Ngay buổi chào cờ đầu tuần đầu tiên của đợt thực tập sư phạm, Minh đã bị một cú sốc mà mãi lâu sau anh mới dần dần nguôi ngoai. Những thủ tục cần thiết của buổi chào cờ đã xong, đến lượt thầy Thành, hiệu trưởng, nhận xét về tình hình sinh hoạt tuần qua của trường. Những nhận xét về ưu điểm đã đạt được, những con số phần trăm rất ấn tượng về học sinh đạt điểm mười, về nỗ lực phấn đấu của học sinh, về sự chỉ đạo sâu sát của các vị lãnh đạo bộ phận quản lí trong trường… rồi thầy nhắc đến những tồn tại muôn thuở của học sinh là có một bộ phận đi trễ, không chấp hành nội quy… Bỗng nhiên thầy Thành nhắc đến thầy Cường có một buổi đi dạy trễ đến… sáu phút. Rồi thầy hùng hồn:
- Một thầy giáo có nhiều năm công tác, có nhiều kinh nghiệm, đã từng đào tạo nhiều thế hệ học sinh, nhiều em thành đạt trong xã hội nhưng lại không gương mẫu để học sinh noi theo, tạo một gương xấu cho mọi người… Trước tập thể giáo viên và học sinh, tôi nhắc nhở…
Thầy Thành còn phân tích đại khái rằng sáu phút đi trễ của thầy Cường là đối với mỗi học sinh nhưng thầy Cường đi trễ sáu phút của hơn bốn chục học sinh… như vậy, là mất đến hơn hai trăm rưỡi phút, cộng lại là một buổi… Tai của Minh ù đi và mặt anh nòng bừng. Những tiếng xì xào, râm ran phía giáo viên… có một vài tiếng hả hê ác ý từ phía học sinh “Thầy giáo còn đi trễ nữa là… bọn mình”!
Xong buổi chào cờ, thầy Thành phóng xe ra cổng. Minh tò mò hỏi một đồng nghiệp:
- Sao lại phê bình, nhắc nhở giáo viên trước học sinh như thế?
-À, thực hiện công khai theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ấy mà!
- Sau buổi chào cờ thầy Thành đi đâu thế?
Một giáo viên nhìn Minh như nhìn một sinh vật đến từ ngoài hành tinh:
- Không nên hỏi nhiều! Không thấy thầy Thành ở phòng làm việc tức thị thầy đang đi liên hệ công tác; thấy thầy trên đường vào thị xã là thầy trên đường đi họp với cấp trên; thấy thầy ngồi ở… quán cà phê là để bàn bạc những vấn đề tế nhị; còn gặp thầy ở quán nhậu là thầy đang hòa mình với quần chúng! Hiểu chưa?
Tiếng “hiểu chưa” như một phát súng nã vào cái đầu ngờ nghệch của Minh, một giáo viên thực tập còn mang đầy lý luận sách vở. Chính thầy Cường, người vừa bị nhắc nhở, người giáo viên hướng dẫn thực tập cho Minh đã bộc lộ nhẹ nhàng:
- Ông bà mình có nói “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Em hãy chịu khó tìm hiểu, suy nghĩ rồi hòa nhập vào cuộc sống này, hãy gác lại những lý luận sách vở đi. Thầy chỉ tâm sự với riêng em, trường ta, các vị trí lãnh đạo có vắng mặt cả tuần thì guồng máy vẫn chạy đều. Thầy vẫn dạy, trò vẫn học. Nhưng chỉ một giáo viên đi trễ ít phút thì học sinh ồn ào như ong vỡ tổ ảnh hưởng việc học đến nhiều lớp học khác. Vì vậy, mới có chuyện lãnh đạo luôn nhắc nhở giáo viên phải đi dạy đúng giờ giấc.
