tiếng nhấm nhẳn của con trai, bà Lan lặng lẽ đi xuống phòng khách. Thêm một lần bà giật mình khi thấy chồng bà mặc quần áo tề chỉnh đứng trước gương ngắm nghía. Một lúc sau ông rút chiếc ca vát thắt sẵn màu tiết dê choàng vào cổ. Ông kéo nút ca vát, lấy lựơc chải đầu.
- Ông đi đâu bây giờ đấy?
Chồng bà không ngoảnh lại, giọng ông hơi gằn như bị làm phiền:
- Bà này hay thật. Hôm nay giao ban trên tuyên giáo.
Bà Lan đến bên chồng dịu dàng:
- Thôi thôi. Ông vào ngủ đi .
- Sao lại ngủ. Tôi nghe bà để trên cạo tôi trắng gáy à? Bà lạ thật.
- Nhưng ông về hưu rồi kia mà?
Ông chồng bà cau mặt hỏi lại bà. Tay sờ nút ca vát. Mặt ngắn lại, mắt lồi ra.
- Về hưu…. Thật thế à? Ừ nhỉ.
Bà Lan cố không cười:
- Ông xem kia. Đang đêm thế này.
- Bây giờ vẫn là đêm à? Thế thì bà tắt đèn đi.
Nói xong ông không nhìn vợ, thở dài, cởi quần áo, rồi lặng lẽ đi về phía giường mình .
3. Phàm là đàn bà thì trong quan hệ bạn bè bao giờ cũng chia thành hai loại. Loại thứ nhất không ưa nhau thì gặp nhau lần đầu sau đó ba bẩy hai mốt ngày thành kẻ thù. Loại thứ hai thì từ bé đến khi về già luôn dính với nhau. Cái gì cũng thì thào chia sẻ. Tình bạn của bà Lan với bà Cẩm thuộc loại thứ hai.
Loanh quanh, dắt díu nhau, lôi cả chồng con vào. Rút lại từ bạn bè thành thông gia. Thằng Đạo con trai lớn nhà Lan, Đam lấy con gái thứ hai nhà Cẩm, Dũng (tên chồng bà Cẩm). Hai nhà gắn bó như một. Các thế hệ hàng phố nhìn vào sự thông gia của hai nhà đó mà thèm. Người gìa bảo “hai nhà ấy tốt phúc quá, đã thân lại càng thân. Tha hồ bù trì cho con cái”. Đám trẻ ghen với cu Đạo “nó lấy được cả vợ xinh, nghề ngỗng ổn định lại được bố mẹ vợ coi như con đẻ. Gì cũng dúi cho”. Ấy vậy mà một việc thật vu vơ xẩy ra khiến nhà thông gia keo sơn như thế bỗng có chiều rạn nứt. Mặc dù bà Lan nói hết nước hết cái với bà bạn đã gắn bó với nhau gần sáu chục năm trời. Từ khi chưa biết mặc coóc xê cho đến khi phải rủ rỉ mách nhau cửa hàng spa xoá nếp nhăn mỡ dưới mí mắt. Bà Lan cực chẳng đã vừa lào khào vưa xin lỗi bà Cẩm vừa chê chồng:
- Bà bỏ qua cho ông ấy. Nói gì thì nói ông ấy cũng đâu có phải ngưòi Hà Nội gốc như tôi với bà. Chỉ có tôi với bà, tôi bảo thật. Ngưòi nhà quê ra tỉnh dù có ở Hà Nội đến khươm niên thì vẫn không thoát cái đuôi sĩ diện hão ấy. Bà nghe tôi bỏ qua cho ông ấy, cho các con các cháu nó đỡ tủi…
- Thì hãy biết thế. Dưng mà…
Bà Cẩm hơi nhếch mép…
Đúng là chuyện chẳng có gì có thể xem là quan trọng, nó cũng như làn gió thoảng qua vậy mà…
Hôm ấy ngay sinh nhật thằng Bi cháu nội ông bà Lan, Đam: cháu ngoại ông bà Cẩm, Dũng. Nhìn thằng cháu ba tuổi lũn chũn chạy. Mắt mở hết cỡ hết nhìn bố mẹ, rồi lại nhìn ông bà nội, ngoại xong chúm môi thổi ba ngọn nến cắm xung quanh con lợn làm bằng bơ trắng xoá. Mắt, môi điểm sô cô la thì bà Cẩm nhoẻn cười hỉ hả nói:
- Đích tôn ông bà tuổi lợn. Ông nội cháu thủa hàn vi cũng nhờ lợn mà nên cơ nghiệp.
Ông Đam nghe bà thông gia nói giật mình, đặt chén nứơc vừa nâng lên:
- Bà nói thế là ý gì?
Bà Cẩm vẫn vô tư:
- Thì ông học trung cấp thú y. Cái nghề tưởng vớ vẩn ai ngờ nó lại hay thế.
Mặt ông Đam đỏ hắt lên:
- Cái bà này. Thú ý là thú y thế nào. Tôi đường đường là Phó tổng biên tập một tờ báo lớn chứ đâu phải hạng vớ vẩn mà mà… bà
Bà Lan nghe chồng nói giơ tay nói nhẹ:
- Bà ấy nói thế có hệ trọng gì.
- Ông đúng là Phổ tổng biên tập, tôi có bảo gì đâu mà chỉ nhắc lại cái sự vượng nhà ông nó lợn mà nên.
Ông Đam đứng phắt dậy:
- Bà này đừng có gần chùa gọi bụt bằng anh bỉ mặt tôi như thế. Gì thì gì cũng phải có thang bậc, lớp lang. Thân thì thân thật những đừng vì thế mà xỏ lá, quàng xiên là không được. Tôi là tôi được cả thiên hạ vì nề, nên không thể…
Thằng Bi nghe thấy ông nội quát ầm ầm oà ra khóc. Thằng Đạo xót con ôm chầm lấy thằng bé, lâu bầu:
- Thú y thì đã làm sao. Bố lạ thật, đang vui…
- Cái thằng này bố mày bằng thật mà mày lại bênh ngưòi ngoài xỉ nhục bố mày, rồi đời con mày nữa nó sẽ theo gương, mày sẽ lãnh đủ thôi.
Ông Dũng thông gia cười hích một cái rồi bấm vợ đứng lên, lặng lẽ ra ngoài. Ông Đam cũng lẳng lặng đi lên gác.
Căn phòng đang rộn rã bỗng lạnh băng. Con lợn bơ trắng môi và mắt điểm sô cô la nâu nằm trơ khấc giữa bàn ngổn ngang cốc, đĩa. Hoang toàng như đám cưới đột ngột có cô dâu bỏ trốn.
Quỳnh Mai, 7 tháng 10/ 2012
Nguyễn Hiếu (Hà Nội)
Một câu chuyện ý nhị, sâu sắc.
Trả lờiXóaCâu chuyện thật thú vị,Có lẽ những người cấp cao nghỉ hưu họ đâm ra lẩm cẩm chăng, mình cũng nghỉ hưu 6 năm rồi mà sao cảm thây từ lúc nghỉ hưu tâm hồn mình bỗng trẻ trung,vui vẻ & cuộc sống càng thú vị hơn,bỡi không bị căng thẳng với công việc...có lẽ mình là hưu trí cấp nhỏ nên thoải mái hơn thì phải ! Cám ơn Nguyễn Hiếu bài viết hay lắm ! hấp dẫn ý nhị lắm!
Trả lờiXóa