Minh nghe những lời của thầy Cường mà như nghe một tiếng thở dài nhẫn nhục, cam chịu. Nhìn mái tóc chớm bạc của thầy mà chạnh lòng. Tuổi nghề của thầy còn nhiều hơn tuổi đời của Minh. Thầy đã qua một thời tuổi trẻ xông xáo, nhiệt tình trong những ngày tháng đất nước còn muôn vàn khó khăn sau ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Những thiếu thốn về vật chất luôn là nỗi ám ảnh cho giáo viên. Phòng học dựng tạm được lợp lá dừa; phên trát đất; bàn ghế là những tấm ván xẻ thô ghép lại với nhau để học sinh học; thầy giáo giảng ở phòng bên này, phòng bên kia nghe rõ mồn một; nên giáo viên phải xuống giữa lớp giảng nhỏ tiếng để khỏi ảnh hưởng lớp học bên cạnh là có thật. Học sinh không mặc đồng phục như bây giờ, quần áo có gì mặc nấy; thậm chí có em mặc quần cộc, đi chân không đến trường là có thật. Những bữa cơm độn mì, bắp vừa lưng lửng bụng; khi lên lớp giáo viên quanh năm chỉ mặc một bộ đồ hơi tươm tất… là có thật. Thế nhưng, ở một ngôi trường không có trống báo giờ, không có bảo vệ trường, cũng không có học sinh trực nhật ấy, mỗi buổi chỉ nghe một lần tiếng kẻng bằng vỏ trái bom để vào lớp; giáo viên dạy xong bài tự ra lớp đổi tiết. Vậy mà, có khi thầy trò đến trưa trầy trưa trật hoặc tối mịt mới ra về. Một thời tình đồng nghiệp thật ấm cúng, tình thầy trò thật tình nghĩa; một thời tính tự giác luôn là thước đo phẩm chất của con người. Bây giờ, chuẩn mực đã khác. Tất cả đã đi vào nề nếp, quy cũ, nghiêm túc về hình thức, công nghiệp về tác phong… không thể tùy tiện về giờ giấc như xưa!
Ngày cuối tuần, sau buổi sinh hoạt lớp, Minh được thầy Thành gọi lên phòng hiệu trưởng để trao đổi những phương pháp làm việc. Sau khi ngồi vào chiếc ghế để trống, Minh đã nghe thầy Thành trực tiếp đi vào vấn đề chính:
- Thầy Cường không hướng dẫn thầy thu các khoản tiền quy định của các cấp à?
- Dạ có…
- Thầy có nắm được các khoản tiền thu vào đầu năm học của từng học sinh trong năm học này không?
- Dạ, em đã thu và nộp danh sách… chỉ còn vài gia đình đang gặp khó khăn… em đã gặp phụ huynh rồi, họ hứa vài ngày nữa sẽ nộp đủ.
- Không, tôi đang nói đến khoản tiền tự nguyện của phụ huynh đóng góp để xây dựng trường lớp kìa…
- Dạ, hôm họp phụ huynh, tất cả không tự nguyện nộp khoản tiền này, em đã gởi biên bản lớp…
- Trường ta năm nào cũng xây dựng sửa chữa nhiều nhưng cấp trên rót tiền về không đủ. Ta phải vận động để “nhân dân và nhà nước cùng làm”, không thể mọi thứ đều dựa vào nhà nước. Thầy lập một danh sách phụ huynh tự nguyện đóng góp tiền xây dựng trường, có chữ ký; mỗi phụ huynh phải nộp là… Thầy phải động viên để mọi người tự nguyện làm nghĩa vụ của mình.
Rồi thầy Thành dứt khoát:
- Thôi thầy về lớp, tôi đợi danh sách phụ huynh tự nguyện trăm phần trăm của lớp thầy.
Minh về phòng giáo viên mà nghĩ về hôm trao đổi với thầy Cường về việc thu tiền. “Dân mình còn khó khăn, trường ta đề ra nhiều khoản thu quá.” Thầy Cường lấp lửng “Không thu được tiền thì trường mình cũng khó khăn trong chi tiêu! Với lại cứ theo cấp trên mà làm cho yên ổn” Thầy còn nhắc nhở chân tình “Các chỉ tiêu cấp trên giao, ta cố hoàn thành. Đừng vì khẩu hiệu “chống thành tích” mà làm giảm chỉ tiêu lên lớp, chỉ tiêu chất lượng học tập của học sinh - thầy cười buồn - kể cả chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch tài chính đấy!”
Thế mà hôm họp phụ huynh học sinh, Minh lại thẳng thắn nói về quyết tâm chống thành tích của trường mà chống thành tích bây giờ Minh mới biết là nó mơ hồ, trừu tượng lắm. Và tai hại nhất là Minh chia các khoản tiền phụ huynh phải nộp thành hai phần bắt buộc và tự nguyện. Dĩ nhiên, không ai tự nguyện đem tiền riêng của mình xây dựng một cơ sở đã khang trang, hoàn chỉnh. Biên bản ghi rõ phụ huynh không tự nguyện đóng tiền xây dựng thu thêm và tất cả đã ký vào biên bản nộp cho hiệu trưởng nhưng hình như chưa được đọc nên mới có chuyện nhắc nhở muộn màng này; nếu không đã có sự chỉ đạo sớm hơn! Bây giờ Minh thấy khó xử! Nói sao đây với phụ huynh! Minh lại đi tìm thầy Cường để được nghe những lời chỉ dẫn mà trong lòng trăm mối tơ rối rắm. Bất chợt, Minh nghe tiếng gọi giật giọng, nhiệt tình:
- Thầy Minh! Thầy Minh!
Minh thắng vội. Chiếc xe chưa dừng hẳn đã có một bàn tay níu ghi đông và kèm theo lời mời sốt sắng:
- Thầy vào đây đã! Thật là không phải, nhưng tình cờ gặp thầy ở đây… Hãy vào với chúng tôi!
Thì ra Minh đi ngang qua quán nhậu của bà Tư Béo. Ở trong quán có vài ba người ngồi. Một người đứng dậy:
- Chúng tôi vừa nhắc đến thầy thì thầy đi ngang qua. Mời thầy ngồi! Chúng tôi cũng vừa gầy sòng thôi. Chúng ta cùng là người nhà cả - Rồi ông giới thiệu từng người – Đây là anh Nam, bố của em Trung; đây là anh Tường, bố của em Sang; đây là anh Tiến, bố của em Thao; còn tôi là Chính thì thầy biết rồi… Bây giờ đủ một bộ “năm anh em trên một chiếc xe tăng…”
Chính kèm một câu hài hước rồi kêu gọi:
- Chúng ta nâng ly mừng cuộc hội ngộ này đã…
Đang buồn bực, gặp cuộc nhậu vui vẻ như thế này, Minh nhanh chóng hòa nhập một cách vô tư. Những câu chuyện trên trời dưới đất; đầu nguồn cuối bãi; nhân tình thế thái cứ tuôn ra trong khi rượu lại chảy vào cổ họng. Rồi câu chuyện quay về đời thường với cuộc sống khó khăn, con cái không nghe lời, thu nhập bấp bênh. Bất ngờ, Tường lớn tiếng:
-Vậy mà… trường còn bắt buộc phụ huynh nộp tiền theo quy định rồi bắt buộc phụ huynh tự nguyện nộp tiền… Tôi thì không nộp một đồng nào cả… con tôi sẽ bị đuổi… con tôi dốt… như đời cha nó thôi…!
Xong ý kiến của mình, Tường ôm mặt khóc hu hu. Minh thấy tình huống xoay chuyển nhanh quá khiến anh không kịp đối phó, đành ậm ừ giả lả:
- Anh Tường hãy bình tĩnh. Chuyện trường hãy để khi khác nói… bây giờ hãy vui cái đã…
Tiến lại thêm dầu vào lửa:
- Tôi thì thấy trường nói mà không giữ lời… tiền hậu bất nhất…
Tường như được thêm sức:
- Đấy! Năm nào cũng nộp… năm nào cũng tu sửa… năm nào cũng hư… năm nào cũng… ồ… ồ… ồ…
Minh thấy lòng chợt buồn. Ở trường thì bị nhắc nhở là không thu được tiền; ở đây, thì bị phản đối vì thu tiền. Minh thấy mệt mỏi khi chưa thật sự lâm trận. Chẳng biết khi thực sự đứng vào đội ngũ giáo dục thì anh sẽ ra sao. Anh muốn thoát khỏi nơi này. Anh Chính đề nghị:
- Chúng ta tạm ngưng cuộc chơi này, hẹn hôm khác tiếp tục. Mời thầy Minh về nhà tôi chơi để cùng nhau nói chuyện…
Đến nhà Chính, thầy Minh mới biết rằng thầy Cường và anh Chính – là chi hội trường chi hội phụ huynh do lớp anh phụ trách- bàn bạc với nhau rằng do thiếu kinh nghiệm nên anh đã cho cha mẹ học sinh ký vào biên bản không tự nguyện nộp tiền xây dựng thu thêm. Thầy Cường và anh Chính âm thầm giúp đỡ anh bằng cách đến từng nhà phân tích, động viên để phụ huynh nộp tiền đúng theo tinh thần chung của nhà trường. Anh Chính đã đưa danh sách phụ huynh nộp tiền với chữ ký gần kín khiến Minh cảm động. Anh Chính dặn:
- Chỉ còn một vài gia đình chưa nộp, thầy có hai cách để chọn lựa là đến nhà động viên, năn nỉ. Nếu họ không nộp thì thầy phải tự bỏ tiền ra nộp… kẻo nhắc nhở nhiều, học sinh tự ái bỏ học thì hao hụt chỉ tiêu số lượng… tội thầy lại nặng thêm đấy, khó khăn hoàn thành đợt thực tập này…
Thầy Minh trố mắt nhìn anh Chính, một phụ huynh hiểu sâu sát tường tận thực tế của trường. Chắc hẳn đây là kết quả của những lần công khai… Anh chưa kịp cảm ơn thì anh Chính nói tiếp:
- Rất may là đa số phụ huynh rất hiểu thực tế của trường, họ cam chịu để con em được thêm cái chữ. Họ cũng thông cảm nỗi khổ của giáo viên khi phải làm “chủ nợ đi đòi nợ” trong những buổi mà đáng lẽ phải dạy kiến thức xã hội cho học sinh. Còn thầy thì thật thà và trong sáng quá…
Cầm danh sách và tiền từ tay anh Chính mà nước mắt thầy Minh rưng rưng. Khi thầy kể những diễn biến của sự việc cho thầy Cường thì được nghe như một lời tâm sự:
- Cha mẹ học sinh trường ta tốt lắm! Họ cũng biết nhiều việc! Tuy nhiên họ không nói, họ sợ, họ cam chịu, nhẫn nhục đến độ không còn sức phản kháng. Họ tin rằng rồi đây nhà trường cũng hiểu về họ, bớt lợi dụng lòng tốt…
Thầy Cường còn dặn:
- Đến cuối tuần em mới đem danh sách quyết toán nhé! Hãy thư thư một chút… Khi ấy em sẽ hiểu…
Điều bất ngờ nhất với thầy Minh là ngay ngày hôm sau, anh Tường đã đem tiền đến tận nơi ở của thầy để nộp. Anh cười buồn và trải lòng:
- Tôi xin lỗi về việc xử sự của tôi hôm qua… có rượu vào ấy mà… mọi người đều hiểu tấm lòng tốt của thầy nhưng các quy định thu tiền thì chúng tôi quen rồi; dẫu bắt buộc hay tự nguyện gì gì đi nữa cũng phải nộp. Hàng năm, chúng tôi được nghe báo cáo sửa chữa nơi này, mua sắm vật kia… với tổng số tiền hàng chục triệu đồng và năm nào cũng chi nhiều hơn thu để rồi sang năm lại tự nguyện nộp với mức tiền quy định sẵn. Thầy nhìn thấy không? Cái cần sửa nhất là lợp lại mấy viên ngói bể, bắt lại bóng điện bị hỏng, trát xi măng lại chỗ nền bị hư, quét vôi lại tường cho sạch đẹp… lại không làm. Đợi kinh phí cấp trên! Tốn bao nhiêu tiền lắm đâu thầy! Còn hòn non bộ trước sân trường tốn cả mấy chục triệu cũng kiên quyết làm cho bằng được, còn những cái bồn hoa… Mà thội! Dẫu sao cũng có làm…
Thầy Minh buột miệng:
- Mấy anh chị không có ý kiến gì sao?
Anh Tường lấp lửng:
- Hội cha mẹ học sinh do nhà trường cơ cấu vào để làm việc cho trường mà! Thôi, thầy nghỉ, tôi nói hơi nhiều.
Dù cố gắng nhiều nhưng thầy Minh vẫn không thu đủ số, thầy phải tự bỏ tiền ra cho học sinh “mượn” để đạt chỉ tiêu trên giao. Khi đã quyết toán danh sách và tiền bạc thu được, thầy Minh được trích lại phần trăm số tiền thu được. Khi thầy tỏ sự ngạc nhiên thì được giải thích đây là số tiền bồi dưỡng cho giáo viên thu tiền xây dựng trường. Là khoản tiền không nộp vào ngân sách nên có trích phần trăm để động viên. Cầm số tiền trong tay, thầy Minh lại tìm đến thầy Cường mà lòng cảm thấy không được vui. Không ngờ tại nhà thầy Cường có rất nhiều giáo viên tập trung. Vừa thấy Minh, thầy Lâm đã lên tiếng:
- Định gọi thầy thì thầy đã đến. Vào đây! Vào đây!
- Dạ, sao lại đông đủ như thế này?
Thầy Tuấn cười:
- À, Liên hoan tổng kết tài chính được lại quả đấy mà!
- Dạ! Hả!?
Thầy Lãm hỏi Minh:
- Thầy đã quyết toán các khoản tiền cho trường chưa?
- Dạ, vừa mới nộp xong.
- Mấy học sinh không nộp?
- Hai…
- Được thối lại bao nhiêu?
- …
Thầy Cường chen vào:
- Đừng nói với em Minh như vậy! Biết rằng quê ta còn khó mà dân nộp nhiều khoản tiền quá, nhiều gia đình rất chật vật. Nhà trường thu tiền rồi chia phần trăm để bồi dưỡng cho người thu là không đúng. Nhưng thôi, ta cứ nhận rồi lại nộp giúp cho một vài gia đình khó khăn…
Thầy Tuấn bộc bạch:
- Người ta thối lại thì mình nhận coi như phụ huynh bồi dưỡng cho ta những giờ lên lớp. Cấp trên cấm chúng ta dạy thêm nhưng đâu cấm ta dạy hết mình. Nhiệm vụ của chúng ta là truyền kiến thức cho học sinh còn chuyện đúng sai trong các hoạt động khác của trường thì ta cứ tin trường ta có nhiều đoàn thể, nhiều bộ phận đang lo cho sự tiến bộ của trường… còn chúng ta lo cho sự tiến bộ của học sinh…
Thầy Cường vẫn từ tốn:
- Em hãy giữ lại số tiền cho học sinh mượn và coi như các em ấy đã nộp… Còn lại, hãy góp vào đây để cùng vui với anh em.
Thầy Lãm vui vẻ, cay đắng:
- Chúng ta ăn “xôi chùa” nhưng không được phép nói “ngọng lịu” nghe chưa!
Thì ra, kết cục cũng không đến nỗi quá buồn như Minh nghĩ. Ở đâu đó rơi rớt một vài tiêu cực, trì trệ nhưng đại đa số là tích cực, tiến bộ. Có một vài biểu hiện tiêu cực như thứ rác rưởi cứ nổi lềnh bềnh trên bề mặt cuộc sống khiến mọi người khó chịu nhưng sự nhiệt tình cống hiến, niềm tin vào cuộc sống như mạch ngầm đang len lỏi trong từng mỗi con người làm ta tin yêu hơn vào cuộc đời này. Dẫu rằng những văn bản của cấp trên có chất hàng đống mà thiếu cái tâm trong sáng, cái tầm đúng mực của những người thầy thì hàng năm những con số phần trăm về các chỉ tiêu vẫn là con số ảo. Ngành giáo dục có đề ra khẩu hiệu “Nói không với thành tích” nhưng hàng năm lại yêu cầu cấp dười báo cáo thành tích căn cứ vào chỉ tiêu đã giao, năm sau cao hơn năm trước; cái vòng luẩn quẩn chẳng biết bao giờ dứt. Thầy Minh bất chợt đặt câu hỏi:
- Sao chúng ta không góp ý trực tiếp mà phải đi đường vòng?
Thầy Lâm quay sang Minh thông cảm:
- Chưa được đâu em! Lời nói mình cho rằng đúng thì chưa chắc được mọi người chấp nhận. Mà ta thì không có quyền… Cái gì tự sinh sẽ tự diệt thôi!
- Sao? Đợi cho cái sai tự tiêu diệt à?
Thầy Cường lại ẩn dụ:
- Em Minh à, giữa dòng nước trong xanh của con sông kia nếu ta cắm một cây cọc thì rác sẽ mắc vào đó ngay. Càng ngày sẽ càng nhiều, có thể có cả xác súc vật chết. Nếu ta không đủ sức phá bỏ nó thì rác rưởi lâu ngày sẽ kết thành bè! Thật ghê tởm! Nhưng đến lúc cây cọc không chịu nổi sức nặng của bè rác thì… Em hiểu chứ!? Đừng thấy bè rác mà kết luận… dòng sông bẩn!
Mới chỉ có mấy ngày thực tập sư phạm mà Minh đã nhận ra nhiều điều. Trước nhất, những giáo điều trong sách vở phải được tưới sinh khí của hiện thực cuộc sống vào mới đủ sức tồn tại. Và, biết bao giá trị đích thực chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng đắn. Bây giờ, anh hiểu vì sao thầy Cường thường được lãnh đạo đưa ra nhắc nhở trong những cuộc họp trong khi nhiều người còn mắc những lỗi nặng hơn.Cái xấu vẫn nhan nhãn ra đấy nhưng cái tốt vẫn sống mãnh liệt, âm thầm. Chỉ cần nóng vội, lơ đễnh thì cái xấu thừa dịp tràn ngập lấn áp cái tốt ngay.
Hình như Minh đã say rồi!
Bóng thầy Cường nhập nhòa trước mặt trong khi hơn bốn chục cặp mắt sáng trong đang háo hức nhìn lên bảng tìm những tri thức mới, nuôi dưỡng một niềm tin.
Minh dụi mắt. Thì ra bóng đêm đã buông và những ngọn đèn đường đang bừng sáng.
Ngô Văn Cư (Bình Định)
truyện ngắn hay. ôi, một nền giáo dục khó tạo ra nhân tài !
Trả lờiXóaThật mệt mỏi với những tiêu cực ,trì trệ trong ngành giáo duc không biết đến bao giờ mới dứt !bài viết thật sâu sắc! hay!
Trả lờiXóaMình đã rời bục giảng, nhưng đọc truyện của bạn cũ Ngô Cư, mình thấy cay mắt bởi những điều bạn viết không chỉ đúng mà còn rất sâu sắc. Cảm ơn bạn tôi với tấm lòng trăn trở và chân thành với "nghiệp gõ đầu trẻ".
Trả lờiXóa- Chúng ta ăn “xôi chùa” nhưng không được phép nói “ngọng lịu” nghe chưa!
Trả lờiXóaThật tâm đắc khi chúng ta nhìn lại giáo dục của ta, cũng là con người VN cả mà; Thầy cô giáo ngày xưa khác ngày nay quá chừng, thậm chí không hiểu nỗi thầy bây giờ đứng bục giảng là vì ai!!!...Mình cũng từng đi dạy rồi xin thôi việc cũng vì "cơm thầy áo cô". Đau lòng lắm, nhưng....Thực trạng giáo dục hiện tại thật khó nói quá. Anh Cư đã nói hộ giùm cho các thầy cô giáo có lương tri nghề nghiệp. Xin cảm ơn anh. Chúc anh viết khỏe và sâu sắc hơn nhé.
.